Nhiều làng hoa Tết ở Cố đô Huế nguy cơ mất trắng sau lũ

Thứ Bảy, 18/11/2017, 08:13
Những đợt mưa lũ liên tiếp vào đầu tháng 11 vừa qua đã làm cho nhiều diện tích hoa màu của nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế gieo trồng vụ Tết bị hư hỏng. Những ngày qua, mặc dù người dân đã và đang cố gắng khắc phục thiệt hại, song nhiều làng hoa Tết ở Cố đô Huế đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng sau lũ.

Chúng tôi về xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), một địa phương nổi tiếng về nghề trồng hoa Tết khi có nhiều nông dân “dám nghĩ, dám làm” đầu tư trồng nhiều loại hoa lạ phục vụ thị trường hoa Tết Nguyên đán hằng năm. Trái với không khí hồ hởi của mọi năm khi có nhiều người xuống đồng chăm bón, nhổ cỏ cho vườn hoa thì năm nay, nhiều vườn hoa ở địa phương này bị cơn lũ trên sông Hương quét qua tiêu điều, xơ xác.

Ông Lê Vân, ở thôn Vọng Trì, cho hay, do việc trồng hoa đem lại nguồn thu nhập khá vào dịp Tết nên 4 năm qua gia đình ông đã thực hiện dự án chuyển đổi mô hình trồng hoa bằng cách tận dụng 3 sào đất vườn và thuê thêm 2 sào đất trồng hoa Tết. 

“Ở đây chúng tôi phần lớn đều trồng hoa cúc bán Tết và hầu như gia đình nào cũng trông chờ vào vườn hoa. Cứ mỗi sào hoa Tết như thế, tôi đầu tư 2 triệu tiền giống, 2 triệu tiền phân bón và chưa kể tiền phun thuốc trừ sâu. Ấy thế mà mùa lũ vào giữa tháng 12 năm ngoái nước sông Hương dâng cao khiến vườn hoa tiêu điều, gây thua lỗ. Cứ tưởng năm nay thời tiết thuận lợi sẽ vớt vát lại chút ít vốn liếng nhưng đến tháng 11 thì trời lại trút mưa như nước, cả số hoa trồng trong chậu và ngoài vườn đều bị ngập và hư sạch”, ông Vân rơm rớm nước mắt nói. 

Nhiều vườn hoa trồng vụ Tết của nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tiêu điều sau lũ.

Nhiều diện tích hoa Tết của bà con nông dân ở các thôn khác như Mậu Tài, Thanh Tiên... cũng rơi vào cảnh tiêu điều sau lũ. Ông Trần Vãng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu cho biết, cơn lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với 30ha rau màu và 10ha hoa trồng vụ Tết của gần 120 hộ dân. 

“Ước tính cơn lũ khiến người dân ở xã tổn thất khoảng 10 tỷ đồng tiền hoa màu, nhiều hộ dân sau 2 vụ hoa Tết bị lũ nhấn chìm nay trở thành trắng tay, có nguy cơ tái nghèo. Vì thế, hiện xã đang động viên người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, nhổ bỏ số hoa màu bị hư hại để tiếp tục trồng lại vụ mới”, ông Vãng cho hay.

Tại xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) cũng có gần 200 hộ dân chuyên trồng hoa Tết các loại với gần 30.000 chậu hoa Tết và nhiều diện tích hoa cúc. Theo ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, lũ lụt đã làm 26.000 chậu hoa Tết ở địa bàn xã bị ngập, nhiều hộ dân không kịp cứu vườn hoa nên đã mất trắng toàn bộ. Đứng bên vườn hoa bị chết gần hết do nước lũ nhấn chìm từ ngày 5-11 và kéo dài đến nhiều ngày sau mà ông Nguyễn Văn Lâm (ở thôn Vân Thê, xã Thủy Thanh) không giấu được nỗi buồn. 

Ông Lâm cho biết, toàn bộ hơn 800 chậu hoa cúc được vợ chồng ông đầu tư gần 100 triệu đồng tiền vốn lẫn công sức chăm bón, chờ đến dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sẽ thu hoạch, nhưng giờ bao tiền của, công sức đầu tư đều trôi theo dòng nước lũ.

“Lúc lũ lên, tôi chỉ kịp khuân được vài chậu hoa đưa lên cao tránh lũ, số còn lại đều bị ngập trong nước và nay đều bị thối rễ, không còn cách gì cứu vãn được...”, ông Lâm xót xa nói. 

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài gây thiệt hại về người, hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, nuôi trồng thủy sản... thì đợt mưa lũ vừa qua đã khiến địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.000ha rau màu, hàng chục hécta hoa Tết và gần 55.000 chậu hoa Tết các loại bị ngập úng, hư hại. 

Trong đó, địa bàn các xã thấp trũng thuộc huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy có diện tích trồng hoa Tết bị thiệt hại lớn nhất khi nước lũ dâng cao gây ngập úng. Nhiều nông dân trồng hoa Tết lâm vào cảnh trắng tay, khốn khó sau khi lũ đi qua.

Anh Khoa
.
.
.