Người dân lo lắng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh

Thứ Bảy, 12/01/2019, 06:43
Chiến tranh đã lùi xa nhưng bom mìn, vật nổ cón sót lại sau vẫn còn là hiểm họa đối với người dân.


Nhiều ngày sau vụ nổ, ông Đoàn Văn Hoàng, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ. Ông là một trong ba người may mắn thoát chết trong vụ nổ bom xảy ra ngày 7-1 vừa qua. Trong lúc công nhân điều khiển xe múc thi công công trình thoát nước tại đường tỉnh lộ 624, đoạn qua thôn Tính Phú Nam, xã Hành Minh thì đào trúng quả bom gây nổ kinh hoàng làm một người bị thương, 10 ngôi nhà hư hỏng.

Ông Đoàn Văn Hoàng kể lại: "Lúc đó tôi và nhiều người đang đứng cạnh xem xe múc đào. Chợt nhớ chỗ này trước đây nghe kể có bom, mìn nên tôi và một số người bảo nhau vào nhà chứ không nguy hiểm. Vậy mà vừa vào nhà thì chúng tôi nghe tiếng nổ kinh hoàng. Vậy mới nói chúng tôi là người may mắn nhất".

Hiện trường xảy ra nổ bom, mìn tại xã Bình Minh, huyện Nghĩa Hành.

Mặc dù vụ nổ không gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhưng người dân ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh mong muốn chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có biện pháp rà phá bom mìn rồi mới tiếp tục thi công.

Người dân ở đây cho biết, khu vực này trước đây là nơi giao tranh giữa ta và địch nên bom mìn còn sót nhiều. Nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn luôn tìm ẩn. Theo UBND xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, khu vực xảy ra vụ nổ là nơi có nhiều bom mìn còn sót, sau chiến tranh, quân đội đã nhiều lần cho người và phương tiện rà phá.

Ông Phan Thanh Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành cho biết: "Khu vực trên là nơi giáp ranh tranh chấp giữa ta và địch. Sau giải phóng 1975, lực lượng công binh quân đội rà phá bom, mìn. Tuy nhiên do số lượng rải rác nhiều nên còn sót lại cho đến nay".

Cũng theo ông Phan Thanh Trinh cho biết, bom, mìn, vật nổ nằm trong lòng đất không chỉ là mối hiểm nguy tiềm ẩn gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của người dân mà còn là rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Nhà nước ta đã tập trung khắc phục hậu quả bom, mìn.

"Mặc dù lực lượng công binh ngày đêm rà phá, nhưng lượng bom mìn còn sót lại quá lớn, luôn tiềm ẩn nguy hiểm và công tác khắc phục mất hàng trăm năm. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhất là sự hợp tác của người dân để giảm thiểu tai nạn, rủi ro do bom mìn gây ra". ông Phan Thanh Trinh cho biết.

Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra làm nhiều người chết và mang thương tật suốt đời. Chưa kể, gia súc của người dân vẫn thường bị chết do dẫm phải bom, mìn, gây ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của người dân.

Ông Phạm Thành Luân, Trưởng thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh cho biết: "Thời chiến tranh, Mỹ rải bom bi khắp nơi cho nên bây giờ còn sót lại nhiều. Người dân trong quá trình khai thác đá đào lượm được. Bên cạnh đó nhiều vụ thương vong do đào bom bị nổ".

Hiện nay, bom, mìn, vật nổ còn sót lại dưới lòng đất, cũng như trên diện tích đất sản xuất của người dân khá nhiều. Chính vì thế, người dân không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, bất an. Hiểm họa tai nạn bom mìn đang rình rập người dân nếu cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không kịp thời có biện pháp cảnh báo và rà phá.

Trà Câu
.
.
.