Phát triển điện mặt trời áp mái sẽ giảm áp lực cho ngành Điện

Thứ Năm, 28/02/2019, 06:28
Ngày 27-2, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam”. Thông tin tại hội thảo cho biết, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. 


Dự báo năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước. EVN mong muốn thông qua hội thảo có sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đầu tư phát triển các dự án nguồn điện, trong đó có các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia... 

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong vòng 2 năm qua đã có 365 dự án điện mặt trời tập trung với công suất 29.000 MW được đăng ký đầu tư, trong đó 141 dự án được bổ sung vào quy hoạch. Bên cạnh đó, đã có 95 dự án với công suất đặt 6.100 MWp được EVN ký hợp đồng mua bán điện.

Thực hiện chỉ đạo của EVN về việc tiên phong triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tính đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt được 54 công trình với tổng công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng (công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…), các Tổng Công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97 triệu kWh. 

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành Điện.

N.Hương
.
.
.