Phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh

Thứ Năm, 25/08/2016, 09:23
Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ.


Sáng 25-8, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sâm Ngọc Linh là cây bản địa của Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh (đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m), nơi có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại buổi họp báo.

Sâm Ngọc Linh được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 19-3-1973 ở độ cao 1.800m thuộc dãy Ngọc Linh. Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu, chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư…

Củ sâm Ngọc Linh đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh".

Trước thực trạng khai thác một cách triệt để của người dân, cây sâm Ngọc Linh đã có tên trong danh mục Sách đỏ Việt Nam từ năm 1994.

Tỉnh Quảng Nam đã hình thành Trạm dược liệu Trà Linh để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm này; xây dựng Đề án trồng sâm nhân dân để phát triển diện tích sâm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, Quảng Nam còn hỗ trợ tỉnh Kon Tum cây giống, hạt giống để xây dựng vùng sâm giống, phát triển vùng sâm nguyên liệu và phối hợp Viện Dược liệu, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về cây sâm quý hiếm này.

Ngày 16-8 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN có Quyết định số 3235/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

Để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức buổi Công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ diễn ra vào 14h ngày 29-8 tới.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nơi có dãy Ngọc Linh để sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển, cho biết hiện trên địa bàn tổng diện tích trồng sâm đạt 250ha, tập trung tại các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang.

Cây sâm Ngọc Linh đã và đang trở thành cây xóa nghèo bền vững trên mảnh đất Nam Trà My.

Ngoài ra, còn có 32 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm trên địa bàn huyện Nam Trà My, và đã có 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép trồng sâm, mỗi doanh nghiệp được giao từ 10-20ha để phát triển loại sâm đặc hữu Ngọc Linh.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã gửi báo cáo lên Chính phủ để công nhận sâm Ngọc Linh là sâm quốc gia; đồng thời cấp tem chứng nhận cho sản phẩm sâm củ.

Bên cạnh việc phát triển sâm thương mại, tỉnh Quảng Nam đang lên kế hoạch để phát triển du lịch sâm Ngọc Linh, một loại hình du lịch mới và đầy tiềm năng tại địa phương này.
Ngọc Thi
.
.
.