Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya
Tết này, đến sóc Bom Bo, bên ánh lửa bập bùng, du khách sẽ được nghe già làng kể chuyện, được thưởng thức các điệu múa, tiếng cồng chiêng, được ăn cơm lam, canh thụt, canh bồi, lá nhíp xào đọt mây rừng; được uống rượu cần do chính đồng bào chế biến...
Già làng Điểu Lên. |
Năm nay 77 tuổi, từng là chiến sĩ du kích thời kháng chiến, già làng Điểu Lên nhớ lại, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ - ngụy liên tục càn phá, muốn đẩy dân vào ấp chiến lược, cắt đứt mối dây liên hệ của người dân với cách mạng.
“Đồng bào S’tiêng chúng tôi kiên quyết không chịu nghe theo. Tới khoảng năm 1963, khi địch vây bắt và khủng bố liên miên thì cả già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã âm thầm băng rừng, vượt suối vào căn cứ Nửa Lon, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào vừa xây dựng lán trại, vừa lao động sản xuất, đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, đi du kích, trẻ em thì làm giao liên, còn phụ nữ thì ngày đêm giã gạo, thực hiện khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân””, già làng Điểu Lên kể.
Thời bình, đồng bào Bom Bo, nhất là những người trẻ hiểu được giá trị máu xương của lớp lớp cha anh, ra sức phát huy đức tính cần cù lao động, chí thú làm ăn với khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Con gái của già làng Điểu Lê - chị Điểu Thị Xia, cho biết, ngay từ nhỏ, chị được thừa hưởng từ cha mẹ những nghề truyền thống của đồng bào mình.
“Hàng chục năm làm nghề, giờ tôi có thể chế biến đủ loại món ăn theo khẩu vị của đồng bào để phục vụ du khách”, chị Thị Xia tự hào. Gia đình chị giờ là gia đình trẻ tiêu biểu nhờ gắn bó với ngành nghề truyền thống.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (gọi tắt là Khu bảo tồn) cho biết, thời gian qua, địa phương đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào trong phát triển nông nghiệp.
“Đáng chú ý, tháng 7/2020, huyện đã hỗ trợ miễn phí heo giống, gà giống cho 18 hộ. Các hộ chỉ bỏ ra chi phí làm chuồng trại, còn con giống, kỹ thuật chăm sóc… đều được hỗ trợ miễn phí. Bên cạnh đó, có 20 hộ được cấp nhà đất trong khu vực lõi của Khu bảo tồn. Từ khi các hộ vào đây sinh sống, những ngành nghề truyền thống như: Đan lát, chế biến rượu cần, dệt thổ cẩm, rèn… đã được vực dậy, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng bản địa đang bị mai một, đồng thời giúp bà con khấm khá hơn”, ông Tuấn cho biết.
Trang phục, các vật dụng thổ cẩm do phụ nữ Bom Bo thêu dệt được bày bán tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. |
Nhiều du khách đến khu bảo tồn khá khang trang này thật sự thích mắt khi được tham quan, chiêm ngưỡng công trình với nhiều hạng mục độc đáo, đặc sắc của đồng bào S’tiêng bản địa, đó là nhà dài, nhà lưu giữ làng nghề truyền thống; đặc biệt là tận mắt chiêm ngưỡng những kỷ lục Việt Nam như bộ đàn đá nặng 20 tấn, bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15m, nặng 600kg...
Hôm đến Sóc Bom Bo, trong tiết trời se lạnh khá đặc trưng của vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ, chúng tôi được nghe già làng kể chuyện, được thỏa thích xem các sơn nữ biểu diễn vũ điệu của người S’tiêng, trai làng múa cồng chiêng bên ánh lửa bập bùng.
Không chỉ thích thú khi được tận mắt nhìn đồng bào dệt thổ cẩm, tạo ra những chiếc áo, túi xách, đan lát những chiếc gùi, du khách còn được thưởng thức rượu cần, được ăn cơm lam nấu ống tre, canh thụt, canh bồi, lá nhíp xào đọt mây rừng… do chính đồng bào bản địa chế biến.
