Nhiều biện pháp “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn
- Xử lý mạnh tay cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn
- "Sống mòn" vì thực phẩm bẩn
- Báo điện tử CAND mở chuyên mục "Nói không với thực phẩm bẩn"
Đà Nẵng đang trong giai đoạn bước vào cao điểm mùa du lịch, do đó những động thái quyết liệt của chính quyền thành phố nhằm xóa bỏ tình trạng xuất hiện thực phẩm bẩn trên địa bàn là một việc làm hết sức cần thiết.
Theo thống kê, hằng năm, Đà Nẵng tiêu thụ gần 80.000 tấn nông sản thực phẩm và sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, lượng nông sản tại chỗ chỉ khoảng 16.000 tấn và sản phẩm chăn nuôi cũng chỉ cung ứng được khoảng 15% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác và nhập khẩu.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: CTV. |
Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, trong cuộc làm việc với lãnh đạo các sở, ngành mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra cả về số lượng, tần suất đối với các chủ xe chở thực phẩm về thành phố. Chi cục Quản lý thị trường phải phối hợp với các đoàn thanh tra các đơn vị kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhập từ các nơi khác về.
Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho biết, tại TP Đà Nẵng, sau khi xuất hiện tình trạng một vài con cá chết tại một số bờ biển Đà Nẵng, các cơ quan chuyên môn đã lấy 8 mẫu nước tại 8 bãi biển để kiểm tra và kết quả là nước biển đạt độ an toàn cho phép; đồng thời thành phố cũng đã công khai 50 điểm bán cá biển, hải sản an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm nhằm tạo sự tin tưởng cho du khách và người dân khi sử dụng các loại hải sản...
Đối với lĩnh vực ăn uống, thông tin từ Sở Y tế TP Đà Nẵng cho thấy tỷ lệ các cơ sở dịch vụ ăn uống như khu du lịch, khách sạn, nhà hàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP đạt 97,9%.
Trong năm 2015, các ngành quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm cùng các địa phương đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, qua đó phát hiện hàng trăm cơ sở vi phạm các tiêu chuẩn về ATVSTP; xử phạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Về vấn đề này, người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng đã yêu cầu cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra, xử phạt nghiêm nếu phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiểu thương sử dụng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm cũng như kinh doanh không bảo đảm điều kiện ATVSTP; thậm chí “bêu” tên các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để răn đe.
Hải sản tại Đà Nẵng đảm bảo an toàn cho người sử dụng. |
Song song với những biện pháp mạnh mà các cơ quan chức năng Đà Nẵng đã và đang thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm các tiểu thương mua bán thực phẩm sạch, thời gian qua, các chợ trên địa bàn Đà Nẵng đã tiến hành cho tiểu thương ký cam kết không mua bán các loại thực phẩm có chứa chất cấm và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, cho biết Ban quản lý chợ thường xuyên khuyến cáo các hộ kinh doanh và người tiêu dùng biết về ATVSTP. Ngoài ra, Ban quản lý chợ còn tiến hành cho các tiểu thương ký cam kết không sử dụng chất phụ gia không nằm trong danh mục cho phép và 100% hộ kinh doanh đã nghiêm chỉnh chấp hành việc này; đồng thời thường xuyên cho cán bộ đi kiểm tra các hộ kinh doanh xem có đảm bảo đúng quy định ATVSTP không, nếu phát hiện sai phạm sẽ báo cáo ngay cho cơ quan chức năng đến tiến hành xử lý.
Để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, cũng như xử lý nghiêm tình trạng mua bán, kinh doanh thực phẩm bẩn, UBND TP Đà Nẵng thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP, do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban và chọn tháng 5 này để triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016. Mục tiêu là ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, sử dụng thực phẩm bẩn trên địa bàn thành phố. Điều này thể hiện thái độ cương quyết của chính quyền Đà Nẵng trong việc nói không với thực phẩm bẩn.
Tăng cường kiểm tra, loại bỏ chất cấm trong thực phẩm Nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, loại bỏ chất cấm trong thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua, Chi cục Quản lý Nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt kiểm tra tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các địa phương có lượng khách tham quan đông đúc như Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn... Qua kiểm tra, lấy mẫu ngẫu nhiên các loại thực phẩm đang bày bán tại các chợ đầu mối, cơ quan chức năng đã phát hiện có chất vàng ô được sử dụng để muối măng tươi. Phân tích các mẫu kiểm tra măng tươi muối tại chợ Hội An (thành phố Hội An) và chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên) đã có kết quả dương tính với chất vàng ô. Cụ thể, hơn 400kg măng tươi muối tiêu thụ hằng ngày của hộ tiểu thương Nguyễn Thị Duyên tại chợ Nam Phước có chất vàng ô. Theo tiểu thương Nguyễn Thị Duyên, số măng tươi được mua của các cơ sở sản xuất tại Đắk Lắk và thành phố Đà Nẵng. Điều đáng quan tâm hơn là tình trạng sử dụng chất vàng ô để ướp trong măng tươi đã diễn ra từ rất lâu nhưng vẫn không bị phát hiện và người tiêu dùng vẫn cứ “vô tư” sử dụng làm thực phẩm hằng ngày trong gia đình. Trước tình trạng một số cơ sở sử dụng chất cấm để ướp các loại thực phẩm, điển hình như chất vàng ô ướp măng tươi được phát hiện tại chợ đầu mối Nam Phước, Chi cục trưởng Chi cục quản lý nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng đã tổ chức họp các tiểu thương để phân tích rõ hơn về các loại hóa chất độc hại này khi sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Tất cả tiểu thương đều cam kết trong thời gian tới sẽ không nhập và tiêu thụ các loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng tươi sống. (Hữu Trung) |
Phát hiện gần 1 tấn nội tạng động vật bẩn Lúc 10h ngày 13-5, tại khu vực bến Cá, Cửa khẩu Ka Long, phường Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Đội kiểm tra giám sát Biên phòng Trạm Ka Long phát hiện 1 đối tượng nam giới đang bốc xếp các thùng xốp được dán kín băng dính lên xe máy. Tiến hành kiểm tra, Đội kiểm tra giám sát Biên phòng Trạm Ka Long phát hiện bên trong các thùng xốp chứa đầy nội tạng động vật, đã bốc mùi hôi thối. Đối tượng vận chuyển không xuất trình được một loại giấy tờ gì liên quan đến số hàng nói trên. Tại trụ sở Biên phòng, đối tượng khai tên là Nguyễn Văn Đồi, tạm trú khu 4, Hải Hòa, Móng Cái (Quảng Ninh). Đồi nhận vận chuyển gần 1 tấn nội tạng động vật thuê cho 1 đối tượng tên Vân (không rõ địa chỉ) từ bến cá ra khu vực chợ 4 sẽ có người đón và trả tiền công. Vụ việc đang được Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo qui định của pháp luật. (XM) |