Nứt sụt đất ở trung tâm Đà Lạt: Điều gì đang xảy ra?

Thứ Năm, 27/04/2017, 14:10
Các nguyên nhân chủ quan như sự cố nguồn nước, xe tải trọng lớn, xây dựng… mà trước đó cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng nghi ngờ đã gây ra sự cố nứt đất giữa trung tâm TP Đà Lạt đã bị loại bỏ.


Sáng ngày 27-4, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng tỉnh này và đại diện khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM, cùng Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) để nghe các bên trình bày khái quát toàn bộ diễn biến sự cố sụt, nứt đất tại trung tâm TP Đà Lạt. 

Các nguyên nhân trước đó tỉnh Lâm Đồng nghi ngờ đã gây ra sự cố này, như rò rỉ ống nước thải, nước sinh hoạt, xây dựng, xe tải trọng lớn… đều đã bị loại bỏ.

Sự cố nứt đất giữa trung tâm Đà Lạt diễn biến ngày càng xấu

Đại diện Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng khẳng định, qua công tác kiểm tra, cả hệ thống nước thải và cấp nước sinh hoạt trong khu vực này đều hoạt động bình thường, không phát hiện dấu hiệu bị rò rỉ. 

Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, khu vực xảy ra sự cố nứt, lún đất hiện tại không có công trình xây dựng nào lớn, đường Nguyễn Văn Trỗi là đường nhỏ, lại một chiều, từ trước tới nay đã cấm các loại xe có tải trọng lớn…

Các vết nứt, sụt đất xuất hiện trên nhiều nhà dân

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã loại bỏ những nguyên nhân trên mà tập trung vào 4 nguyên nhân chính, như xem xét khả năng sự cố về cống ngang đã được xây dựng cách đây từ rất lâu; do kết cấu nhà ở, móng không đảm bảo, hầu hết nhà ở trong khu vực là móng đơn; do mưa lớn kéo dài dẫn đến tình trạng trượt đất.

Đáng chú ý, tại khu vực xảy ra sự cố nứt đất trước năm 1975 có một bãi rác, do đó tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành khoan thăm dò địa chất để xác định vị trí của bãi rác này. 

“Nếu trước đây có bãi rác, bị san lấp, phân hủy theo thời gian thì chỉ cần sụt lún vài chục cm thì sẽ dẫn đến tình trạng sụt, nứt bề mặt đất. Tôi đề nghị các đơn vị liên quan phải chú ý đến nguyên nhân này!..” - ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.

Tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Các cơ quan chuyên môn cũng đã đưa ra đề xuất, trước mắt sẽ tiến hành khoan thăm dò, đánh giá tổng thể kết cấu địa chất tại khu vực này, đồng thời lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động khi có dấu hiệu bất thường, thay đổi địa chất. 

Theo thống kê, có 45 gia đình với 218 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp đến sự cố này. Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, các vết nứt đang có dấu hiệu tăng thêm vào sáng nay, có hiện tượng nước bùn xì lên. Lo ngại nhất hiện nay là những vết nứt này bị nước mưa đổ xuống khiến cho diễn biến sự việc ngày càng xấu đi.

Nhiều gia đình di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm trong sáng ngày 27-4
Ở góc độ phân tích theo địa hình, vị trí xảy ra sụt, nứt đất không nằm trong trục đứt gãy địa chất chạy qua tỉnh Lâm Đồng giống như tại huyện Di Linh (Lâm Đồng). Tuy nhiên, mặt đường Nguyễn Văn Trỗi cao hơn mặt đường Phan Đình Phùng, Trương Công Định, nơi xảy ra sự cố sụt, lún đất khoảng 20m. Vị trí xảy ra nứt, lún đất lớn nhất nằm ở độ dốc mạnh, là vị trí tiếp giáp với 2 tuyến đường trên.

Đến sáng ngày 27-4, nhiều gia đình tiếp tục phải di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm dưới sự hỗ trợ của lực lượng Công an, dân quân, dân phòng. Các vết nứt, trượt đất tiếp tục có dấu hiệu hoạt động mạnh hơn. 

Vùng bị ảnh hưởng

Nhiều mảng tường nhà bị bong, tróc, có dấu hiệu xô đẩy nền đất từ hướng đường Nguyễn Văn Trỗi về hướng đường Phan Đình Phùng, Trương Công Định. Thêm một số gia đình không thể đóng, mở cửa được do nứt đất làm thay đổi kết cấu căn nhà. Lúc 12h30 cùng ngày, Đà Lạt tiếp tục có mưa lớn đe dọa trực tiếp tới khu vực nứt, sụt đất.

Chiều ngày 27-4, đoàn chuyên gia về địa chất sẽ khảo sát thực tế để đưa ra những nhận định ban đầu về sự cố sụt, nứt đất bí ẩn, bất thường này.

Kim Ngân
.
.
.