“Năm 2019, Khu bảo tồn đón hơn 17.000 lượt khách, riêng dịp Tết, đón hơn 3.000 lượt. Năm 2020, mặc dù do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng cũng thu hút khá đông du khách khắp nơi đến tham quan, thưởng ngoạn”, ông Tuấn thông tin.
Tìm hiểu về tình hình ANTT, chúng tôi được Trung tá Lâm Tiết Cường – Trưởng Công an xã Bình Minh cho biết, xã hiện có gần12.300 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40%, trong đó đồng bào S’tiêng bản địa chiếm 21%.
“Những năm trước, trong vùng đồng bào vẫn còn mang hủ tục mê tín dị đoan; nhiều bà con nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đã bán điều non, cầm cố đất, bán đất, sang nhượng đất để có tiền tiêu xài và từ đó tài sản cứ dần “không cánh mà bay”, đời sống lâm cảnh khó khăn. Một số thanh, thiếu niên có thói quen ăn chơi, cần tiền vay mượn để mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ… nên tự dấn thân hoặc bị các đối tượng xấu dụ dỗ dẫn đến cảnh “vườn không nhà trống”, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương”, Trung tá Lâm Tiết Cường kể.
Vì sự bình yên của địa phương, bên cạnh làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Công an xã Bình Minh đã trực tiếp vận động, thuyết phục bà con không nghe theo lời kẻ xấu.
Thường xuyên kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể gần gũi, gặp gỡ, tranh thủ người có uy tín làm vai trò “hạt nhân”, “nòng cốt” trong công tác vận động người dân, từ đó nhận được sự đồng tình, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ của đồng bào.
Bà con cũng hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Bà con giờ nhận thức rõ tác hại của tình trạng bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất…
Đồng bào giờ tham gia các phong trào của địa phương, trong đó có phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tố giác tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở cơ sở… Nhờ những nỗ lực cơ bản đó, những mặt xấu, vấn nạn của địa phương đã giảm hẳn. “Tết này, đồng bào sóc Bom Bo tiếp tục sẽ được đón một cái tết yên bình”, Trung tá Lâm Tiết Cường nói.
“Ba tôi kể, Bom Bo ngày ấy là một đơn vị hậu phương vững chắc. Tập quán của bà con là giã gạo ngày nào ăn ngày nấy. Nhưng đúng lúc bộ đội đang thiếu gạo, một số vị cao niên trong sóc đã đưa ra khẩu hiệu: Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, bà Loan kể. Trong không gian lãng mạn mang màu sắc huyền thoại của ánh đuốc lồ ô bập bùng và tiếng chày cụp cum, âm hưởng của tiếng chày giã gạo cùng những rung động của thời trai trẻ lại vọng về, khơi nguồn cảm xúc cho tiết tấu, nhạc điệu của tiếng chày trên sóc Bom Bo từ ấy vang lên. Và sau nhiều lần quay lại Bom Bo, lao động miệt mài, sống cùng, ăn cùng, ở cùng, làm cùng và gắn bó cùng đồng bào S’tiêng trong một thời gian dài, nhiều lúc bị sốt rét rừng, người xanh như tàu lá chuối, tưởng không qua khỏi, nhạc sĩ Xuân Hồng mới viết xong bản nhạc. Đó là năm 1962, nhưng thêm 4 năm nữa, khi không còn chỉnh sửa gì nữa, ông mới phổ biến ra công chúng qua Đài Phát thanh Giải phóng. “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” ngay lập tức đã vượt không gian và cả thời gian, trở thành một bản hùng ca thôi thúc quân dân khắp nơi đánh giặc. “Tôi cũng đã một số lần đến sóc Bom Bo, tôi cảm thấy người dân nơi đây nhớ thương cha tôi như người con của bản làng và tin tưởng trong niềm mong ngóng: “Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày/Về đường này thăm sóc Bom Bo…”, bà Loan xúc động. |