Tái cơ cấu nông nghiệp phải làm giàu cho nhà nông

Thứ Ba, 27/09/2016, 15:39
Ngày 27-9, tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thuỷ lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và kế hoạch liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười. Dự hội nghị có, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ĐBSCL là trung tâm chế biến thực phẩm lớn của Việt Nam, đóng góp hơn 40% trong giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là nơi khởi xướng nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng trong cả nước. Trong quá trình phát triển, ĐBSCL đang chịu những tác động từ tự nhiên. Đặc biệt là biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên nguy cơ “nhấn chìm” nhanh hơn dự báo.

“Những khó khăn trên buộc chúng ta phải tìm cách thích ứng. Tuy nhiên chính sự khó khăn này cũng tạo ra dư địa để cơ cấu lại phương thức sản xuất và quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần phải nhanh hơn, quyết liệt hơn”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Đồng Tháp. 

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan, với nguồn tài nguyên ngày càng ít, sản xuất nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học kỹ thuật thấp… đang đặt ra thách thức cho vùng ĐBSCL. Đồng Tháp đề xuất xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười (gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang) đã được Chính phủ thống nhất và đánh giá cao. Lãnh đạo 3 tỉnh đã ký kết biên bản thoả thuận thực hiện Đề án với mục tiêu xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm quốc gia về nông nghiệp.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ Thuật Nhà nước - người có nhiều đóng góp về nghiên cứu phát triển nông nghiệp nông thôn ĐBSCL cho rằng, giá nông sản ĐBSCL thấp, thậm chí là thấp “đội sổ” so với các nước. Nếu không tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết vùng để tạo ra giá trị gia tăng thì ĐBSCL sẽ tụt hậu so với cả nước. Các địa phương cần phát huy vai trò của cộng đồng vào tái cơ cấu, nhất là phải gắn kết 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và thương mại lại với nhau. Một khi vẫn còn riêng lẻ thì đồng nghĩa với việc nền kinh tế chưa có sức cạnh tranh.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng: “Việc  cạnh tranh hiện nay vẫn còn yếu. Trong khi đó, chúng ta lại bỏ quên những thị trường nội địa như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vốn có sức tiêu thụ rất lớn”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ nêu ý kiến: “Nói đến nông dân bao đời nay là ruộng đất. Nông dân một nắng hai sương và đóng góp rất lớn lao cho đất nước. Chúng ta tìm cách thay đổi đời sống khó khăn của nông dân là phải tìm cách tạo ra một lớp nông dân mới có trình độ cao hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để làm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và môi trường sống, cùng đó phải tái cơ cấu lao động”.

Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đề xuất: “Làm nông nghiệp chỉ giúp bà con no đủ chứ không thể giàu được, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ giúp cho đời sống của bà con tốt hơn. Trong tái cơ cấu có 4 cây và 3 con phải ưu tiên là lúa, cam sành, bưởi da xanh, mãng cầu gai và cá, tôm, bò”.

Tái cơ cấu nông nghiệp giúp đời sống nhà nông tốt hơn. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tái cơ cấu nông nghiệp tạo ra “tác dụng kép” vì vừa có thể khắc phục được những hạn chế trong sản xuất, vừa ứng phó với những thách thức mới. Đối với ĐBSCL, tái cơ cấu trở nên bức thiết hơn bao giờ hết do phải thích ứng với biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước. Mỗi năm, nước biển dâng gây sạt lở đất 500 ha, sụt lún nghiêm trọng 3-4cm, dự báo 45% diện tích đồng bằng bị nhiễm mặn, nguồn nước và chất lượng nước phụ thuộc vào sông Mekong. Vì vậy, phải cập nhật kịch bản chống biến đổi khí hậu xà xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng, quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là những thành tựu của Đồng Tháp được Phó Thủ tướng nhấn mạnh như: giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống còn 52,5%, giảm giá thành 600 đồng/kg lúa, thu nhập của người nông dân được nâng cao. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 78.000 ha đất sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn tạo được 25 dòng lúa giống chịu được khô hạn, nhiều tỉnh có tỷ lệ cơ giới hoá cao, đạt từ 95 – 98%...

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất cũng còn một số hạn chế do việc triển khai chưa đồng bộ, chậm đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khả năng cạnh tranh thấp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, phối hợp với Bộ NN-PTNT lựa chọn các sản phẩm chủ lực để phát triển chuỗi và xây dựng thương hiệu. 

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.
.