Một xã vùng cao có nhiều thôn không sinh con thứ 3

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:21
Từ một xã có nhiều hộ nghèo với các tập tục lạc hậu, đến nay người dân xã A Roàng, huyện vùng cao A Lưới, Thừa Thiên- Huế, đang dần ổn định cuộc sống và từng bước phát triển kinh tế nhờ thực hiện hiệu quả mô hình “không sinh con thứ 3”...

Nhiều năm trở về trước, A Roàng được biết đến là địa phương có nhiều thanh niên trai tráng bỏ học để đi làm thuê tại các bãi vàng, hoặc tại các rẫy cà phê, công trình thủy điện. 

Vụ việc một nhóm 15 thanh, thiếu niên dân tộc Tà Ôi ở xã A Roàng, trong đó có nhiều em chỉ 15,16 tuổi bị một số đối tượng lừa thuê đi làm việc tại công trường xây dựng đường Trà Bồng (Quảng Ngãi) và công trình thủy điện Sê San 4 (Gia Lai) vào năm 2009, sau đó được giải cứu đưa trở về địa phương đã gióng lên hồi chuông về sự buông lỏng quản lý cũng như vấn đề tạo công ăn việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương này. 

Ông Viên Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, sau khi xảy ra các vụ việc thanh thiếu niên ở xã bị lừa đi lao động mà nguyên nhân xuất phát từ thực trạng các cặp vợ chồng sinh đẻ nhiều con, không có điều kiện cho ăn học; hoặc học nghề nên xã đã tham mưu lên chính quyền cấp trên để thực hiện mô hình gia đình không sinh con thứ 3 theo Quyết định số 4043 về dân số và kế hoạch hóa gia đình của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. 

Cam kết không sinh con thứ 3, nhiều phụ nữ xã A Roàng chú tâm phát triển nghề dệt zèng truyền thống.

“Thực tế người dân còn mang nặng tâm lý trọng nam khinh nữ nên nhiều cặp vợ chồng có 2 con gái vẫn quyết sinh thêm một người con trai cho “có nếp có tẻ”. Vì thế, để thực hiện công tác dân số có hiệu quả, cán bộ của xã đã nỗ lực về đến tận thôn bản để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình không sinh con thứ 3 và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ”, ông Danh cho biết.

Thôn A Roàng 1 là một trong số các thôn của xã A Roàng “khởi sắc” nhờ mô hình không sinh con thứ 3. Giờ đây đời sống của bà con dân bản nơi đây đã khấm khá hơn trước nhờ vào việc không sinh nhiều con để chú trọng phát triển các mô hình trồng rừng kinh tế, sản xuất sản phẩm truyền thống dệt zèng, đan lát để phục vụ du lịch. Nhờ thế mà tình hình ANTT cũng được đảm bảo hơn trước khi không còn xảy ra các vụ việc mâu thuẫn gia đình, gây gổ, chồng đánh vợ... 

Theo già Hồ Văn Liên (50 tuổi), hiện toàn thôn A Roàng 1 có gần trên 70 hộ dân thì tất cả đều đăng ký thực hiện mô hình không sinh con thứ 3. Nếu cặp vợ chồng nào thực hiện trái với quy ước này sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc của thôn bản đưa ra...

“Có lẽ nhờ có quy ước chặt chẽ nên nhiều năm qua, không có cặp vợ chồng nào trong thôn sinh con thứ 3 dù có nhiều gia đình có đến 2 người con gái. Chính vì thế mà từ năm 2011, thôn đã được UBND tỉnh công nhận là thôn bản không sinh con thứ 3 suốt 5 năm liền và được trao thưởng 50 triệu đồng”, già Liên hồ hởi nói.

Tìm hiểu được biết, ngoài thôn A Roàng 1, A Roàng 3 “đạt chuẩn” 5 năm liền không sinh con thứ 3, xã A Roàng còn có thôn Ca Nôn và Hương Sơn đạt thành tích 3 năm liền không sinh con thứ 3. 

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới cho hay, từ năm 2012, đơn vị đã nỗ lực thực hiện chiến lược “dân số- sức khỏe sinh sản” và đề án ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các xã và thị trấn trên địa bàn. 

Vì thế toàn huyện đã có 18 thôn đạt chuẩn 5 năm liền không sinh con thứ 3. Đặc biệt, trong năm 2015, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chi gần 3 tỷ đồng để thưởng cho 48 cụm dân cư, thôn bản 5 năm liền không có người sinh con thứ 3. 

“Có thể nói việc tuyên truyền, phổ biến chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình đến từng thôn, bản đã góp phần hạn chế tình trạng sinh con thứ 3, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới”, ông Mẫn nhận định.

Anh Khoa
.
.
.