Tìm lại “Tiếng Chày trên sóc Bombo”

Thứ Bảy, 12/02/2005, 06:55

Ai tới Bom Bo bây giờ cũng ngơ ngác tự hỏi: Tiếng chày trên sóc Bom Bo đã từng vang lên chỗ nào; căn cứ Nửa Lon độc đáo và ác liệt từ cái tên nửa lon gạo đổ đi nằm ở đâu? Một vùng quê vang danh trong lịch sử nay đang trở mình phát triển nhưng lại mất dần những dấu tích hào hùng.

Trong sách Địa chí tỉnh Sông Bé có một tài liệu khá độc đáo, đó là bức mật thư của Thống đốc Nam Kỳ Rôđiê ghi ngày 26/6/1904, gửi Chính phủ Pháp, có đoạn viết về Bom Bo như sau: “Phía tả ngạn sông Bé, gần núi Yumbra (tức núi Bà Giá) có một số người thích sống một mình một cõi theo tục cà răng, đốt tro để làm muối. Theo tin tức mà ta thu lượm được thì họ... thích ăn muối cũng như ta thích ăn đường”. Đồng bào vùng Bom Bo bấy giờ sống trong các bom, các sóc và thường xuyên thay đổi địa điểm, nên các chức danh mà thực dân Pháp bày ra hầu như không có tác dụng gì trong việc quản lý bà con. Nhưng rồi, trước họa xâm lăng, để bảo vệ bom sóc của mình, người S'tiêng ở Bom Bo đã trở thành những dũng sĩ quật cường.

Căn cứ Nửa Lon và tiếng chày trên sóc Bom Bo

Năm 1960, căn cứ Nửa Lon nổi tiếng đã ra đời tại Bom Bo. Tại sao lại có tên này? Chuyện kể rằng, bấy giờ khi đoàn cán bộ do Xứ ủy Nam Kỳ và Tỉnh ủy Lâm thời Phước Long về tập kết ở khu vực Bom Bo, đời sống còn khó khăn, kham khổ vô cùng, tiêu chuẩn mỗi ngày mỗi người chỉ có nửa lon gạo tức là khoảng 150g. Số gạo này chỉ đủ để nấu cháo ăn qua ngày.

Và thế là tên "căn cứ Nửa Lon" có từ đó. Đến tháng 11/1963, thế và lực của quân ta ở căn cứ cách mạng vùng Bom Bo mạnh dần lên. Địch lo sợ mở các chiến dịch tiêu diệt. Chúng huy động cả một tiểu đoàn lính ngụy có xe tăng, máy bay và pháo binh yểm trợ. Những trận chiến đấu ở vùng căn cứ Nửa Lon thường diễn ra vào lúc tờ mờ sáng, sương mù dày đặc, các chiến sĩ du kích lẩn khuất trong rừng rậm xé lẻ lực lượng địch ra mà tiêu diệt. Không những bẻ gãy mấy chục trận càn quy mô của Mỹ - ngụy, các cánh quân ta từ căn cứ Nửa Lon còn nhiều lần bất ngờ tập kích các đồn bốt giặc để mở rộng địa bàn.

Bà con S'tiêng giã gạo.

Chỉ với 200 dân, bà con S'tiêng ở sóc Bom Bo đã tạc cho dân tộc Việt Nam một kỳ tích anh hùng. Lịch sử đã ghi lại rằng, vào giữa năm 1964, địch huy động Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 5 biệt động cùng xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ đánh vào khu căn cứ Nửa Lon. Trước tình hình đó, đồng chí Điểu Krú, phụ trách đội du kích Bom Bo đã thể hiện tinh thần bất khuất, trong khi đang bị sốt, vẫn vừa địu con vừa chiến đấu mưu trí, dũng cảm. Khi lừa địch vào khu có bẫy chông, khi dùng vũ khí đánh giáp lá cà, tiêu diệt hàng chục tên địch. Sau trận đánh, ngay lập tức đồng chí được tuyên dương là dũng sĩ diệt địch.

