Sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra nghiêm trọng
- Nhiều hộ dân vùng ven sông Sóc Trăng thiệt hại tài sản do sạt lở đất
- Quốc lộ 91 đoạn qua tỉnh An Giang tiếp tục sạt lở
Cụ thể, khu vực kênh Rạch Vọp, chợ Cầu Lộ của xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) liên tục xảy ra sụt lún, sạt lở hàng chục căn nhà dân, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong khu vực chợ. Hay tại xã An Mỹ (huyện Kế Sách), tuyến đê sông tại ấp Phụng An đã bị sạt lở gần 40m, lấn sâu vào đất liền khoảng 10m, khiến một số căn nhà của người dân bị mất hết phần sân, ảnh hưởng đến một đoạn đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn và đoạn bờ kè bê tông chống sạt lở.
Ngoài ra, một cống tiêu thoát nước phục vụ khoảng 200ha đất trồng cây ăn trái ở khu vực này bị ảnh hưởng nặng. Tại xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách) xảy ra một vụ sạt lở trên tuyến sông Cái Côn đoạn qua ấp Hòa Thành với một đoạn dài khoảng 20m, ăn sâu đất liền 10m, cắt đứt đoạn đường giao thông nông thôn khiến gần 1.000 hộ dân bị cô lập.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, hiện trên địa bàn tỉnh có 20 khu vực nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài gần 40km. Riêng huyện Kế Sách có hơn 60 đoạn sạt lở với tổng chiều dài trên 1.600m, ước thiệt hại gần 4 tỉ đồng. Tuy các vụ sạt lở gần đây không thiệt hại về người nhưng các công trình nhà ở, đường giao thông, trụ điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không riêng huyện Kế Sách, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, nhất là ở các địa phương ven sông, ven biển có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, như: huyện Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu làm nhiều đoạn đê sông, đê biển, đường giao thông bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền, đe dọa đến tính mạng, đời sống người dân.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, nguyên nhân gây sạt lở chủ yếu là do rừng phòng hộ hoặc thảm rừng phòng hộ mỏng, ít; tác động không nhỏ từ thủy triều, sóng, gió; hoạt động xây dựng làm co hẹp dòng chảy tại các ngã ba, ngã tư tạo dòng chảy xiết; một phần do tác động từ thượng nguồn, phù sa về ít; cũng có nguyên nhân xuất phát từ biến đổi khí hậu, dòng nước ở các sông thay đổi, chảy xiết, nhiều tàu, bè lưu thông gây áp lực làm sạt lở bờ sông…
Sạt lở ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng). |
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, để khắc phục sạt lở, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như: vận động nhân dân không xây dựng nhà ở sát ngã ba sông, khúc sông cong, những đoạn sông, kênh bị sạt lở; vận động di dời nhà cửa đi nơi khác; trồng rừng ngập mặn chắn sóng; tăng cường kiểm soát việc khai thác cát; về lâu dài, cần nguồn kinh phí lớn để triển khai sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai…
Tại Cà Mau, trước tình trạng tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc đi qua 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, trị giá trên 700 tỷ đồng vừa bàn giao chưa đầy năm đã sụt lún, UBND tỉnh Cà Mau vừa ủy quyền cho Sở GTVT thành lập tổ điều tra tìm nguyên nhân sụt lún. Đồng thời, yêu cầu Sở GTVT phối hợp với nhà đầu tư tổng hợp, cung cấp cho tổ điều tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu, văn bản liên quan để phục vụ công việc giám định.
Tại An Giang, sau khi làm việc với sở ngành, địa phương về tình hình sạt lở trên địa bàn vào ngày 7-2, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, với tình hình thời tiết, thủy văn bất thường như hiện nay, dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở đất bờ sông không ở các tuyến sông lớn mà còn xảy ra ở các tuyến kênh, rạch nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh là rất cao. Đặc biệt là các đoạn sông, kênh, rạch đã được cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm.
Do đó, về lâu dài, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn.
“Việc di dời, ổn định dân cư vùng sạt lở hiện nay người dân có nhu cầu rất lớn. Các địa phương phải nhanh chóng có phương án sắp xếp dân cư ổn định theo từng cấp độ, trong đó chú ý các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định để phân kỳ thực hiện. Đối với trường hợp cấp bách, UBND tỉnh An Giang cho chủ trương bố trí dân cư vào các cụm tuyến dân cư có sẵn hoặc sử dụng quỹ đất công của địa phương để bố trí dân vào ở liền, giúp bà con có chỗ ở ổn định”, ông Thư cho biết.