Quá tải hồ sơ xin lắp đặt điện mặt trời

Thứ Hai, 03/06/2019, 08:13
Sau khi ngành điện chủ trương mua lại sản lượng điện mặt trời áp mái sử dụng dư thừa, những trường hợp làm hồ sơ xin lắp đặt điện mặt trời áp mái tăng cao và phải xếp hàng chờ. 

Trước tình trạng giá điện tăng vọt, nhiều hộ dân rất bức xúc và tìm nguồn điện khác thay thế nhằm tiết kiệm tiền điện.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây để giải quyết tình trạng thiếu hụt điện, nhiều hộ dân lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái. Tuy nhiên, do chính sách chưa rõ ràng nên các hộ dân chỉ làm thế nào để giảm bớt tiền điện trong tháng của họ mà thôi. 

Dàn pin năng lượng mặt trời áp mái được lắp đặt trên mái nhà.

Một số thiết bị năng lượng mặt trời kiểu cũ dùng ắc quy để trữ nhưng không hiệu quả. Còn xu thế mới là người dân dùng năng lượng mặt trời áp mái mua bán 2 chiều, nên nếu sử dụng không hết sẽ bán cho ngành điện. Những vướng mắc trong chính sách về thuế và giá, Chính phủ cũng đã tháo gỡ nên từ đầu tháng 4-2019 đến nay, hiệu quả đã thấy rõ rệt. 

Ông Lê Thế Khang, Phó Trưởng Ban Kỹ thuật, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cho rằng: Sau khi ngành điện chủ trương mua lại sản lượng điện mặt trời áp mái sử dụng dư thừa, những trường hợp làm hồ sơ xin lắp đặt điện mặt trời áp mái tăng cao và phải xếp hàng chờ. Nguyên nhân là do lực lượng thi công chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. 

Lợi ích của việc vận động người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái là không phải đầu tư lưới truyền tải, giảm kinh phí và nhân dân cùng đóng góp cho xã hội để giảm tiền phải đầu tư cho  nhiều nhà máy phát điện.

Theo ông Quách Lâm Hưng –Trưởng ban kỹ thuật, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Chủ trương Nhà nước cũng đã có từ lâu nhưng vướng nhiều thủ tục nên đến đầu năm 2019 mới triển khai được điện năng lượng mặt trời áp mái cho khách hàng. Công suất lắp đặt ở từng khu vực phụ thuộc vào công suất máy biến thế lắp đặt của khu vực đó. Vì vậy, ngành điện phải tư vấn cụ thể cho khách hàng để tránh tình trạng quá tải, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng điện năng. 

Cũng khẳng định việc các hộ dân có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái tăng cao và phải xếp hàng chờ, ông Hưng cũng cho rằng, các tấm pin năng lượng mặt trời về không kịp cho các hộ tiêu thụ. Quá tải cục bộ này cũng cần phải tuyên truyền rõ ràng để tránh tác động xấu trên các phương tiện thông tin không chính thống. 

“Cái rất khó hiện nay đó là giá điện, chúng ta phải làm sao cho giá điện phù hợp để tránh những nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư sắt thép, xi măng, họ sử dụng những công nghệ lạc hậu vào để đầu tư. Vấn đề này đã nói rất nhiều rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy thay đổi. Vì vậy, kiến nghị làm sao để thay đổi toàn diện về giá, như vậy mới góp phần tích cực cho chuyện đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Hưng khẳng định.

Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh nằm trong khu vực có nguồn bức xạ mặt trời mạnh. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày và liên tục gần như trong suốt cả năm nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn. 

Tính đến cuối năm 2018, TP Hồ Chí Minh có 906 hộ gia đình, công sở và doanh nghiệp đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Tổng công suất lắp đặt tăng gần 52 lần so với 5 năm trước. 

Riêng Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 19 đơn vị trực thuộc hoàn tất lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại trụ sở với tổng công suất 1.127,9 kWp. Tổng Công ty cũng đang triển khai lắp đặt ở 47 trạm biến áp trung gian với tổng công suất ước tính là 2.658 kWp, dự kiến đưa vào vận hành vào cuối tháng 6-2019.

Với chi phí pin mặt trời giảm từ 10% - 15%/năm, đồng thời còn có các gói bảo hiểm sản lượng điện khi lắp đặt, theo ngành điện, đây là thời điểm thích hợp để điện mặt trời đi vào đời sống của người dân.  

T.Hà
.
.
.