Biển nước bủa vây Chương Mỹ, Hà Nội

Thứ Tư, 01/08/2018, 07:05
Sáng 31-7, chúng tôi đã có mặt tại xã Nam Phương Tiến, nơi ngập sâu nhất của huyện Chương Mỹ. Hầu hết các khu dân cư đều ngập trong nước sâu từ 2-7m. Những ngôi nhà một tầng nước mấp mé nóc nhà. Nhiều vườn cây ăn quả chìm ngỉm dưới nước.


Mặc dù đã qua thời khắc nguy hiểm khi đêm 30-7 đê tả sông Bùi có nguy cơ nước tràn qua mặt đê và đến ngày 31-7, nước đã rút tầm 15cm toàn bộ tuyến đê đã được đảm bảo an toàn, nhưng người dân nhiều xã của huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội vẫn bị cô lập.

Hiện hàng nghìn ngôi nhà vẫn đang ngập nước đến tận nóc và phương tiện đi lại chủ yếu của người dân vẫn chỉ là thuyền và cano. Đáng lo ngại, mưa lớn lại tiếp tục xảy ra trên diện rộng trong những ngày tới.

“Biển” nước bủa vây, hoa màu mất trắng

Sáng 31-7, chúng tôi đã có mặt tại xã Nam Phương Tiến, nơi ngập sâu nhất của huyện Chương Mỹ. Hầu hết các khu dân cư đều ngập trong nước sâu từ 2-7m. Những ngôi nhà một tầng nước mấp mé nóc nhà. Nhiều vườn cây ăn quả chìm ngỉm dưới nước.

Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Chương Mỹ khẩn trương giúp đỡ cứu trợ người dân trong vùng lũ.

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, lũ đã tràn qua các khu vực Tân Mai, Bùi Xá của thị trấn Xuân Mai; Xuân Linh, Bùi Xá của xã Thủy Xuân Tiên. Nước dâng cao đã làm tràn nhiều đoạn của đê Hữu Bùi, làm ngập đê Bùi 2, gây ngập úng cho hầu hết diện tích canh tác ở vùng Hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng Tả Bùi – Hữu Đáy.Nước đã tràn vào 2349 hộ của 10 xã, thị trấn, trong đó các thôn, xóm, khu dân cư bị ngập sâu là Bùi Xá – thị trấn Xuân Mai; Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn – xã Nam Phương Tiến…

Các thôn Yên Trình, Thuận Lương – xã Hoàng Văn Thụ bị cô lập.Trong đó xã Nam Phương Tiến bị nặng nhất có 2.310 hộ bị ngập, 831 hộ bị cô lập. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tám (thôn Nam Hài) cho biết, chỉ trong vòng 10 ngày qua, gia đình chị đã hai lần phải chạy lũ.

Nhà chị có nghề phụ làm mây tre đan nhưng nước dâng quá nhanh, một nửa số hàng hoá đang chuẩn bị đến ngày giao hàng đã bị ngập. “Khổ thân nhất là con gái tôi mới 10 tháng tuổi cũng đã hai lần phải chạy lũ”, chị Tám cho biết. Lần đầu tiên là đợt ngập tháng 10 năm 2017.

Khi đó, chị Tám vừa sinh em bé trở về nhà thì ngày hôm sau nước lũ tràn về. Trong lúc chồng và các con lớn lo di tản đồ đạc thì hai mẹ con chị do sức khỏe còn yếuchỉ biết nằm một chỗ trên tầng hai của ngôi nhà. Và đến năm 2018, tức chỉ 10 tháng sau trận ngập trước, hai mẹ con chị Tám tiếp tục “đón nhận” thêm một trận ngập thứ hai với cường độ và mức nước nặng hơn năm ngoái, chị Tám chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Luyện (thôn Bùi xá, thị trấn Xuân Mai) cũng cho biết,  nước về nhanh, ngập sâu vào nhà kéo theo rác thải sinh hoạt ô nhiễm môi trường khiến người dân bị bệnh về da liễu, mẩn ngứa rất nhiều. Nhiều gia đình trong thôn không kịp thu lúa chạy lũ nên bị thiệt hại nặng, có nhà ước tính đến 1 tấn lúa mất trắng do mưa lũ.

