"Sốc!": Bao nhiêu người đã ăn phải heo bị tiêm thuốc an thần từ lò giết mổ Xuyên Á?
Hàng ngàn con heo đã bị tiêm thuốc an thần nằm ngủ li bì tại lò giết mổ có qui mô lớn nhất thành phố bị phát hiện đã và đang gây nỗi bất an cho người dân về cánh cửa "gác cổng" của nhà quản lý. Với công suất chiếm 50% lượng heo cung ứng cho các chợ trong thành phố mỗi ngày tại lò giết mổ này và đã có thời gian hoạt động vài năm nay, nhưng không hiểu vì lý do gì cơ quan quản lý lại không biết?
- Kinh hoàng những lò giết, mổ lợn bệnh/ Lò giết mổ heo trái phép sử dụng mộc lăn kiểm dịch giả/ Thịt heo nhiễm vi khuẩn ‘cực nguy hiểm’ ở lò giết mổ/ Đồng Nai siết chặt quản lý lò giết mổ gia súc
Bao nhiêu người đã ăn phải heo bị tiêm thuốc an thần từ lò giết mổ Xuyên Á?
Hàng ngàn con heo đã bị tiêm thuốc an thần nằm ngủ li bì tại lò giết mổ có qui mô lớn nhất thành phố bị phát hiện đã và đang gây nỗi bất an cho người dân về cánh cửa "gác cổng" của nhà quản lý. Với công suất chiếm 50% lượng heo cung ứng cho các chợ trong thành phố mỗi ngày tại lò giết mổ này và đã có thời gian hoạt động vài năm nay, nhưng không hiểu vì lý do gì cơ quan quản lý lại không biết?
Lò giết mổ heo lớn nhất thành phố bị tiêm thuốc an thần được khám phá ra sao?
Heo nghi bơm thuốc an thần ngủ li bì trong chuồng |
Lực lượng C49B kiểm tra bất ngờ cơ sở Lò giết mổ Xuyên Á. |
Trước đó, vào lúc khoảng 22h30 ngày 29-9-2017, tổ công tác Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49 B, Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT kiểm tra bất ngờ cơ sở giết mổ Xuyên Á (tại số 10, đường 50, Ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, Củ Chi -TP. HCM) phát hiện, hàng ngàn con heo đã bị tiêm thuốc thuốc an thần đang nằm la liệt.
Tang vật là 6 vỏ chai thuốc Combistress (dung tích 50ml, một dạng thuốc gây mê an thần), 51 chai nước dạng truyền dịch loại 500ml (Lactated Ringer's) đã pha thuốc an thần. Với số lượng heo tại 20 ô giết mổ của 20 chủ là: 5213 con( số heo vừa nhập vào cơ sở). Tổ công tác đã lập biên bản, yêu cầu ngưng giết mổ số heo có dấu hiệu nghi ngờ tiêm thuốc an thần. Đồng thời lấy 144 mẫu nước tiểu heo và 3 mẫu thuốc an thần đi xét nghiệm.
Hai nhân viên bị phát hiện đang có hành vi tiêm thuốc an thần vào heo |
Những vỏ chai thuốc Combistres thu giữ tại hiện trường |
Tổ công tác lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm của bà Nhung.
|
Được biết, các thương lái tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ nhằm để thịt heo mềm, dẻo trước khi mang ra thị trường tiêu thụ. Đây là lò giết mổ lớn nhất TP Hồ Chí Minh đã hoạt động được vài năm nay. Với công suất giết mổ mỗi đêm gần 5000 con heo. Nguồn heo đưa về lò mổ này chủ yếu từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, và Bến Tre.
Đại diện cơ sở Xuyên Á là bà Nguyễn Hồng Thắm cho biết bà là chủ mặt bằng trên( rộng khoảng 2 ha), có hợp đồng cho khoảng 20 hộ thuê kinh doanh giết mổ heo. Sau khi được quản lý báo về việc kiểm tra, bà đã đến và đề nghị các thương lái hợp tác cùng đoàn kiểm tra.
Bà Thắm cũng cho biết: "Việc tiêm thuốc an thần cho heo, tôi đã phản đối từ lâu. Tôi cũng đề xuất lắp camera giám sát tại tất cả cơ sở giết mổ tại nhiều vị trí. Là chủ cơ sở giết mổ, nhưng cũng như nhiều cơ sở giết mổ khác, phần lớn chỉ cho thuê mặt bằng, chúng tôi không có chức năng trong việc lấy mẫu giám sát chất cấm hay thuốc an thần".
Gần 50 ngày ăn bánh mì "phá án"
Chia sẻ với PV báo CAND, các cán bộ Phòng 7, Cục C49 B cho biết, được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Cục C49, sau một thời gian dài theo dõi, tổ công tác quyết định "vào trận".
Hơn 1 tháng rưỡi tích cực đeo bám, thâm nhập địa bàn "vào nhiều vai" khác nhau, tổ trinh sát - C49 B nhận thấy thời điểm đã "chín muồi" và bất ngờ ập vào cơ sở giết mổ Xuyên Á vào đêm 28-9, rạng sáng 29-9, bắt quả tang nhân viên tại ô giết mổ của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ngụ Q.12 làm chủ) đang tiêm thuốc an thần cho heo. Hành vi vi phạm nghiêm trọng này từ trước tới nay rất khó phát hiện đã bị lực lượng C49 B "lật tẩy". Chủ cơ sở không thể chối cãi, buộc phải kí vào biên bản ghi nhận vi phạm.
