Rác thải nhựa đang gây ra “cái chết từ từ”

Thứ Hai, 29/07/2019, 08:34
Một nữ học sinh Trường Marie Curie Hà Nội đã gửi thư tới hiệu trưởng của 40 trường học để truyền tải thông điệp đừng thả bóng bay trong ngày khai giảng nhằm cứu các loài rùa và chim biển.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie nói, trong thư gửi em Nguyễn Nguyệt Linh, thầy đã đánh giá đây là “một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc”, chắc chắn sẽ được thầy và tất cả các thầy cô Trường Marie Curie ủng hộ.

Theo thầy Khang, trong lễ khai giảng của nhà trường sắp tới sẽ không thả bóng bay lên trời. Và thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019-2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của học trò.

Không xả rác lên trời

Mỗi mùa khai giảng năm học mới, có biết bao nhiêu bóng bay được thả lên trời. Trút bỏ lớp ý nghĩa tượng trưng đó, khi những chùm bóng bay lên, ít ai còn dõi theo hành trình của những chùm bóng và tự hỏi: Chúng sẽ bay đi đâu? Câu trả lời rằng: Chúng sẽ bay cao, bay xa cho đến khi lượng khí trong mỗi quả bóng ít dần và rơi xuống bất cứ đâu trên trái đất này. Và khi đó, chúng lập tức trở thành rác thải khó phân hủy.

Không chỉ thế, nhiều loài động vật trên cạn và dưới nước nhầm tưởng bóng bay, rác nhựa là thức ăn, chúng đã chết vì suy dinh dưỡng với một bụng no rác, một số loài bị mắc kẹt trong rác, biến dạng vì rác.

Bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh – học sinh Trường Marie Curie Hà Nội khiến không ít người giật mình, bởi chúng ta lâu nay vẫn vô tư sử dụng những quả bóng bay, bong bóng trong rất nhiều sự kiện với mục đích gia tăng sự trang trọng, tính thẩm mỹ. Điều này không chỉ gây lãng phí và tốn kém, mà còn làm gia tăng rác thải cho môi trường, vô tình giết chết các loài động vật. Không chỉ thế, việc thả bóng bay có thể gây mất an toàn với ngành hàng không, bóng bay mắc vào các đường dây điện có thể gây cháy nổ, chập điện.

Việc thả bóng bay ngày khai giảng gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường sống.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thì rác thải nhựa đang là vấn nạn môi trường nhức nhối của thế giới và cả Việt Nam, “cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan – những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người”. Vì vậy, chính thói quen sử dụng nhựa, xả rác thải nhựa đang gây ra “cái chết chậm” cho mỗi người chúng ta.

Thay đổi thói quen: Khó nhưng sẽ làm được

Thay đổi thói quen không dùng đồ nhựa là điều không hề đơn giản, nhưng không có nghĩa là không làm được. Không chỉ là thói quen của mỗi người, mà còn là thói quen của các tổ chức, cơ quan, của toàn xã hội. Cô bé Nguyễn Nguyệt Linh đã từng rất thích bóng bay, nhưng khi biết được những tác hại của bóng bay tới môi trường, cô bé đã không bao giờ chơi bóng bay nữa.

Bức thư và thông điệp của Linh đã nhanh chóng được lan truyền và tạo được hiệu ứng tích cực. Thật ý nghĩa khi nhiều trường học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đồng ý không thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học này để tránh lãng phí và hạn chế việc sử dụng nhựa. Và có lẽ, sẽ còn rất nhiều trường học trong cả nước ủng hộ thông điệp này trong ngày khai giảng đang đến gần.

Việc thay đổi nhận thức và thói quen dùng đồ nhựa không chỉ ở người mua hàng, mà còn từ người bán. Ngay hôm nay, mỗi người mua hàng hãy hạn chế dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, tái sử dụng túi nilon sau khi giặt sạch; hạn chế dùng giấy bóng, ruy băng gói hoa, gói quà. Thay vào đó, tăng cường sử dụng ống hút, cốc, túi,... bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần; hãy mang giỏ đựng đồ khi đi chợ, mang theo bình kim loại, hộp thủy tinh khi đi mua đồ ăn thức uống.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bán hàng đã có chính sách thân thiện với môi trường. Một số siêu thị lớn ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút nhựa, đồng loạt gói rau củ bằng lá chuối thay vì sử dụng túi nilon như thông thường. Nhiều cửa hàng ngừng cung cấp miễn phí túi đựng hàng nhằm hạn chế túi nilon dùng một lần và khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi đựng có sẵn khi đi mua sắm.

Nhiều ý tưởng, dự án, kế hoạch tái chế nhựa; sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường như làm ống hút tre, túi giấy, cốc giấy, bút bi giấy... nhận được sự ủng hộ, khuyến khích, hỗ trợ. Ngay từ hôm nay, bất kể ai trong mỗi chúng ta, không phân biệt độ tuổi, giới tính và nghề nghiệp, đều có thể góp phần cứu môi trường bằng những hành động thiết thực hàng ngày.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Hà Nội và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức ngày 9-6 tại Hà Nội đã nhấn mạnh: Hiện nay, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Huyền Châm
.
.
.