Nghị lực của người mẹ nuôi 3 con ăn học thành tài
Chị tên là Trần Thị Phượng, ở làng Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị…
Làng Trúc Lâm nằm bên QL1A, cách TP Đông Hà chừng 6km về hướng Bắc. Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Phượng ở cuối làng. Chị Phượng mới ngoài tuổi 50 nhưng khuôn mặt đã quá nhiều nếp nhăn, rám đen vì nắng gió.
Hỏi chuyện nuôi con ăn học, chị rơm rớm nước mắt: “Nếu ba nó còn sống thì chắc các cháu không phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi. Tui đã cố hết sức mình để lo cho các con ăn học, hoàn thành tâm nguyện của ba nó khi còn sống”.
Thời điểm chồng mất, con gái của chị là cháu Nguyễn Thị Châu vừa nhận giấy đỗ đại học. Chị bảo, do nỗi đau mất chồng quá lớn, bị mất phương hướng nên lúc đó chị có ý định cho con ở nhà làm ruộng giúp mẹ, nuôi các em. Nhưng rồi khi thắp hương cho chồng, nhớ những lúc hai vợ chồng tâm sự, nhớ nỗi khát khao của chồng muốn con được học hành tử tế, chị lại gượng đứng lên, quyết tâm không để con phải từ bỏ giấc mơ học hành. Và, cháu Châu đã được lên đường nhập học nhờ vào mấy con lợn chị chăm nuôi, cộng với gần 3 triệu đồng chị vay mượn của bà con lối xóm.
Năm 2015, con gái thứ hai của chị là cháu Nguyễn Thị Sương lại đỗ đại học. Nhà một lần nữa thêm neo người, mọi gánh vác khó khăn lại dồn thêm vào vai chị và đứa con út là cháu Nguyễn Đình Sáng. Nhưng cũng như lần trước, cháu Sương đã được nhập học nhờ vào những đồng tiền mà chị vất vả làm lụng ky cóp được.
Một năm sau, khi chuẩn bị vào lớp 10, một đêm cháu Sáng nằm tâm sự với chị: “Mẹ cho con thi thử vào Trường Chuyên Lê Quý Đôn ở Đông Hà mẹ nghe! Con biết nhà mình neo người, chỉ còn một mình mẹ gánh vác mọi công việc, cực khổ nuôi con và các chị, nhưng con chỉ muốn thử sức học tập của mình thôi, chứ con không vào đó đâu, con muốn học ở trường huyện gần nhà mình để có thể giúp việc cho mẹ”.
Chị Phượng luôn tự hào về thành tích học tập của các con mình. |
Nghe con nói, chị im lặng, nước mắt ướt đẫm chiếc gối tới tận sáng mai. Chị nói với con: “Mẹ sẽ cố, con ráng thi cho đỗ! Đừng lo gì cho mẹ cả!”. Một học sinh trường làng, một buổi đi học, buổi còn lại tay lấm chân bùn cùng mẹ, cùng các chị nhưng cháu Sáng đã không chỉ thi đỗ vào Trường Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đông Hà, mà còn đoạt ngôi thủ khoa môn Hóa học.
Mới đây, tin vui lại đến với chị, Sáng đã đoạt giải Nhì môn Hóa kỳ thi quốc gia 2016-2017. Buổi chiều tôi tìm đến ngôi nhà chị, cháu đi học chưa về, song vẫn còn nhiều người tới đây chúc mừng hai mẹ con. Trên khuôn mặt chị rạng ngời niềm hạnh phúc, song cũng không che hết những nỗi lo, bởi lẽ việc lo cho được đồng tiền chu cấp cho cả 3 đứa con, một con đang học đại học năm thứ 4 Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, một con đang học năm 2 Trường Đại học Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh và đứa con út học ở một trường chuyên thành phố không phải là chuyện dễ dàng.
Tôi hỏi bí quyết học tốt, cháu Sáng quay sang nhìn mẹ rơm rớm nước mắt nói: “Cháu không có bí quyết gì đặc biệt chú à. Nhà cháu nghèo quá, mẹ cháu vất vả quá nên khát khao lớn nhất của cháu là học giỏi để thoát nghèo. Cháu chỉ có thời gian học trên lớp nên mỗi khi thầy cô giáo giảng bài, cháu hết sức tập trung. Các thầy cô cũng rất thương cháu, biết cháu không có điều kiện đi học thêm nên thường tặng cháu sách để cháu tự học ở nhà”.
Chia tay hai mẹ con chị Phượng, tôi nhìn ra khoảng ruộng phía trước nhà, ở đó một vùng đất cát. Chợt nghĩ, bao năm qua, không biết bao mồ hôi, nước mắt của người phụ nữ nghèo này đã thấm xuống đây để thay chồng nuôi các con ăn học...