Sẻ chia khó khăn, giúp nhau vượt qua dịch bệnh

Thứ Bảy, 10/07/2021, 11:34
Giữa muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, người dân TP Đà Nẵng luôn hướng về cộng đồng. Gần 100 tỷ đồng được hỗ trợ kịp thời đến người lao động, những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh thông qua sự kêu gọi vận động của Mặt trận, chính quyền TP.

Những “Siêu thị 0 đồng”, “Cây ATM gạo”, cùng hàng nghìn suất cơm nghĩa tình mỗi ngày được chuyển đến các chung cư, bệnh viện, các khu cách ly y tế…

Ngoài ra, TP Đà Nẵng còn có hàng trăm tổ COVID-19 cộng đồng gõ từng nhà, vào từng kiệt, hẻm không để bà con trong các khu cách ly, hay người dân gặp khó khăn ảnh hưởng dịch bệnh bị bỏ lại phía sau. Họ cũng là “tai mắt” đắc lực của lực lượng phòng, chống COVID-19, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng loạt trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, người từ vùng dịch cư trú, không khai báo y tế, trốn khỏi khu cách ly gây nguy hại dịch bệnh cho cộng đồng... 

11h trưa, trong cái nắng đỏ lửa của miền Trung ngày đầu tháng 7, trước cổng nhà 57 Yên Thế (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), thầy giáo Trương Vĩnh Đặng cùng nhóm giáo viên, bạn bè vẫn tất bật phát những suất cơm nóng hổi cho những người bán vé số dạo, xe ôm, lao động nghèo đứng đợi xếp hàng, giữ đúng khoảng cách quy định phòng, chống dịch.

Các thành viên chương trình “Bữa ăn 0 đồng”, “Bếp ăn tình thương” phát cơm cho người tàn tật, người lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Nhận suất ăn trưa từ chương trình thiện nguyện “Bữa ăn 0 đồng”, anh Nguyễn Văn Minh, một người khuyết tật đi trên chiếc xe lăn, chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng tôi đều khuyết tật đôi chân, không được lành lặn nên sống bằng nghề bán vé số, bánh kẹo dạo tại các quán ăn, nhà hàng. Dịch COVID-19 nên gần 2 tháng không có thu nhập, nay không chỉ được hỗ trợ cho gạo, mắm muối mà còn nhận được những suất cơm từ thiện thế này thì vô cùng quý giá”…

Hỏi ra mới biết, chương trình “Bữa ăn 0 đồng” do thầy giáo Trương Vĩnh Đặng, công tác tại Trường Tiểu học Tây Hồ, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, cùng các đồng nghiệp, bạn bè khởi xướng và thực hiện nhằm giúp đỡ bà con khó khăn trong thời điểm bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. “Để gây quỹ hỗ trợ và tổ chức chương trình, tôi đã đấu giá cây cảnh tự trồng trên mạng xã hội, đồng thời kêu gọi sự tiếp sức của các nhà hảo tâm.

Ngoài chương trình “Bữa ăn 0 đồng”, chúng tôi còn thành lập chương trình “Bếp ăn miễn phí” diễn ra hằng tháng ngay tại cổng Trường Tiểu học Tây Hồ. Kinh phí thực hiện chương trình do các thầy, cô giáo cùng nhau đóng góp; rồi tự tay đi chợ, nấu nướng, gói ghém những suất cơm trao tận tay cho những người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực, với khoảng 200 suất ăn trong mỗi lần thực hiện”, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng nói.

Cũng tại quận Cẩm Lệ, từ 6h sáng, “Bếp ăn tình thương” ở phường Hoà Thọ Đông đã đỏ lửa. Các thành viên Chi hội Phụ nữ tất bật thu mua thực phẩm, chế biến, phân chia suất ăn kịp hoàn tất trước 11h để các tình nguyện viên ở phường Hoà Thọ Đông mang cơm đến cấp phát cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các khu chung cư; người lao động nghèo, sinh viên khu nhà trọ và bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện trên địa bàn quận…

“Bếp ăn tình thương” đặt tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường, duy trì thường xuyên, mỗi ngày cung cấp từ 150-200 suất ăn. Ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch phường Hoà Thọ Đông, cho biết: Ngoài các “Bếp ăn tình thương”, “Siêu thị 0 đồng” thì tại phường còn có mô hình “ATM - Hạt gạo tình thương”. Từ nhiều ngày qua, mỗi hộ nghèo được cấp một thẻ nhận gạo từ 5-10kg gạo tại máy ATM gạo vào ngày thứ bảy của tuần cuối tháng.

Hiện phường có gần 190 hộ đặc biệt nghèo, đã được hỗ trợ gạo hằng tháng từ “ATM - Hạt gạo tình thương” này. Nguồn kinh phí hầu hết được các nhà hảo tâm đóng góp. “Chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để duy trì các mô hình ý nghĩa này, lan tỏa rộng ra để nhiều người nghèo được hưởng thụ và vượt qua khó khăn trong đợt dịch kéo dài”, ông Sơn bày tỏ.

Tại TP Đà Nẵng hiện có hơn 1.650 tổ COVID-19 cộng đồng, mỗi tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình. Đây là mô hình hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh ngay từ cơ sở. Đặc biệt, tổ COVID-19 cộng đồng và lực lượng cơ sở kịp thời phát hiện ngăn chặn trường hợp nhập cảnh trái phép; người đến, về từ địa phương có dịch bệnh.

