Ngăn chặn nạn “hai ngón” ở Lễ hội Đền Hùng

Thứ Ba, 24/04/2018, 08:35
8h sáng 23-4 (tức 8-3 âm lịch), khu vực sân công quán và tuyến đường dẫn lên các đền trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã chật kín người đi hội. 


Không chen lấn, không xô đẩy, tất cả người dân đều đi theo trật tự và sự hướng dẫn của các đồng chí Công an làm nhiệm vụ. Đây là khu vực thường có lượng đồng bào qua lại đông, trong khi nhiều đoạn đường hẹp, độ dốc cao, để bảo đảm an toàn cho người dân, Công an tỉnh Phú Thọ đã bố trí CBCS thường trực tại các địa điểm cheo leo, nguy hiểm để hướng dẫn người dân.

Đặc biệt, để phòng ngừa tình trạng các đối tượng trộm cắp, móc túi, lưu manh, côn đồ trà trộn vào người dân để thực hiện hành vi phạm tội, ngoài việc bố trí lực lượng công khai thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác, Công an tỉnh Phú Thọ còn bố trí hàng trăm trinh sát hóa trang dọc các tuyến đường, các khu vui chơi giải trí và các đền trong khu di tích.

Đặc biệt, thông qua hệ thống camera giám sát lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư và các đền, chùa trong khu di tích, trung tâm chỉ huy sẽ phát hiện các trường hợp có biểu hiện trộm cắp, móc túi để báo cho lực lượng làm nhiệm vụ kịp thời bắt giữ.

Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành thị tăng cường công tác rà soát, quản lý chặt chẽ các đối tượng trộm cắp, cờ bạc, lưu manh; thường xuyên tiến hành gọi hỏi, răn đe không để các đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội. Cùng với đó, tiến hành tuần tra ban đêm, khép kín địa bàn, qua đó nhắc nhở người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, làm tốt công tác phát hiện, tố giác tội phạm.

Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khu khách thập phương, đồng bào cả nước và khách quốc tế về tham dự các hoạt động Giỗ Tổ, những ngày tới Công an tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ mọi di biến động của các đối tượng lưu manh, côn đồ hoạt động lưu động, phấn đấu đưa Lễ hội Đền Hùng trở thành một lễ hội mẫu mực của cả nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2018: Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên

Ngày 23-4 (tức ngày mùng 8-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên của các xã, phường vùng ven Khu di tích và Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giày tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018.

Tham dự lễ rước kiệu và dâng lễ vật lên các Vua Hùng năm nay có 7 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng, gồm: Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú, Hy Cương (thành phố Việt Trì), Tiên Kiên, Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và đông đảo bà con nhân dân, du khách.

Đội hình rước kiệu gồm có người dẫn đoàn, đội múa sư tử, các đội chiêng, trống, rước cờ hội, rước biển dấu và bát bửu (hoặc chấp kích), đội bát âm và múa sinh tiền, người rước tàn, lọng, chủ tế và quan viên, các cụ cao tuổi và đông đảo nhân dân địa phương. Lễ vật gồm có hương hoa, bánh chưng bánh giày, các sản vật địa phương do người dân lao động và cả cộng đồng sáng tạo nên… 

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ là hoạt động truyền thống nhằm bảo tồn và duy trì những nét đẹp văn hóa từ lâu đời của dân tộc, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội.

Ngay sau lễ rước kiệu, tại sân Trung tâm Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giày tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018. Tham dự hội thi năm nay có sự góp mặt của 14 đội thi; trong đó 13 đội đến từ các huyện, thị, thành trong tỉnh và đội của các nghệ nhân dân gian tỉnh Thái Nguyên. 

Các đội sẽ tham dự hai phần thi là gói, nấu bánh chưng và giã bánh giày. Các đội thi thực hiện gói 10 chiếc bánh chưng trong thời gian tối đa 10 phút; thổi 5kg gạo nếp thành xôi trong thời gian tối đa 30 phút, giã và làm thành 10 chiếc bánh giày trong thời gian tối đa 15 phút.                      

PV

Nguyễn Chung
.
.
.