Phố biển Nha Trang quyết tâm “xóa sổ” cơ sở phế liệu khu vực trung tâm

Thứ Sáu, 11/10/2019, 09:05
Là điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình du lịch Việt Nam nên những năm qua, hoạt động đầu tư du lịch ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) luôn đổi mới và phát triển. Thế nhưng đâu đó ở phố biển này vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở mua bán phế liệu (MBPL), gây ảnh hưởng xấu đến trật tự giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.


Theo số liệu kiểm kê gần đây, trên địa bàn TP Nha Trang có 167 cơ sở MBPL ở 23/27 xã, phường; tập trung nhiều nhất ở xã Phước Đồng, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc…

Trong số đó có 93 cơ sở được cơ quan chức trách cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD), 74 cơ sở kinh doanh trái phép. 

Tại các cơ sở MBPL nêu trên thường xuyên có 349 nhân công lao động, 2 năm gần đây, nguồn thuế thu được từ 38 cơ sở đăng ký thuế chưa đến 700 triệu đồng, 129 cơ sở còn lại không thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật.

Nhếch nhác tại một cơ sở mua bán phế liệu bên đường Phong Châu, phường Phước Hải, TP Nha Trang.

Trong năm 2018, UBND TP Nha Trang không chỉ 2 lần yêu cầu các đơn vị chức năng cùng chính quyền các xã, phường rà soát, kiểm tra các cơ sở MBPL, mà còn thành lập tổ công tác liên ngành Quản lý đô thị, TN&MT, Tài chính – Kế hoạch, Quản lý thị trường, Công an… kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Qua đó, phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh, PCCC, vệ sinh môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông lề phố và mỹ quan đô thị… tại các cơ sở MBPL. 

Đáng lo ngại nhất là 53 cơ sở MBPL trong khu vực nội thành đều tọa lạc ở nơi có đông dân cư, thậm chí một số cơ sở nằm sâu trong những con hẻm ở phường Phước Long, Vĩnh Hòa rất khó chữa cháy khi có sự cố xảy ra. UBND TP Nha Trang đã ban hành 23 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ 8 giấy ĐKKD phế liệu…

Tuy nhiên, những biện pháp vừa kể trên chỉ mang tính chất tạm thời. Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, trong các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn TP Nha Trang và các quy hoạch chuyên ngành khácchưa đề cập đến quy hoạch cơ sở MBPL. 

“Dẫu vậy việc di dời các cơ sở MBPL ra khỏi khu dân cư trong đô thị là nhiệm vụ cấp thiết cần huy động hệ thống chính trị vào cuộc thực thi nhưng phải tính toán lộ trình, xem xét những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người lao động tại các cơ sở MBPL nhằm đảm bảo an sinh và trật tự xã hội”, ông Tuấn nói thêm.

Mặc dù chưa có văn bản pháp luật quy định hỗ trợ di dời, chuyển đổi nghề nghiệp các cơ sở MBPL, nhưng UBND TP Nha Trang chủ động xác lập và đề xuất định mức hỗ trợ trên cơ sở nhân đôi mức hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo các quyết định của UBND tỉnh. 

Theo đó, mức hỗ trợ di dời mỗi cơ sở MBPL có giấy ĐKKD 12 triệu đồng, cơ sở không có giấy ĐKKD 6 triệu đồng, mỗi nhân khẩu đăng ký thường trú ở cơ sở MBPL được hỗ trợ ổn định đời sống 3,96 triệu đồng tiền gạo trong 12 tháng với định suất mỗi tháng 30kg, mỗi lao động được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp 6 triệu đồng, mỗi cơ sở MBPL được tặng thưởng 6 triệu đồng nếu di dời hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn quy định. 

Lộ trình di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở không có giấy ĐKKD ở 19 phường nội thành trước ngày 30-3-2020 và các cơ sở ở 8 xã ngoại thành trước ngày 30-6-2020. Lộ trình di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở có giấy ĐKKD ở 19 phường nội thành trước ngày 31-12-2020 và các cơ sở ở 8 xã ngoại thành trước ngày 31-12-2021, mỗi lao động được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp 6 triệu đồng. Những cơ sở phát sinh sau ngày 12-1-2018 buộc phải chấm dứt hoạt động MBPL và không được hỗ trợ.

Đề cập đến phương án tiêu thụ nguồn phế liệu từ hoạt động sản xuất và tiêu dùng ở TP Nha Trang sau khi “xóa sổ” các cơ sở MBPL ở các xã, phường, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, mặc dù Sở TN&MT đã có đề xuất sử dụng khu đất gần bãi rác Lương Hòa hoặc bãi rác Rù Rì đã đóng cửa ở xã Vĩnh Lương để xây dựng thí điểm cơ sở thu gom, tái chế phế liệu tập trung, thế nhưng tại cuộc họp do UBND TP Nha Trang chủ trì vào 6-2019, các cơ quan chức trách không thống nhất phương án này. 

Bởi lẽ việc xây dựng thí điểm cơ sở thu gom, tái chế phế liệu tập trung cần phải có thời gian dài để chuẩn bị từ khâu xác lập, phê duyệt quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền; xác lập kế hoạch sử dụng đất, dự toán kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền thiết bị công nghệ, giải pháp xử lý vệ sinh môi trường… 

Mặt khác, năm 2014, UBND TP Nha Trang đã phải nỗ lực bằng nhiều biện pháp mới di dời được hàng loạt gia đình “nhập cư” trái phép trên bãi rác Rù Rì. Vì vậy cần phải dự báo tình trạng tái “nhập cư” trái phép nơi này và những vấn đề về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khi xây dựng thí điểm cơ sở thu gom, tái chế phế liệu tập trung.

Được biết, cùng với việc xây dựng phương án “xóa sổ” 167 cơ sở MBPL theo các số liệu kiểm kê, định mức hỗ trợ nêu trên với tổng dự toán gần 7,4 tỷ đồng, UBND TP Nha Trang đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt kinh phí thực hiện phương án và chỉ đạo các cơ quan chức trách phối hợp tìm kiếm giải pháp xây dựng cơ sở thu gom, tái chế phế liệu tập trung.

Hữu Toàn
.
.
.