Nhớ lại một thời Bom Bo, và để hiểu được bức chân dung của vùng đất cách mạng nổi tiếng này, ta không thể không thêm một lần nhắc đến tên tuổi những người anh hùng như Điểu Xiêng. Tháng 4/1965, địch tung hai gọng kìm có xe tăng và trực thăng yểm trợ ồ ạt tiến vào Bom Bo, Đắk Nhau, nhằm tiêu diệt bằng được căn cứ Nửa Lon đang ngày càng trở thành lũy thép lớn mạnh. Đồng chí Điểu Xiêng, Xã đội trưởng Bom Bo, một mình cầm cự với cả một cánh quân địch. Sau khi vận dụng hết bẫy chông, hầm chông, bãi chông diệt giặc, bắn đến viên đạn cuối cùng, đồng chí đã tự sát, nhưng không chết. Địch bắt được đem về thị trấn Đức Phong, dụ dỗ không được, chúng tra tấn rồi hành hình đồng chí hết sức man rợ.

Đau lòng hơn là chuyện xảy ra với đồng chí Hồ Thanh Vân, Huyện ủy viên đi công tác qua vùng Bom Bo, bị giặc bắt chặt đầu rồi bêu đầu trên cây cọc lồ ô đặt giữa đường đi qua sóc Bom Bo (đường 10) nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của đồng bào...

Xin được trích nguyên văn tài liệu về sự ra đời của nhạc phẩm bất hủ Tiếng chày trên sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng do anh Hồ Viết Nam, Phó trưởng ban Tuyên giáo huyện Bù Đăng cung cấp cho tôi: “Nhạc sĩ Xuân Hồng có nhắc tới bài thơ viết về dân làng Bom Bo giã gạo của tác giả Võ Hồng Sơn. Theo ông, bài thơ này đã gợi cảm hứng góp phần cho nhạc sĩ sáng tác bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của mình (...). Những đêm vùng rừng núi, dưới ánh lửa bập bùng đuốc lồ ô, không khí rộn ràng như lễ hội, những chàng trai giải phóng đứng bên những cô gái S'tiêng cùng chung cối gạo, mỗi người một chày dài 2m, một cối từ 2 đến 3 người cùng giã. Khi giã, hai chân đứng xếp bằng bất di, bất dịch, nhấc chày lên khỏi cối, người giã chỉ điều khiển đôi vai và cặp mông trong tư thế ấy. Cô gái S'tiêng mặc váy, ngực trần, thấp thoáng trong ánh lửa bập bùng. Họ như những nàng tiên hòa vào khung cảnh dân dã...”. Nhịp làm việc rất căng; cả sóc, cả anh bộ đội giải phóng cùng giã gạo trên một liên hợp 16 cối gạo được khoét dọc thân cây sao lớn: “Đuốc gần tàn nhịp càng thêm rắn rỏi. Bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây. Người chưa ngơi đã sẵn có người thay. Cối gạo vơi đi và rồi gạo lại... đầy”. Vất vả lắm, giã gạo thâu đêm suốt sáng, nhưng trong giọt mồ hôi rã rời ấy vẫn sáng ngời niềm vui chờ tin chiến thắng.--PageBreak--

Trong hoàn cảnh địch đốt phá nương rẫy, Đảng ủy cấp trên đã cử cán bộ đi vận động mua lúa trong dân để lo hậu cần cho chiến dịch. Giữa lúc đó, đồng bào Bom Bo ủng hộ toàn bộ lúa gạo hiện có, nhiều nhà còn ủng hộ cả lúa non đang còn ở ngoài nương rẫy. Đồng bào vùng Bom Bo và Đắk Nhau đã dùng toàn bộ số chày hiện có và còn dùng cả cây sao dài, đục khoét thành 13-16 lỗ cối mỗi cây để “giã gạo tập thể” với chày tay, chày đạp bằng chân. Đúng là những lối giã gạo chưa từng có (nếu máy sát gạo không sớm ra đời, thì những cây sao nguyên thân khoét 16 cái cối giã gạo liền tù tì kia sẽ là một phát minh lớn!). Sau gần 3 ngày đêm giã gạo liên tục, đồng bào đã cung cấp cho chiến dịch số gạo vượt chỉ tiêu cấp trên đề ra. Tính riêng 30 gia đình ở sóc Bom Bo, bà con đã giã được 15.000kg gạo, bình quân mỗi nhà 500kg, giao nộp về trên trước thời gian quy định 15 ngày trong điều kiện máy bay địch thường xuyên quần thảo, bắn phá.

