Ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng cao
- Nạn tảo hôn ở miền núi Quảng Trị tăng cao
- Tạo hơn 150 việc làm cho thanh thiếu niên có quá khứ lầm lỡ
Để khắc phục tình trạng này, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”.
Đến nay, đề án đã biên soạn, in, cấp phát 33.450 tờ gấp, 11.150 cuốn sổ tay, 7.805 tờ áp phích, hoàn thành 232 panô có nội dung ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 223 xã miền núi, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật, kế hoạch hóa gia đình và làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với 621.436 người dân tộc thiểu số sinh sống. Trong giai đoạn 2011-2015, khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có 1.207 cặp tảo hôn, 86 cặp hôn nhân cận huyết thống, bình quân hằng năm có khoảng 200-300 cặp tảo hôn, 20 cặp kết hôn cận huyết thống tập trung nhiều ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn.
Nguyên nhân là do nhiều nơi vẫn còn phong tục hứa hôn, nhiều người dân tộc thiểu số lấy vợ, lấy chồng sớm để gia đình có thêm người làm và giữ của cải trong nhà, trong khi việc thiếu trang bị kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi còn hạn chế.
Để thực hiện có hiệu quả đề án, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị tập huấn về kĩ năng, kiến thức làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho 240 cán bộ làm công tác truyền thông tại khu vực các huyện miền núi gồm Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Nhờ thực hiện tốt đề án, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện miền núi đã giảm. Tuy nhiên, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn có địa bàn rộng, tập quán lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, vẫn còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống xảy ra.
Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, giai đoạn 2016-2018, huyện có khoảng 235 người tảo hôn, chủ yếu tại các xã Kiên Thọ, Thạch Lập, Thúy Sơn, Ngọc Khê. Hệ lụy sau đó là những học sinh đang tuổi ăn, tuổi chơi phải nghỉ học để cưới chồng, đói nghèo cứ vây bám lấy họ.
Bà Trương Thị Cầu, đội 5, xã Ngọc Khê (người Mường) cho biết, bà là mẹ của anh Lê Văn Huân (sinh năm 1983). Năm 2010, anh Huân lấy chị Phạm Thị Thảo (sinh năm 1994). Do không có việc làm ổn định nên cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ rất khó khăn và luôn xảy ra mâu thuẫn.
Năm 2013, khi con trai mới được 15 tháng tuổi, chị Thảo đã bỏ nhà đi làm xa, còn anh Huân ra Bắc Ninh làm công nhân xây dựng. Hai vợ chồng Huân – Thảo ly thân đã được 6 năm. Hiện bà Cầu không liên lạc được với con dâu, con trai cũng ít về nên bà phải một mình nuôi cháu. Nhờ cán bộ xã đến động viên, giúp đỡ nên cuộc sống của bà Cầu đã ổn, hàng ngày bà thường lên nương, trồng rau để kiếm tiền nuôi cháu ăn học.
Em Phạm Thị Hiền (sinh năm 2002, người Mường) trú tại đội 5, xã Ngọc Khê, cho biết em lấy chồng năm 2018, lúc ấy chồng em là Phạm Ngọc Phong (sinh năm 2001) chưa đủ tuổi đăng kí kết hôn. Sau khi cưới, Hiền có thai nên phải nghỉ học. Hiện, cuộc sống hàng ngày của hai vợ chồng Hiền rất khó khăn do không có việc làm ổn định và phụ thuộc vào bố mẹ. Để có thêm tiền đảm bảo cuộc sống, mỗi ngày chồng Hiền phải đi làm thuê khắp nơi.
Ông Phạm Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Khê cho biết, năm 2018, tại xã có khoảng 16 người tảo hôn, lứa tuổi tảo hôn thường rơi vào 15-16 tuổi. Nếu đem so với những năm trước đây, tỷ lệ tảo hôn đã giảm. Hiện xã đang phối hợp với các đơn vị liên quan để mở các lớp tuyên truyền về y tế, dân số, kiến thức về hôn nhân gia đình và cử cán bộ xã xuống vận động các hộ gia đình thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình, con em đủ tuổi mới kết hôn.
Hiện nay, huyện Ngọc Lặc đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về Luật Hôn nhân và gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời xây dựng câu lạc bộ giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Cao Ngọc, nhằm đẩy lùi tình trạng kết hôn chưa đủ tuổi. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn trên địa bàn đang có xu hướng giảm dần so với trước đó. Không chỉ huyện Ngọc Lặc, tại các huyện miền núi khác như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước, cũng đã ngăn chặn, giảm bớt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn.
Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2020, sẽ xây dựng 9 mô hình về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, từ đó nâng cao chất lượng dân số, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nơi vùng cao miền núi.