Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp trong khu vực

Thứ Hai, 18/12/2017, 08:01
TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây nêu cảnh báo: Tăng trưởng của Việt Nam đang giảm khá nhanh và nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010. Để thoát khỏi tình trạng này, tăng trưởng năng suất lao động đóng vai trò cốt yếu. 

Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều diễn đàn kinh tế lớn thời gian gần đây, các diễn giả đều nhấn mạnh đến năng suất lao động, khi các động lực tăng trưởng của Việt Nam đang ngày càng cạn kiệt.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 92,1 triệu đồng/lao động (tương đương 4.118 USD/lao động), rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Tính theo sức mua tương đương năm 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan... và thậm chí chỉ bằng 87,4% của Lào. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% của Singapore.

Các nguyên nhân chính được TS Nguyễn Bích Lâm chỉ ra là: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn. Năm 2017, vẫn còn tới 21,7 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi NSLĐ của khu vực này chỉ bằng 38,5% mức NSLĐ chung của nền kinh tế.

Dù lao động nông nghiệp đang có sự chuyển dịch, nhưng chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp, hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Khu vực này chiếm hơn 40,3% lao động nhưng mới chỉ tạo ra 15,5% GDP, “có thể xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho NSLĐ của Việt Nam thấp” – TS Nguyễn Bích Lâm nhận định.

 Nguyên nhân thứ hai không thể phủ nhận là chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Đến cuối năm 2016, chỉ có 20,6% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn chỉ có 12,8%. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Thứ ba, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế. Quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé với số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước, chưa đạt được quy mô tối ưu (50-99 lao động) để có được mức NSLĐ cao nhất.

Trình độ công nghệ của doanh nghiệp lạc hậu, phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang. Doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn thấp.

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn này, Chính phủ cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

TS Nguyễn Bích Lâm đề xuất Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia do một Phó Thủ tướng làm chủ tịch, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam; xây dựng Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực...

Tỏ ra lạc quan về động lực tăng năng suất từ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng  khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang dần lớn mạnh với số doanh nghiệp, số vốn thành lập tăng, hoạt động hiệu quả hơn khu vực DNNN.

Tuy vậy, ngoài những cản trở về thể chế, doanh nghiệp Việt Nam được cho là đang đối mặt với một số điểm bất hợp lý về chi phí lao động – cũng theo một công bố của CIEM. CIEM cho rằng: Lương tối thiểu của Việt Nam có tốc độ tăng rất nhanh và nhanh hơn nhiều tốc độ tăng năng suất lao động, trong giai đoạn 2014-2016 đã tăng 14% (so với Trung Quốc 10%, Indonesia 7% và các nước Thái Lan, Philippines, Malayisa, Ấn Độ có mức giảm tiền lương tối thiểu).

TS Nguyễn Bích Lâm cũng trích con số của Tổng cục thống kê minh họa cho nhận định này: Giai đoạn 2007-2013, tiền lương bình quân một lao động khu vực doanh nghiệp tăng 16,9%/năm, trong khi NSLĐ bình quân chỉ tăng 12,9%/năm.

CIEM cũng cho rằng gánh nặng của DN còn ở chỗ chi phí đóng BHXH cho người lao động tăng nhanh cả về tỷ lệ đóng và cơ sở tính mức phí; nhiều doanh nghiệp phải đóng thêm phí công đoàn (2% quỹ lương) mặc dù không có công đoàn cơ sở hoặc trước đây phải đóng ít hơn.

Do đó, CIEM khuyến nghị Chính phủ nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động…

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% của Singapore.
Nam Phương
.
.
.