Phát hiện 30 vụ khai thác khoáng sản cát trái phép hồ Dầu Tiếng

Chủ Nhật, 12/08/2018, 13:49
Ngày 12-8, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Dương và Bình Phước tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trái phép ở khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn giáp ranh giữa 3 tỉnh trên.

Đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: Hồ nước Dầu Tiếng có diện tích 27.000 ha, dung tích 1,58 tỷm3.

 Đến thời điểm hiện tại, khu vực hồ Dầu Tiếng đã cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản cát cho 15 công ty, doanh nghiệp hoạt động với tổng diện tích được phép khai thác là 732,06 ha. 

Hiện có 41 bến thủy nội địa hoạt động tập kết cát trong lòng hồ. Trong đó, Tây Ninh có 20 bến bãi, Bình Dương 19 bến bãi và Bình Phước có 2 bến bãi.

Đại tá Lý Hồng Sinh trao quà lưu niệm cho lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương và Bình Phước

Theo báo cáo tình hình khai thác khoáng sản cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, Công an 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đã tiến hành kiểm tra phát hiện 30 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trên lòng hồ. Lực lượng chức năng của 3 tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế trong hồ để đánh giá tình hình hoạt động khai thác cát trong hồ. 

Qua khảo sát xác định, 82 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác của doanh nghiệp ở trên địa bàn của 3 tỉnh. Hiện nay đang phối hợp di dời 82 tàu trên ra khỏi hồ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến và kiến nghị các vấn đề liên quan đến công tác phối hợp, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn giáp rand. 

Sau hội nghị, đại diện Công an 3 tỉnh đã tiến hành ký kết Kế hoạch phối hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản cát trái phép ở khu vực hồ Dầu Tiếng. Nội dung phối hợp trên các lĩnh vực gồm: Kịp thời trao đổi thông tin, cung cấp hồ sơ phục vụ công tác và tuyên truyền pháp luật; hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn công trình thủy lợi trong khu vực hồ.

Đại tá Lý Hồng Sinh, cho biết thêm: Hiện tại, ranh giới trên diện tích mặt hồ không có cắm mốc hoặc không có điểm để xác định được ranh giới giữa các tỉnh, cũng như ranh giới của các doanh nghiệp khai thác. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp lập lờ khai thác không đúng quy định. Chính vì vậy, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế nên Công an 3 tỉnh kiến nghị đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành làm rõ vấn đề trên để lực lượng Công an thuận lợi trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

T.N
.
.
.