Điển hình, chiều 30/6, qua công tác kiểm soát, Tổ COVID-19 cộng đồng xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang phát hiện 4 thanh niên quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang lang thang trên đường nên cấp báo cơ quan Công an xử lý, xét nghiệm COVID-19 và đưa đi cách ly tập trung. Từ vụ việc này, cơ quan Công an phát hiện thêm 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam khác.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND phường Thạc Gián, quận Thanh Khê cho hay, phường có 59 tổ COVID-19 cộng đồng, riêng khu vực thiết lập vùng cách ly y tế tam giác đường Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ có 9 tổ. Hơn 15 ngày qua, đều đặn mỗi ngày 2 lần, các tổ COVID-19 cộng đồng trong khu vực đến từng nhà dân thu gom rác thải, vận chuyển ra đầu kiệt để lực lượng chức năng xử lý.

Các tổ COVID-19 cộng đồng còn kiêm thêm nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm bên ngoài gửi vào, đưa đến các hộ dân; tích cực phối hợp lực lượng y tế kiểm tra, theo dõi sức khỏe của người dân trong khu vực; đồng thời, thông báo, đôn đốc người dân đi lấy mẫu xét nghiệm theo đúng thời gian quy định. Các tổ COVID-19 cộng đồng còn ứng dụng 4.0, kết nối điều hành trong khu phong tỏa bằng nhóm zalo. Khi có những thông tin, chủ trương, biện pháp mới, sẽ đưa lên nhóm zalo, các tổ COVID-19 cộng đồng căn cứ vào đó tuyên truyền, thực hiện phù hợp.

Ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng bày tỏ rằng, trong những giai đoạn khó khăn thế này, chúng tôi thực sự rất xúc động trước những đóng góp hết sức, hết lòng của các cá nhân, tập thể doanh nghiệp dành cho công tác phòng, chống dịch của TP. Tổng kết đến nay, tại Đà Nẵng đã có 190 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân  đóng góp với tổng số tiền đã đạt hơn 46 tỷ đồng.

Nhằm động viên, chia sẻ đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và các lực lượng tham gia trực tại các chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các cửa ngõ ra vào địa bàn, lãnh đạo TP đã có chủ trương hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng cho gần 800 CBCS có đời sống khó khăn, với mức hỗ trợ 2-3 triệu đồng/người. Việc làm này nhằm mục đích san sẻ vơi bớt nỗi vất vả cho đội ngũ tuyến đầu trên mặt trận chống dịch…


Tiếp sức tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19

Thấu hiểu nỗi vất vả và nguy hiểm của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) đã đi thăm, tặng quà, ủng hộ động viên tinh thần, tiếp sức cho lực lượng này.

Sáng 9/7, Hội Phụ nữ Công an TP Bà Rịa phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) TP Bà Rịa đã đến thăm hỏi, động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh. Tại các điểm đến, đoàn đã trao tặng lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch 500 kính chắn giọt bắn, 350 hộp khẩu trang, 70 chai nước xịt khuẩn tay, 6 cây dù che nắng cùng nhiều nhu yếu phẩm khác với tổng kinh phí 70 triệu đồng do cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng BIDV Bà Rịa và hội viên Hội Phụ nữ Công an TP Bà Rịa đóng góp.

Cùng ngày, Hội Phụ nữ khối Xây dựng lực lượng Công an tỉnh BR-VT cũng đã đến thăm, tặng 130 kính chắn giọt bắn, 11 thùng nước suối và 20 thùng mỳ với tổng giá trị gần 5 triệu đồng cho các chốt kiểm soát dịch tại các huyện Long Điền, Châu Đức và Xuyên Mộc. (D.Linh – P.Lữ)

Lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH Đà Nẵng cho biết, đã thống nhất chủ trương sẽ trích ngân sách hỗ trợ gần 100 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 100.000 người lao động khó khăn do dịch bệnh COVID-19. 

Theo đó, có 3 nhóm đối tượng khó khăn được hỗ trợ, bao gồm: Nhóm người có công và đối tượng xã hội, nhóm người lao động và hộ kinh doanh chợ đêm. Cụ thể, nhóm người có công và đối tượng xã hội có hơn 56.000 người, nhận mức hỗ trợ từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lần/người. Nhóm người lao động, làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, thuộc các lĩnh vực giáo dục, vận tải, du lịch và một số lĩnh vực khác, có khoảng hơn 33.000 người, được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần đến 3,710 triệu đồng/lần. Còn nhóm hộ kinh doanh chợ đêm, có 256 hộ, sẽ nhận mức hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ. (H.Thu)


Tiếp sức tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19

Thấu hiểu nỗi vất vả và nguy hiểm của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) đã đi thăm, tặng quà, ủng hộ động viên tinh thần, tiếp sức cho lực lượng này.

Sáng 9/7, Hội Phụ nữ Công an TP Bà Rịa phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) TP Bà Rịa đã đến thăm hỏi, động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh. Tại các điểm đến, đoàn đã trao tặng lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch 500 kính chắn giọt bắn, 350 hộp khẩu trang, 70 chai nước xịt khuẩn tay, 6 cây dù che nắng cùng nhiều nhu yếu phẩm khác với tổng kinh phí 70 triệu đồng do cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng BIDV Bà Rịa và hội viên Hội Phụ nữ Công an TP Bà Rịa đóng góp.

Cùng ngày, Hội Phụ nữ khối Xây dựng lực lượng Công an tỉnh BR-VT cũng đã đến thăm, tặng 130 kính chắn giọt bắn, 11 thùng nước suối và 20 thùng mỳ với tổng giá trị gần 5 triệu đồng cho các chốt kiểm soát dịch tại các huyện Long Điền, Châu Đức và Xuyên Mộc. (D.Linh – P.Lữ)

Hoài Thu
.
.
.