Khát vọng phục dựng một thời Bom Bo

Cây điều (đào lộn hột) đã giúp người Bom Bo làm giàu với tốc độ khó hình dung. Năm 1998, “trung tâm thị tứ”, chỗ Ủy ban xã Bom Bo, chỉ có 6 hộ gia đình là người Kinh, bây giờ, sau 6 năm, thì trong 18.000 dân Bom Bo, quá nhiều người coi Bom Bo như một “miền đất hứa”. Trưởng Công an Phạm Văn Tự và cả Ban Công an xã Bom Bo ngồi thống kê cho tôi bản danh sách những hộ dân trong xã bỏ tiền bán điều ra mua ôtô. Danh sách kéo kín cả một trang sổ tay giấy khổ A4 của tôi. Riêng số nhà mua một lúc cả xe du lịch lẫn xe chở hàng cũng phải hơn 10 hộ, đấy là chưa kể những người giàu, có số tiền gửi tiết kiệm lên tới hơn chục tỉ đồng và mấy chục hécta điều cộng thêm vài nhà nghỉ ở cạnh UBND xã.

Người già ở Bom Bo bảo rằng, nơi này sầm uất đến mức cây xăng thị tứ đỏ đèn 24/24 giờ, xe máy chạy như chuồn chuồn, quán ăn đêm bời bời... Thanh niên từ trong xã Đắk Nhau (nơi ngày xưa căn cứ Nửa Lon đóng) tối nào cũng đi xe máy ầm ầm vượt ngót chục cây số ra Bom Bo uống cà phê, vào mạng Internet xem phim và hát karaoke (riêng ở khu trung tâm xã có 5 quán karaoke). Riêng thị tứ Bom Bo có tới mấy cây xăng. Bệnh viện đa khoa dân quân y kết hợp nằm tại xã, chi nhánh Ngân hàng Phát triển nông thôn Bình Phước to ngang ngửa với chi nhánh đặt ngoài huyện lị Bù Đăng cũng được đặt gần UBND xã Bom Bo. Một nhà văn hóa xã Bom Bo tiền tỉ đang được gấp rút hoàn thiện, ở đó sẽ trưng bày hiện vật lịch sử - văn hóa vùng Bom Bo và “nuôi” cả 50 nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống người S'tiêng làm nhiều sản phẩm du lịch khác phục vụ du khách.

Trung tâm xã Bom Bo hiện nay

Thành lập ngày 1/4/1998, xã Bom Bo là một phần đất, một phần dân của 2 xã cũ Đắk Nhau và Minh Hưng. Dân số của xã Bom Bo giờ có 17.835 khẩu, tăng gấp 3,5 lần so với cách đây 6 năm. Riêng xã Bom Bo, theo thống kê, có bà con người Mông, người Dao, người Tày, người Nùng, người S'tiêng, người M'Nông... Tất thảy 13 dân tộc đến từ hầu khắp các tỉnh trong cả nước. Đêm ở khu sầm uất nhất Bom Bo, có phòng “chát”, suốt đêm, đèn cao áp sáng choang, nhà nghỉ Lệ Hường có tới 30 phòng, nhiều ông bà mặc quần áo người Dao, người Mông đi thanh thản trên đường nhựa, tự tin như đi giữa núi rừng Tây Bắc. Thỉnh thoảng vẫn có các cụ người S'tiêng đóng khố, người gầy như que củi đi xiêu xiêu trong nắng chiều khiến người ta mới nhớ đây là miền núi.

Đội quân giã gạo cách đây gần nửa thế kỷ ấy bây giờ ai còn, ai mất? Một cán bộ xã nói: “Thật ra, mỗi lần có khách hỏi thăm, chúng tôi lại thấy ngượng anh ạ. Lẽ ra phải phục dựng lại những dấu tích của một thời oanh liệt đó. Tối thiểu phải cắm được một tấm biển chỗ nào là căn cứ Nửa Lon, chỗ nào là nơi sóc Bom Bo đã từng đóng. Nhưng...”.

