Ngư dân “xông biển” ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa

Chủ Nhật, 25/02/2018, 10:03
Những ngày đầu xuân, ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lại tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm cho những chuyến vươn khơi xa bờ “hái lộc biển”.


Có mặt tại cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, trong các ngày mùng 7 và mùng 8 Tết (22 và 23-2), chúng tôi đã ghi nhận không khí thật khẩn trương của ngư dân trên hàng chục tàu cá chuẩn bị vươn khơi xa “xông biển” đầu năm.

Ông Hồ Văn Quãng (41 tuổi, trú xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành), chủ tàu cá QNa 91504TS vừa nhanh tay đưa đá cây vào khoang tàu để sẵn sàng cho chuyến ra khơi, vừa trò chuyện rằng, hôm mùng 6 Tết (20-2), ông đã cùng các ngư dân dự lễ hội cầu ngư tại làng chài thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, để đánh bắt được nhiều tôm, cá. Sau khi lễ hội kết thúc, các tàu cá có công suất nhỏ đánh bắt gần bờ đã bắt đầu hoạt động trở lại. 

Chỉ riêng tàu đánh bắt xa bờ thời gian cao điểm từ ngày 12 và 16 tháng Giêng mới bắt đầu ra khơi. Tàu cá của ông không chỉ đánh bắt cá mà còn làm công tác hậu cần cung cấp xăng dầu, đá cây… cho các tàu khác. Vì thế, việc ra khơi sớm với thời tiết thuận lợi sẽ góp phần thành công cho chuyến biển đầu năm của các ngư dân nên ông quyết định vươn khơi sớm hơn mọi năm.

“Theo thường lệ, vào mùng 6 Tết Nguyên đán, ngư dân thôn An Hải Tây tổ chức lễ cầu ngư, mong cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang thuyền. Lễ hội cầu ngư đã trở thành một nét văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của người dân vùng biển xã Tam Quang nói riêng và các vùng ven biển miền Trung nói chung.

Sau lễ cầu ngư, ngư dân tàu xa bờ trở lại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân mình nên cũng có nhiều tàu cá “bám trụ” ngay trong dịp Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi, hy vọng ngư dân sẽ có một năm bội thu”, ông Quãng phấn khởi nói.

Ngư dân Lý Sơn thẳng tiến tới ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa

Ngoài những người là chủ tàu như ông Quãng, những ngư dân không có tàu riêng cho mình cũng tất bật chuẩn bị dụng cụ cho chuyến “đi bạn” đầu năm. Ông Hồ Thanh Quang (46 tuổi, trú xã Tam Quang, Núi Thành) cho hay, ông “đi bạn” đã được 15 năm, mỗi năm nghề biển mang về cho ông một khoản tiền kha khá để chăm lo cho gia đình.

Năm nay, ông tiếp tục chuẩn bị ngư lưới cụ, thức ăn để “đi bạn” cùng với 35 ngư dân khác trên tàu QNa 91009TS để xa bờ câu mực khơi. Ông Huỳnh Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, xã có gần 400 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có 195 tàu có công suất 90CV trở lên, giải quyết hơn 3.550 lao động chính, phụ và nhiều lao động khác từ nghề hậu cần. Năm 2017, toàn xã Tam Quang đánh bắt được khoảng 18 nghìn tấn cá.

“Ngành khai thác thủy sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của xã nhà. Năm 2018, UBND xã đã có những đề xuất nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển dài ngày đạt hiệu quả cao. Tiếp tục củng cố các tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tìm kiếm cứu nạn khi có những rủi ro thiên tai gây ra”, ông Định nói.

Đến các vùng biển của các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, chúng tôi được biết, nhiều tàu cá công suất nhỏ đã nhổ neo vươn khơi từ ngày mùng 4 Tết, hành nghề lưới rê, lưới kéo, chụp mực. Còn những chiếc tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ ngư dân cũng đang tất bật chuẩn bị ngư cụ để vươn khơi.

Ông Lê Tuyến (ở xã Duy Hải, Duy Xuyên), chủ tàu cá QNa 92345TS cho hay, trước đây tàu của ông chỉ có công suất 45CV nên phải quanh quẩn gần bờ, sản lượng đánh bắt khá khiêm tốn. Năm ngoái ông Tuyến quyết định đăng ký làm các thủ tục vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ thép theo chủ trương của Chính phủ.

Để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm bội thu, ông cũng đang chuẩn bị ngư lưới cụ để xuất bến ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa và hy vọng năm nay khai thác hiệu quả để tăng thêm động lực tiếp tục bám biển.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, năm 2017, Quảng Nam có gần 4.400 tàu cá, với tổng công suất xấp xỉ 370.000CV; trong đó, tàu cá có khả năng hoạt động xa bờ 755 chiếc. Tổng sản lượng thủy hải sản ngư dân khai thác trong năm được 85.700 tấn... 

Sáng 23-2 (Mùng 8 Tết Mậu Tuất), tại thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm mới tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.

Mở đầu là nghi lễ truyền thống có gần 400 năm của ngư dân đảo Lý Sơn, với mong muốn đầu năm mới cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tàu về tôm cá đầy khoang. Sau các nghi thức cúng tế của các bô lão trong làng, hồi trống lệnh vang lên trong tiếng hò reo của hàng trăm ngư dân, những con tàu đánh bắt xa bờ đã được tiếp đầy nhiên liệu, đá lạnh cùng ngư cụ hiện đại giương cao cờ đỏ, rẽ sóng nối đuôi nhau tiến ra biển bắt đầu cho mùa đánh bắt mới tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.

Các ngư dân tâm sự rằng, hằng năm họ có hơn 11 tháng sống và khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là ngư trường truyền thống, lớp cha ông đi trước đánh bắt hải sản thì nay con cháu tiếp tục; cho dù phải đối mặt với những cam go, khắc nghiệt vẫn không làm chùn bước. Mỗi ngọn sóng Hoàng Sa, Trường Sa như một phần máu thịt, nguồn sống của chính mình.

Được biết, huyện đảo Lý Sơn hiện có 529 tàu cá, với tổng công suất đạt trên 68.000CV, trong đó có gần 250 tàu có công suất lớn từ 90CV trở lên đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Mùa biển năm 2017 vừa qua, ngư dân trong huyện đã khai thác được trên 36.000 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 750 tỉđồng, thu nhập một lao động nghề biển đạt 90-130 triệu đồng/người/năm. Mùa biển 2018 này, ngư dân Lý Sơn quyết tâm khai thác được trên 38.000 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 800 tỉ đồng, (chiếm gần 1/3 sản lượng khai thác của tỉnh Quảng Ngãi).

Trà Câu


Hà Vy
.
.
.