Ngăn chặn mầm độc từ những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội

Thứ Ba, 18/07/2017, 08:55
Không ít người cho rằng đã là tài khoản cá nhân thì họ có thể đăng tải nội dung gì tùy ý. Ngoài các vụ việc hình sự, nhiều trường hợp còn tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, danh dự người khác... Bên cạnh việc câu like, một số còn muốn “nảy số” trên mạng để bán hàng; còn số khác là do sống “ảo”...


Ngày 16-7, thông tin về vụ bắt cóc trẻ em ở Gia Lộc (Hải Dương) được đăng tải trên Facebook đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Sau khi xác minh, Công an huyện Gia Lộc xác định đó là tin giả.

Trước đó, trong ngày 8-7, hai thông tin trên mạng xã hội Facebook với tiêu đề “2 thiếu nữ hiếp dâm một nam thanh niên đến tử vong” hay “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì – Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại” được Công an TP Việt Trì làm rõ đã xác định đó là những nội dung sai sự thật, người đăng chỉ nhằm mục đích trêu đùa.

Đây chỉ là một trong những vụ việc xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Hồi 20h ngày 8-7, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ và lan truyền thông tin có tiêu đề “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì, Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại” cùng nội dung: “Chưa hết bàng hoàng sau khi vụ chặt đầu tại Vĩnh Phúc khép lại, mới đây giữa trung tâm TP Việt Trì, phường Nông Trang lại xảy ra thêm một vụ án chặt đầu nữa chỉ vì thiếu nợ 2 triệu đồng tiền mua điện thoại”.

Trên thực tế, nội dung bài viết này dựa trên bài báo viết về vụ án mạng kinh hoàng tại tỉnh Vĩnh Phúc ngày 3-7; đối tượng chỉ thay đổi tên, tuổi nạn nhân, hung thủ và địa điểm xảy ra vụ án. Sau đó dùng hình ảnh cá nhân của mình để đăng tải lên mạng xã hội Facebook....

Thế nhưng, sau khi trang Facebook với nickname Dương Chén đăng tải thông tin dưới nhan đề trên thì tốc độ lan truyền một cách chóng mặt với hàng trăm lượt người truy cập và chia sẻ, gây tâm lý hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Công an TP Việt Trì vào cuộc, đã làm rõ người chủ mưu cũng như các đối tượng có liên quan trong việc phát tán tin thất thiệt trên.

Đến sáng 9-7, Cao Thái Dương (24 tuổi, ở khu 10, phường Nông Trang, TP Việt Trì, Phú Thọ), đối tượng làm nghề mua bán điện thoại di động tại phường Nông Trang, TP Việt Trì, người chủ mưu, cầm đầu đã phát tán và đối tượng câu like đã được triệu tập đến trụ sở cơ quan Công an.

Tại Công an TP Việt Trì, Cao Thái Dương khai nhận: Khoảng 7h ngày 8-7, sau khi vào mạng Facebook, Dương thấy bạn bè post những bài báo với nội dung không đúng sự thật nhằm trêu đùa. Dương đã sử dụng phần mềm ứng dụng của trang Wed Chan nell 24 news.com trên trang cá nhân Facebook để viết bài với nội dung không đúng sự thật.

Cũng trong ngày 8-7, trên các trang cá nhân mạng xã hội Facebook chia sẻ và lan truyền thông tin có tiêu đề “Việt Trì, Phú Thọ: 2 thiếu nữ hiếp dâm 1 nam thanh niên đến tử vong” cùng nội dung “Khoảng 18h30 ngày 8-7, Công an tỉnh Phú Thọ vừa bắt 2 đối tượng gồm Nguyễn Kim Ngọc (Ngọc Ngấn) và Hoa Thụy (Hoa gà), hai thiếu nữ đã hiếp dâm một nam thanh niên đến tử vong”.

Công an TP Việt Trì đã tập trung xác minh, đến 10h ngày 14-7 đã làm rõ đối tượng phát tán là Nguyễn Văn Dương (20 tuổi, ở khu 3, Kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ). Dương đã sử dụng Facebook “Bắc Sơn” để chia sẻ .

