Quyết liệt giảm lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp

Thứ Bảy, 21/12/2019, 09:33
“Công tác tuyển chọn ban đầu phải lưu ý, những địa bàn có nhiều lao động bỏ trốn dứt khoát không đưa đi nữa”, đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ LĐ- TBXH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị tổng kết công tác năm của Trung tâm Lao động ngoài nước ngày 20- 12.

Theo Bộ LĐ - TBXH, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xuất khẩu lao động trong thời gian tới là việc phải giảm mạnh được tỷ lệ lao động bỏ trốn của các thị trường lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc đã giảm

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, năm 2019, tỷ lệ lao động Việt Nam xuất cảnh ở các chương trình đưa lao động ra nước ngoài làm việc mà trung tâm phụ trách đã đạt được kết quả tích cực: Chương trình EPS (Hàn Quốc) xuất cảnh đạt 156,2%; Chương trình IM Japan (Nhật Bản) xuất cảnh đạt 133,8%; Chương trình Đức xuất cảnh đạt 104%.

Một điểm sáng đáng chú ý trong đó là tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của Chương trình EPS đều đã giảm mạnh, đạt và vượt cao so với chỉ tiêu, kế hoạch đã thống nhất với phía Hàn Quốc: tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm còn 19,87% (trong khi cam kết giảm là 30%); số lao động cư trú bất hợp pháp trong năm giảm 1.896 người, đạt và vượt 122,5% chỉ tiêu.

Theo đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước, dù tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc thời gian qua đã giảm, nhưng vẫn phải kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng này. Theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, ngoài quy định xử lý đối với lao động cư trú bất hợp pháp, hiện phía Hàn Quốc cũng đã có chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp với mức phạt 20 triệu won (tương đương 20 nghìn USD). Các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi với phía Hàn Quốc để tìm giải pháp, cụ thể đã thực hiện giải pháp truy quét lao động bỏ trốn, ân hạn cho lao động bỏ trốn về nước.

“Việc chưa quyết liệt trong xử lý lao động bỏ trốn là lý do khiến tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vẫn cao. Cùng với đó là chế tài xử lý lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe chủ sử dụng lao động Hàn Quốc và người lao động Việt Nam. Trong khi đó, cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước đối với người lao động trở về còn gặp nhiều khó khăn.

Chênh lệch về thu nhập giữa việc làm trong nước và Hàn Quốc quá cao khiến nhiều lao động tìm cách trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc... Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao tại Hàn Quốc hiện nay”, bà Lan cho hay.

Sẽ dừng tuyển lao động ra nước ngoài làm việc ở các địa phương có tỷ lệ người lao động bỏ trốn cao.

Dừng tuyển ở các địa phương có tỷ lệ người lao động bỏ trốn cao   

Theo Bộ LĐ - TBXH, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc đang tăng nhanh, năm 2017 xấp xỉ 100.000 người, năm 2018 là 143.000 người. Địa bàn xuất khẩu lao động được mở rộng ra một số địa bàn tiềm năng, có hiệu quả như Đức, Úc, Romania, Séc... Lĩnh vực lao động cũng phù hợp, thuận lợi với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để người lao động sau khi hết thời hạn quay về phục vụ đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện và triển khai các chương trình đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng có nhiều tiêu cực. Do đó, thời gian qua, Bộ LĐ - TBXH đã siết chặt việc môi giới lao động ra nước ngoài. Hiện có khoảng 345 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động. Doanh nghiệp ngoài việc môi giới, đưa người lao động ra nước ngoài phải có trách nhiệm quản lý, thậm chí tham gia xử lý nếu có vụ việc sai phạm xảy ra.

Một vấn đề cũng rất được quan tâm là tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp vẫn còn cao. Theo đánh giá của Bộ LĐ - TBXH, tỷ lệ bỏ trốn ở lại cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc đã giảm mạnh, cách đây 4 năm tỷ lệ bỏ trốn là 56%, đến nay toàn quốc còn 26%, riêng Chương trình EPS do Trung tâm Lao động ngoài nước đảm nhận còn 19,87% (trong khi cam kết là 30%), thấp hơn một số quốc gia. Tỷ lệ lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp giảm là do tổng thể các giải pháp như ký quỹ, vận động thuyết phục, công tác tuyên truyền cũng như phía các nước bạn cũng thực hiện nhiều giải pháp.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ- TBXH Đào Ngọc Dung, năm 2020 sẽ tổng kết toàn bộ chiến lược xuất khẩu lao động và sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trước mắt, các chương trình đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ phải triển khai đồng bộ và làm thật tốt công tác đào tạo, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho người lao động.

“Công tác tuyển chọn ban đầu phải lưu ý, những địa bàn có nhiều lao động bỏ trốn dứt khoát không đưa đi nữa. Địa bàn Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long cần được ưu tiên bởi đó là thị trường rất bền vững. Như Đồng Tháp chẳng hạn, không có một người nào bỏ trốn khi làm việc ở nước ngoài, không có ai nợ tiền, thậm chí tỉnh còn tạo điều kiện cho người lao động vay 200 triệu để đi lao động ở nước ngoài. Những địa bàn ấy chúng ta nên ưu tiên", ông Dung cho biết.

Cũng theo ông Dung, để lao động Việt Nam hết hợp đồng về nước đúng thời hạn, các cơ quan quản lý xuất khẩu lao động thời gian tới sẽ có hình thức kết nối, quản lý lao động trước, trong và sau khi lao động từ nước ngoài về để giới thiệu cho các doanh nghiệp trong nước nhằm tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước. Chú ý để đem lại lợi ích tốt nhất cho người lao động, tránh rủi ro và có cơ chế quản lý để khi người lao động từ nước ngoài về sẽ sử dụng đồng tiền kiếm được một cách hữu ích, hiệu quả.

Phan Hoạt
.
.
.