Tăng cường vai trò của quản lý nhà nước trong phát triển du lịch số
- Khai trương tuyến du lịch “ Sông Hồng & những nhịp cầu”
- Cơ sở hạ tầng đang là điểm yếu của du lịch Việt
- Du lịch cần tiên phong thúc đẩy kinh tế phát triển
Tuy nhiên, để thực sự tham gia vào kỷ nguyên số một cách hiệu quả hơn thì những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, địa phương dành cho du lịch thời gian qua là chưa đủ.
Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG), bà Tuyết Vũ phân tích: Ngành Du lịch là lĩnh vực thực hành liên quan đến người tiêu dùng. Đối với du khách cần hiểu được nhu cầu, mong muốn của họ nhưng du lịch Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng, đặc biệt là từ các đối tác công nghệ như Google…
Lâu nay, thông qua công nghệ, BCG luôn tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng để hiểu, đánh giá chính xác các phân khúc thị trường, xem khách du lịch của từng phân khúc tìm kiếm, làm những gì khi đi du lịch để tìm ra những xu hướng chính nổi bật hiện tại, dự báo xu hướng phát triển trong tương lai.
Quảng bá thu hút khách du lịch qua trang thông tin Hoàn Kiếm 360 độ. |
Cũng theo bà Tuyết, người đi du lịch đang tiếp xúc với công nghệ số rất nhiều. Từ khi chọn lựa nên đi du lịch ở đâu vào dịp nào, họ đã sử dụng công nghệ số, tìm kiếm thông tin và lắng nghe mọi người, nhất là qua các diễn đàn, mạng xã hội. Họ sử dụng điện thoại phương tiện để lựa chọn các hoạt động, chia sẻ thông tin các điểm đến.
Ý kiến từ cộng đồng mạng, nhất là của những người bạn từng đi du lịch đến khu vực họ dự kiến cũng rất quan trọng. Nếu cộng đồng mạng nói không hay về điểm đến, chi phí phục hồi niềm tin với khách hàng cũng vô cùng tốn kém.
Thống kê cho thấy, trên 55% du khách sử dụng thiết bị di động tìm thông tin khi đến 1 quốc gia nào đó, 70% đặt vé và 40% booking dịch vụ qua mạng. Nếu không có phần mềm đặt phòng, đặt vé…, các cơ sở sẽ mất đi một lượng khách rất lớn. Không kể, khách có nhiều thông tin nhưng thiếu kiên nhẫn. Họ sẽ nhanh chóng bỏ qua 1 trang web mất quá 3 giây để tải. Nếu trang truy cập không nhanh đồng nghĩa đơn vị này sẽ mất khách.
Trong hành trình du lịch, họ luôn chuyển động, hay tò mò tìm hiểu và không kiên nhẫn nên cần tính toán nghiêm túc trong việc cá nhân hóa các điểm đến thông qua công nghệ số, giúp khách có thông tin tùy chỉnh, cập nhật sản phẩm, chương trình mới cho họ lựa chọn.
Kết quả phản hồi của khách còn giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tốt hơn nhu cầu của từng nhóm đối tượng để xây dựng sản phẩm phù hợp, có kế hoạch chào mời sát với nhu cầu thực tế của khách hơn.
Phân tích dưới góc độ đào tạo, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nhân lực chất lượng cao là một trong những điểm nghẽn lớn của du lịch Việt.
Cụ thể, yêu cầu của thị trường cần kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp và thái độ làm việc tích cực. Trong khi đó, các chương trình đào tạo về cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... đang đi vào các phân ngành hẹp, thiên về nghiệp vụ, thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo tạo với tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS), thiếu đào tạo thực tiễn (tích hợp học và làm).
Để giải quyết vấn đề này, ngành Du lịch nên tập trung chuyển đổi một cách có hệ thống vào lực lượng lao động du lịch dựa trên các VTOS, tăng cường các kỹ năng và kiến thức thiết thực cho các nhóm ngành du lịch, tiếp thu kinh nghiệm làm việc thực tiễn dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia, cố vấn trong ngành...
Để tăng hiệu quả và cũng là xu hướng chung trong đào tạo thì nên tạo một Digital Platform mang tính mở, kết hợp các cơ sở doanh nghiệp để cùng xây dựng một Open Digital Flatform như một trung tâm phát triển nguồn nhân lực trực tuyến, uy tín và có thể tổ chức ở nhiều cấp độ...
Ông Craig Douglas, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Khách sạn Lodgis cho rằng, hiện nay, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ rất tốt để đào tạo nhân lực, phát triển du lịch. Nhiều đơn vị từng làm các chương trình qua hình thức online hoặc chia sẻ qua tài liệu, video trực tuyến để đào tạo một số doanh nghiệp nhỏ.
Tại Việt Nam, hiện nay Hội đồng tư vấn du lịch đang làm việc với nhiều cơ quan quản lý đào tạo để kết nối các doanh nghiệp cùng tham gia quá trình đào tạo. Đây là ý tưởng tốt nhưng để làm được điều này thì cần có chương trình chi tiết để doanh nghiệp tham gia cùng và đồng thời ứng dụng các phương pháp đào tạo của các doanh nghiệp, khách sạn lớn…
Ông James A.Kaplan, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor cũng cho rằng, Chính phủ cần xem đến các giải pháp số, marketing số… Theo đó, Chính phủ phối hợp cùng khu vực tư nhân, thông qua giải pháp số, xây dựng dữ liệu nhân tạo - Big Data sẽ góp phần thúc đẩy du lịch Việt đáng kể. Bởi lẽ, ngành Du lịch phải tiếp cận hàng triệu nhóm khách hàng, không thể chỉ dùng cách thủ công truyền thống.
Về vấn đề này, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hiện tại Tổng cục đã xây dựng và trình Chính phủ Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Du lịch Việt Nam.
Đề án xác định phát triển du lịch thông minh là một nội dung quan trọng cần tập trung trong bối cảnh số hóa hiện đại và đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thông minh.
Theo đề án này, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch sẽ được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch, hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.