Anh bỏ dở câu nói rồi chỉ cho tôi đường tới nhà Điểu Lên, người từng tham gia tới 40 trận chống giặc bảo vệ Bom Bo, người nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nhau, nơi đóng căn cứ Nửa Lon. Ông Lên cũng là người thân thiết như anh em ruột thịt với nhạc sĩ Xuân Hồng trong những ngày khói lửa và cả sau này khi nhạc sĩ Xuân Hồng mất, già Điểu Lên cũng là người đại diện cho bà con Bom Bo xuống Sài Gòn dự đám tang...

Mẹ vợ già Điểu Lên là cụ Điểu Brơn, năm nay 97 tuổi, vốn là đội trưởng đội giã gạo nuôi quân từng làm nên huyền thoại "Tiếng chày trên sóc Bom Bo". Bà cụ gầy nhẳng, cà răng căng tai theo truyền thống của người phụ nữ S'tiêng. Hai tai bà lòng thòng với hai lỗ đeo khuyên to đến mức nhét vừa cả một cái chén uống nước. Cụ ngồi trong bóng tối căn nhà lụp xụp. Bên bếp là liu riu lửa om than củi đỏ. Khi chúng tôi đến, già Điểu Lên đang ngồi uống rượu trắng với “mồi” là hai con cá to bằng chuôi liềm được nướng cháy sém. Ông là pho sử sống của người dân vùng Bom Bo. Ông kể: “Độ ấy, máy bay trực thăng quần thảo như ruồi. Suốt 3 năm, người Bom Bo không biết thế nào là hạt muối, không biết thế nào là hột gạo. Cứ đốt cây lồ ô thành than, nhặt lấy than đem ngâm nước, lọc lấy cái nước ăn thay muối. Bây giờ cuộc sống thay đổi rồi. Năm ngoái trúng mùa điều, tôi xây căn nhà này hết 60 triệu đồng và tổ chức giết 2 con trâu, 1 con lợn, rất nhiều gà để ăn mừng”.

Khu vực xã Bom Bo huyền thoại xưa giờ chỉ còn ba bốn cây gỗ sao lớn có từ thời “rừng Bom Bo rộn rã tiếng chày khua”. Thế là bà con bèn viết đơn đề nghị lên xã xin chặt một cây lớn nhất trong số đó để mời các điêu khắc gia về tạc một bức tượng cố nhạc sĩ Xuân Hồng to như người thật trong Nhà truyền thống xã. Bom Bo giờ còn là điểm về nguồn của rất nhiều người con nước Việt, điểm đến tham quan đầy trân trọng của du khách nước ngoài. Nhưng chỉ có điều, đất rừng Bom Bo không giữ được cảnh cũ để “lại nghe tiếng chày nhịp nhàng trên sóc Bom Bo”.

Căn cứ Nửa Lon bây giờ thuộc địa bàn xã Đắk Nhau, cách UBND xã Bom Bo dăm cây số về phía các cánh rừng. Chỗ đó chỉ còn là một khoảng đồi rừng hầu như không còn cây lớn, cũng không có dân sinh sống, cũng hầu như không còn dấu tích của một thời đạn bom hào hùng và bi tráng. Ngay cả địa bàn có bà con S'tiêng giã gạo nuôi quân từng sinh sống (sóc Bom Bo) ở cạnh căn cứ Nửa Lon cũng không còn dân cư nữa. Bà con đã “hạ sơn” về lại sóc cũ ven đường nhựa, ổn định cuộc sống từ năm 1984.

Tiếc quá, kinh tế khởi sắc thì lại quên lãng đi một số di tích cách mạng. Khách đến nơi đây chỉ gặp đường nhựa, xe máy và những thương lái thời mới đi bỏ mối “ứng tiền” thu mua điều từ lúc cây điều còn chưa kịp ra hoa

Đỗ Doãn Hoàng
.
.
.