Ngư dân miền Trung vươn khơi bám biển những ngày cuối năm

Thứ Sáu, 18/01/2019, 07:35
Những ngày cuối năm, ngư dân các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung hối hả cho tàu, thuyền vươn khơi xa, nhất là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản với mong muốn trúng đậm chuyến biển kịp đưa tôm, cá về tiêu thụ thị trường dịp Tết Nguyên đán và đón năm mới đầy đủ, ấm áp cùng với người thân, gia đình...


Trung tuần tháng Chạp, chúng tôi về thôn Đông Hải, xã Lộc Trì, một trong số ít làng chài của huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) có nhiều tàu thuyền công suất lớn hoạt động ở ngư trường xa bờ. Sau chuyến biển dài ngày để đánh bắt hải sản phục vụ thị trường cuối năm, nhiều ngư dân Đông Hải trở về nhà thăm người thân và lấy thêm lương thực, nước uống để chuẩn bị cho chuyến biển kế tiếp trước khi cho tàu về bờ để kịp vui Xuân, đón Tết cổ truyền cùng với gia đình.

Tàu, thuyền ngư dân về bến trong niềm vui đầy ắp tôm, cá.

Bên trong ngôi nhà khang trang, ngư dân Trần Hòa (64 tuổi) vừa pha trà mời khách, vừa kể về những chuyến vượt sóng dữ để đánh bắt tôm, cá. Theo ông Hòa, so với vụ biển chính từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, thì vào dịp cuối năm, do rơi vào mùa Đông, mưa gió diễn biến phức tạp nên thời gian đi biển của ngư dân hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, sản lượng hải sản cũng ít hơn so với các tháng trong năm.

Tuy vậy, với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì vào dịp cuối năm hiện nay, chỉ cần trời hửng ráo là ngư dân có thể cho tàu, thuyền hướng thẳng ra khơi để đến các vùng biển có nhiều tôm, cá. Nhờ cần mẫn bám biển mà ngoài chiếc tàu cá công suất 600CV, gia đình ông còn chung vốn đóng mới thêm 2 chiếc tàu vỏ gỗ công suất lớn để bám biển sản xuất.

“Tôi nghĩ rằng, biển cả cũng như đất liền đều là quê hương, đất nước thân yêu của mình. Nơi đó, ông cha ta đã đổ rất nhiều máu xương để gìn giữ, nếu ngư dân chúng ta nỗ lực bám biển thì chắc chắn biển sẽ không phụ lòng người”, ông Hòa chia sẻ.

Lãnh đạo UBND xã Lộc Trì cho hay, cùng với 80 tàu cá công suất nhỏ và vừa, hiện ngư dân xã còn sở hữu 40 chiếc tàu công suất từ 400 đến 1.000CV. Ngoài tàu cá chuyên đánh bắt hải sản thì phần lớn những chiếc tàu vỏ gỗ từ 800 đến 1.000 mã lực đều phục vụ hoạt động hậu cần nghề cá, thu mua hải sản ở các ngư trường khắp vùng biển cả nước. Nhờ những tàu hậu cần này mà ngư dân Đông Hải bám biển được dài ngày và hiệu quả hơn.

Tại làng chài Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, nhiều ngư dân cũng đang hối hả đưa những con tàu vỏ gỗ với đầy đủ máy móc, giàn đèn chiếu sáng và ngư lưới cụ ra khơi. Dù bận rộn với việc kiểm tra lại máy móc lần cuối ở khoang máy, song ngư dân Trần Văn Hào (40 tuổi) vẫn dành ít phút để trải lòng chuyện nghề.

Anh kể: “Dịp cuối năm, sản lượng đánh bắt hải sản không cao nhưng vì nhu cầu tiêu thụ mặt hàng hải sản tăng mạnh, nhất là những ngày cận Tết nên sau chuyến biển vừa rồi, tôi phải mời thêm 7 bạn thuyền để đi thêm chuyến biển này mới về nghỉ Tết. Nếu may mắn trúng được luồng cá thu hoặc cá ngừ đại dương thì chắc chắn năm nay gia đình chúng tôi sẽ đón cái Tết no ấm, vui tươi hơn”.

Anh Lương Văn Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ngư dân trẻ ở Thuận An còn cho biết, hiện CLB có 30 ngư dân trẻ ở độ tuổi từ 25 đến 35 và đang sở hữu 10 tàu cá công suất từ 800 đến 950CV, trong đó có 4 tàu vỏ gỗ được đóng mới.

Các tàu cá này đều được lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật hiện đại như bộ đàm, máy dò cá, Icom nên ngoài nhiệm vụ đánh bắt, thu mua hải sản, các tàu còn thường xuyên liên lạc, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi có sự cố trên biển. Như vào tháng 9-2018, tàu cá ngư dân trẻ Trần Văn Diện đang hoạt động thu mua hải sản cách ngư trường Hoàng Sa khoảng 80 hải lý thì không may bị hỏng bánh lái.

Nhận được tin báo từ bộ đàm, CLB ngư dân trẻ quyết định cử tàu cá do anh Dương Văn Thống đến ứng cứu và lai dắt tàu của anh Diện vào bờ an toàn để sửa chữa.

“Bình quân mỗi chuyến ra khơi, tàu cá công suất 800CV tiêu hao khoảng 1.000 lít dầu, 800 cây đá cùng nhu yếu phẩm. Ngoài hơn 30 tấn hải sản gồm các loại cá nục, cá ngừ, cá thu thì tàu còn chở các loại hải sản chuyên được thương lái thu mua để xuất khẩu. Trừ chi phí thì chủ tàu thu lợi trên dưới 50 triệu đồng và số tiền này dùng để chia cho các bạn thuyền. Nếu chủ tàu biết tính toán và giỏi tìm được luồng tôm, cá thì những chuyến biển ngày giáp Tết của ngư dân sẽ không bao giờ bị thua lỗ”, anh Cường nói.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho hay, trong năm 2018, thông qua các nguồn vốn, ngư dân ở thị trấn đã đầu tư sửa chữa, cải hoán 15 tàu cá công suất từ 250 đến 400 CV, nâng tổng số tàu đánh bắt xa bờ hiện có lên 408 chiếc.

“Nhờ ngư dân đoàn kết, tích cực bám biển nên năm 2018, sản lượng khai thác thủy hải sản của thị trấn đạt 9.890 tấn, đạt 117% kế hoạch đề ra. Địa phương cũng đã tiến hành hỗ trợ tiền nhiên liệu chuyến biển theo quyết định số 48 của Chính phủ cho 52 phương tiện tàu khai thác và dịch vụ đánh bắt ở ngư trường xa bờ với tổng số tiền hơn 17,1 tỷ đồng. Có thể nói, việc khai thác hải sản của ngư dân đã gắn với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển”, ông Đủ phấn khởi chia sẻ.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 2.000 tàu cá, trong đó có hơn 400 tàu cá đánh bắt xa bờ với 200 tàu công suất từ 400CV trở lên, 52 tàu công suất trên 800CV và nhiều tàu vỏ thép từ 800 đến 1.000CV.

Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện cấp 3 đợt kinh phí với tổng số tiền gần 76 tỷ đồng cho ngư dân ở các địa phương thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế… để hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, mua máy thông tin liên lạc và mua bảo hiểm.

Thời gian tới, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân trên địa bàn đóng tàu cá công suất lớn theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để hoạt động bám biển lao động, sản xuất, bảo vệ ngư trường của ngư dân đạt kết quả cao.

Anh Khoa
.
.
.