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, việc mỗi cá nhân có thể sở hữu một hoặc nhiều tài khoản Facebook khá đơn giản... Không ít cá nhân cho rằng đã là tài khoản cá nhân thì họ có thể đăng tải nội dung gì tùy theo ý muốn. Vì thế, ngoài các vụ việc hình sự, nhiều trường hợp còn tung tin thất thiệt liên quan đến kinh tế gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cá biệt, một số trường hợp còn lợi dụng các trang mạng xã hội để tung các tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của một số cá nhân... thậm chí là những thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.

Ngoài câu like, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số còn muốn “nảy số” trên mạng để bán hàng; số khác do sự thiếu hiểu biết về pháp luật cộng với lối sống “ảo” đã tự ý chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng khiến dư luận hoang mang.

Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua đã có nhiều vụ việc liên quan bị đưa ra xử lý với các hình thức khác nhau: Ngày 14-7, tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị xử phạt một số cá nhân đã đăng tải và chia sẻ những thông tin bịa đặt, không chính xác, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội, liên quan đến tin đồn về tình trạng trẻ em bị bắt cóc... Trước đó, vào tháng 6-2017, Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Nguyễn Thị N (26 tuổi, trú tại Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) vì đã tung tin thất thiệt hai vụ bắt cóc trẻ em ở Đà Nẵng. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phùng Thế Ngôn, Trưởng Công an TP Việt Trì cho biết: Tùy theo nội dung và mức độ vi phạm, các hành vi trên sẽ xử lý theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Ngoài ra, những hành vi này còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 66 Nghị định 174/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện... với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.

Đồng chí Phùng Thế Ngôn cũng cho biết việc điều tra các vụ việc này gặp nhiều khó khăn, tốn không ít công sức do các đối tượng sử dụng tài khoản ảo...

Làm rõ clip bắt cóc trẻ em đăng trên mạng xã hội Facebook là bịa đặt

Ngày 17-7, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Chánh Văn phòng Công an TP Đà Nẵng cho biết: Qua xác minh clip nghi vấn một phụ nữ bắt cóc trẻ em tại TP Đà Nẵng được người dân đăng tải trên Facebook gây hoang mang dư luận những ngày qua, cơ quan điều tra đã làm rõ, đây là tin đồn bịa đặt.

Ảnh cắt từ clip người dân giữ cháu bé nghi bị “bắt cóc” từ tay người phụ nữ đã được làm rõ chính là mẹ cháu bé.

Trước đó, ngày 16-7, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một clip dài 5 phút ghi lại cảnh một số người dân đã tranh cãi và giữ một đứa bé từ tay một phụ nữ nói giọng không phải người địa phương. Trong clip, người phụ nữ mặc áo xanh đã bế theo một cháu bé đang ngủ say mê man. Do nghi ngờ người phụ nữ cho cháu bé uống thuốc mê, rồi bắt cóc nên nhiều người dân đã giữ cháu bé lại mặc dù người phụ nữ liên tục khẳng định đó là con mình và cố gắng giành lại đứa bé trên tay người dân.

Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, lượt chia sẻ cùng bình luận. Đặc biệt, dư luận, các bậc phụ huynh đã tỏ ra khá hoang mang vì lo sợ rằng tình trạng bắt cóc trẻ em xuất hiện tại Đà Nẵng. Sau khi lực lượng Công an xác minh thì sự thật lại hoàn toàn khác với những phản ánh tại clip này; người phụ nữ trong clip chính là mẹ ruột của cháu bé.

Việc người dân nâng cao cảnh giác trước tình trạng bắt cóc trẻ em xảy ra thời gian gần đây là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, việc chưa rõ thực hư, phản ánh đúng sự việc, đã vội vàng tung clip lên mạng xã hội, sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, dư luận không tốt; ảnh hưởng đến ANTT địa phương…

Hoài Thu


Xuân Mai
.
.
.