Chiều ngày 31-7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do đợt mưa lũ trên địa huyện Chương Mỹ có hơn 12km đê, hồ, đập bị sạt lở; 35 cầu, cống bị hư hỏng. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng có 3.629 hô dân bị ngập nước, trong đó có 858 hộ bị ngập lối đi, 2.771 nhà bị ngập sâu trong nước từ 0,5-2m; 5.167 người phản đi sơ tán. Ngoài ra, còn có hàng chục công trình đình chùa, trường học bị ngập, hư hỏng.

Công an căng sức hộ đê, giúp dân đảm bảo an toàn

Trắng đêm 30-7, hàng trăm chiến sỹ Bộ đội, Công an đã thức canh đê, lội nước vận chuyển lương thực, di dời đồ đạc, tài sản giúp đỡ bà con vùng lũ. Trước sức nước đã lên tới mức 7,5m, trên báo động 3 là 0,5m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m, ngày và đêm hôm qua (30-7) quân và dân huyện Chương Mỹ đã tập trung toàn bộ lực lượng hộ đê, đắp hàng nghìn bao cát tránh nước tràn qua đê. Cho đến sáng 31-7, con đê tả sông Bùi đã được đảm bảo an toàn.

Nước ngập mênh mông biến làng xóm thành “biển”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Công an huyện Chương Mỹ, Công an TP Hà Nội cho biết, từ khi nước bắt đầu gây ngập lụt (21-7), toàn bộ 100% cán bộ, chiến sỹ Công an huyện đã ứng trực 100%, giúp đỡ bà con đi lại, đảm bảo an ninh trật tự và tài sản cho người dân. Ngoài ra, cán bộ chiến sỹ công an huyện đã quyên góp tặng 100 suất quà cho những gia đình khó khăn trong vùng ngập lụt.

Trung tá Nguyễn Thành Trung cho biết: “Chúng tôi căng hết sức mình để đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra trộm cắp, cùng với các lực lượng khác hộ đê suốt chiều và hết đêm qua. Sắp tới, dự kiến lũ rút hết cũng phải sau 10-15 ngày nữa, chúng tôi cũng sẽ huy động lực lượng giúp bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh”.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Trung, năm nào vùng Chương Mỹ cũng có nhiều xã trũng bị ngập nên việc “sống chung với lũ” không còn xa lạ với người dân nơi đây. Tuy nhiên, năm nay nước dâng cao hơn, nhanh hơn nên các đoạn đê xung yếu cần được gia cố kịp thời. Mặc dù vậy, người dân đều được thông báo kịp thời sơ tán nên không có thiệt hại về người.

Đặc biệt, sáng nay, trong lúc chuyển hàng cứu trợ vào cho người dân xã Nam Phương Tiến, qua khu vực thôn Hoành Bồ, các cán bộ, chiến sỹ công an huyện Chương Mỹ đã phát hiện và kịp thời cứu sống một người dân bị đuối nước là ông Lý (trú tại xóm Nằng).

Theo Trung tá Nguyễn Thành Trung, ông Lý đang chèo thuyền tự chế bằng thùng xốp thì bị lật và ngã xuống nước. Các chiến sỹ Công an đã đưa ông Lý vào khu vực an toàn chăm sóc sức khỏe và thông báo cho người thân trong gia đình đến đón. Đến thời điểm này, người dân vùng ngập đã nhận được nhiều tình cảm của các đoàn thể, tổ chức và cá nhân chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, không có chuyện thành phố thờ ơ với người dân ở đây, mà Chương Mỹ là khu vực nằm trong quy hoạch vùng thoát lũ.

Do vậy, ông Chung đề nghị các đơn vị liên quan có giải pháp để người dân sống chung với lũ. Trong đó, Chủ tịch TP cho biết, viêc thiết kế về nhà cửa, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng giao thông chưa được quan tâm. Vì thế, thời gian tới thành phố sẽ đề ra các giải pháp bền vững hơn cho khu vùng lũ.

N.Yến – P.Sơn - B.Châu
.
.
.