Các CBCS cũng chia sẻ, để bắt được quả tang hành vi tiêm thuốc an thần vào heo của nhân viên tại lò mổ, họ đã phải mất rất nhiều công sức. Kể cả việc phải vào nhiều vai khác nhau: từ công nhân lao công, làm vệ sinh chuồng heo, tới việc trà trộn vào lực lượng người nhà của các thương lái, lợi dụng khi thời điểm xuống heo cấp tập nhất trong ngày là khoảng 18 h chiều tối (với số lượng hàng trăm xe heo từ các nơi đổ về, số lượng hàng ngàn người làm việc ào ạt tại các ô giết mổ). Để bảo mật cho nhiệm vụ, hầu như họ không có thời gian ăn uống ra bữa, chỉ có bánh mì và nước suối. Thời điểm tổ công tác khi ập vào cũng là lúc bắt quả tang 02 nhân viên của ô giết mổ của bà Nhung đang tiêm thuốc an thần cho heo. Cách làm là, nhân viên thứ 1 tiêm thuốc cho heo, nhân viên thứ 2 dùng một loại sơn nước đánh dấu vào mông con heo đã được tiêm. Được biết, công suất mỗi đêm riêng tại ô giết mổ của bà Nhung là khoảng 600 con/đêm.
Bà Nhung cũng thừa nhận, do muốn "cạnh tranh" với các thương lái khác, thịt heo đưa ra chợ phải có màu đỏ bắt mắt, thịt mềm, dẻo sẽ "ăn khách" hơn nên bà đã đồng ý với thương lái cùng thực hiện hành vi này dù biết tiêm thuốc an thần cho heo sẽ gây thịt biến chất.
Khu vực lò mổ có hơn 10 bảo vệ, xe heo về vào cao điểm là 18 h tối. Nhưng khi bắt đầu tiêm tại ô giết mổ nào, thì đèn điện tại đây được tắt hoàn toàn. Việc tiêm cũng không cố định lịch. Có Camera (một số của thương lái, một số của chủ lò) nhưng khi hoạt động thì các camera này đều tắt. Khi có người canh bên ngoài các cửa ô, lần lượt bên trong các ô chứa heo tắt đèn để thực hiện hành vi. Việc tiêm thuốc thực hiện từ 20 h tới khoảng 22 h30, tới 24 h đêm kết thúc. Tới 3 h sáng đem heo giết mổ.
Hơn 1,5 tháng tổ trinh sát phòng 7 - C49 B với gần 10 CBCS hoạt động, đeo bám hàng đêm, thay phiên nhau làm việc cật lực. Họ cũng phải lăn vào làm vệ sinh lò heo nhiều đêm đến sáng về, cơ thể đầy mùi phân heo. Khi phải "vào vai" thực hiện các thao tác "xuống heo" đưa heo vào chuồng chờ giết mổ, phải đi trên những thanh sắt tròn của chuồng heo, thiết kế ở tầm cao hơn 1 mét, chỉ sơ xẩy có thể bị té bất cứ lúc nào! "Cực nhọc nhưng anh em rất vui khi vụ việc nghiêm trọng đã được phát hiện bắt quả tang, có cơ sở căn cứ để đưa ra xử lý. Vì từ trước tới nay, hành vi này rất khó "bắt tận tay, day tận trán". Tổ công tác đã tâm sự với PV báo CAND rất phấn khởi như vậy.
Hiện các lô heo đang được lưu giữ tại cơ sở Xuyên Á để chờ kết quả xét nghiệm. Theo quy định có hiệu lực từ ngày 15-9 vừa qua, hành vi tiêm thuốc an thần cho heo có thể bị phạt từ 30 – 35 triệu đồng trong khi trước đó chỉ bị phạt từ 5-6 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, người sử dụng sản phẩm chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn đến các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, trầm cảm kéo dài.
Xử lý nghiêm những trường hợp bơm thuốc an thần vào heo
Ngày 29-9, trao đổi với PV báo CAND, ông Phạm Tiến Dũng- Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành 1, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ việc giết mổ heo tại cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) do có dấu hiệu tiêm thuốc an thần, đang chờ kết quả xét nghiệm.
Ông Dũng cho biết: “Khi kiểm tra phát hiện heo nằm la liệt, ngủ lì bì là triệu chứng có tiêm thuốc an thần. Cơ quan chức năng đã lấy 144 mẫu kiểm tra nước tiểu có mặt của thuốc an thần không. Việc kiểm nghiệm phải làm thận trọng bởi liên quan việc giải tỏa lô hàng, liên quan đến vấn đề kinh tế rất lớn vì số lượng heo lớn".
Ông Dũng thừa nhận, những loại thuốc trên được dùng trong điều trị động vật trong ngành thú y, nhưng việc tiêm thuốc cho heo trong trường hợp trên là sai mục đích, nhằm mục đích tạo màu, tăng bảo quản.
Trả lời câu hỏi, nếu phát hiện vi phạm thì mức xử lý thế nào? Ông Dũng cho biết, Thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ lấy thông tin từ Chi cục thú y TP Hồ Chí Minh xem là các trường hợp này là đã bị vi phạm lần nào chưa để đưa vào tình tiết tăng nặng.