Phối hợp phòng chống tội phạm băng nhóm ở 4 tỉnh ĐBSCL
- Chiến đấu với tội phạm bằng "vũ khí" dữ liệu lớn
- Tấn công trấn áp tội phạm dịp cuối năm
- Bắt tội phạm trốn nã biên giới Tây Nam
Từ thực tế đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng nhóm ở Bạc Liêu thời gian qua cho thấy, kết quả đấu tranh của các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang… ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng nhóm ở địa phương.
Vì vậy, Công an Bạc Liêu đã phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh giáp ranh, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng nhóm.
Đại tá Nguyễn Văn Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, tình hình tội phạm hoạt động theo băng nhóm trên địa bàn Bạc Liêu tuy không lớn về quy mô, tổ chức, nhưng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây xuất hiện một số băng nhóm côn đồ, dùng hung khí gây ra các vụ đâm chém, gây bức xúc xã hội.
Nhóm trộm cắp xe máy liên tỉnh bị Công an tỉnh Bạc Liêu triệt phá, đã ra tòa lĩnh án. |
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những băng nhóm có dấu hiệu bảo kê, đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn, giải quyết các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn tranh giành địa bàn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Các băng nhóm này hình thành ở cả thành thị và nông thôn, làm ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn tỉnh.
Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có quốc lộ 63 đi qua, nối liên tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Thêm vào đó, huyện có 4 xã giáp ranh với 3 xã của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu); có chung sông Cái Bé, trên toàn tuyến có nhiều bến đò ngang, cầu bê tông kết nối lộ giao thông nông thôn, giao thương của nhân dân giữa vùng giáp ranh.
Tuy nhiên, lợi dụng đặc điểm này, các đối tượng hình sự trà trộn, ẩn náu hoạt động trộm cắp tài sản, cướp giật, cố ý gây thương tích, tổ chức đánh bạc... làm cho tình hình ANTT diễn biến phức tạp.
Đại tá Bùi Văn Xứ, Trưởng Công an huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết, bọn tội phạm thường câu kết với nhau hình thành băng, nhóm hoạt động trộm cắp tài sản tuyến giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao (Kiên Giang) và huyện Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu). Bọn chúng thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động theo tuyến giáp ranh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, triệt xóa.
Trong năm 2017, Công an huyện Thới Bình (Cà Mau), phối hợp với Công an các huyện giáp ranh của tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, trao đổi 615 tin báo liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội; triệt xóa 7 vụ đá gà ăn tiền, liên quan 43 đối tượng; 6 điểm đánh bài ăn tiền, liên quan 21 đối tượng; hỗ trợ điều tra khám phá 5 chuyên án trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản.
Kết quả đạt được thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình giữa Công an Thới Bình và Công an các huyện giáp ranh, sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân. Góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ANTT, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tại các địa bàn giáp ranh, nhất là trong phối hợp truy bắt “nóng” đối tượng phạm tội.
Thượng tá Nguyễn Văn Định, Trưởng Công an huyện Long Mỹ (Hậu Giang), chia sẻ: việc phối hợp đảm bảo ANTT trên địa bàn vùng giáp ranh cần được cụ thể hóa bằng quy chế; cần xây dựng, duy trì hoạt động Cụm địa bàn giáp ranh đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.
Đặc biệt, để phòng, chống tội phạm hình sự đạt hiệu quả, đòi hỏi Công an các huyện phải thường xuyên nắm chắc tình hình, trao đổi thông tin kịp thời về mọi di biến động của các đối tượng hình sự; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT phù hợp với tình hình, xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT tại các địa bàn giáp ranh; thiết lập đường dây nóng, chỉ đạo lực lượng thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, đối tượng hoạt động phạm tội giữa các địa bàn để có kế hoạch, phương án phối hợp đấu tranh…