Bản Cơ Tu nói không với... sinh con thứ 3

Thứ Ba, 03/03/2009, 20:33
"Dân bản mình coi trọng con trai lắm, nhà nào không có con trai là không có tương lai, thế nên thường hay đẻ nhiều, chưa có thì đẻ cố, có rồi thì muốn đẻ nữa cho nhiều may, nhiều phúc... Vì vậy, phải tuyên truyền kế hoạch hóa riết bà con mới hiểu, mới làm theo", lời tâm sự của tuyên truyền viên A Ral Chích (thôn Bút Nga, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) là cả một quá trình dài cho kết quả gần chục năm thôn bản Bút Nga không có hộ sinh con thứ 3.

Xa rồi những quan niệm xưa

Châm bếp lửa trong căn nhà rông mới hoàn thành, hớp ngụm rượu cần ngọt đắng, già làng Bút Nga - A Ral Chop phì phèo khói thuốc bay lảng vảng, chậm rãi tâm sự trong ký ức rời rạc: "Nói vậy chứ đâu phải dễ. Người Cơ Tu chúng tôi coi trọng con trai, nhà nào càng nhiều con trai thì càng lắm điều may, điềm phúc. Vì vậy, khi thấy các cán bộ đến tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) những ngày đầu, chính già làng không ưng cái bụng. Chuyện vợ chồng là điều tế nhị, cấm kị không được nhắc đến giữa chốn đông người, vậy mà các cán bộ toàn "nói thô, nói tục" thôi... nên già đã từng lên tiếng phản đối đó chứ".

Tâm sự của già làng cũng là quan niệm của người dân Cơ Tu nơi đây hơn chục năm về trước. Cứ thế, cái nghèo - đông con - cơ cực chẳng khác nào vòng xoay luẩn quẩn vây bủa lấy thôn bản. Nhà nào ít cũng 3 - 4 con, nhà nào nhiều thì còn hơn thế nữa.

Anh A Lăng Mười đúc rút kinh nghiệm: "Tuyên truyền cho bà con dân bản phải cụ thể, không thể nói chung chung được. Vì thế mình thường hay lấy ra những ví dụ về các gia đình nghèo khổ vì đông con ở làng hay khu vực lân cận rồi khuyên bảo bà con nếu gia đình mình đông con thì cuộc sống cũng không khấm khá hơn được; không có điều kiện lo cho ăn học, không đảm bảo đủ các điều kiện về y tế, cái nương, cái rẫy, cây cối rồi cũng sẽ thu hẹp dần nên nào có đất đai mà canh tác xây dựng...".

Dù đứa con trai đầu hơn 4 tuổi, nhưng A Lăng Mười, Trưởng thôn Bút Nga chưa tính chuyện đẻ thêm đứa thứ 2, theo anh: "Mình làm cán bộ tuyên truyền thì phải gương mẫu thực hiện trước để cho bà con noi theo, hơn nữa đẻ ít thì cũng bớt khổ hơn, mình có điều kiện chăm sóc hơn". Không riêng gì trưởng thôn A Lăng Mười, Phó trưởng thôn và các cán bộ trong thôn, trong xã cũng gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện KHHGĐ.

Chặng đường hơn 10 năm vận động KHHGĐ là cả câu chuyện dài, vui buồn theo bước chân những cán bộ tuyên truyền, ông A Ral Chich, Bí thư Chi bộ, tuyên truyền viên thôn Bút Nga dí dỏm tâm sự: "Nhớ lại những ngày đầu phổ biến cho bà con các biện pháp kế hoạch hóa nhưng không thể nói trực tiếp vì mình là người thôn bản nên phải nhờ cán bộ trên trạm y tế xã xuống trình bày cho tiện. Người dân hỏi về cách dùng bao cao su, bí quá cán bộ xã mới lấy ví dụ ngay trên cây cọc cắm ở hàng rào minh họa cho người dân cách sử dụng. Ai ngờ vài người về cũng thực hiện y như thế  nên vẫn có con liền kéo đến kiện thôn, kiện xã, lúc đó thì chỉ còn cách đi thẳng vào vấn đề thôi. May mà những trường hợp này đều sinh đứa thứ hai, chứ chưa vượt mức cho phép".

Trẻ em thôn Bút Nga có điều kiện học hành, nô đùa do các gia đình có điều kiện chăm sóc nhiều hơn.

Không riêng gì thôn Bút Nga, thôn Sơn trên địa bàn xã Sông Kôn cũng tích cực đẩy mạnh phong trào tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ. Ông A Lăng Niu, Trưởng thôn Sơn cho biết: Đồng bào Cơ Tu chúng tôi luôn coi trọng con cái, nhưng thay vì đông con chúng tôi đã biết phải sinh đẻ ít, chỉ dừng lại ở hai đứa cho dù là con trai, hay con gái để có điều kiện chăm sóc. Vì vậy suốt 4 năm qua, người dân thôn Sơn chưa có hộ gia đình sinh con thứ 3".

"Đẻ ít, dân bản bớt khổ hơn nhiều!"

Già làng A Ral Chóp chỉ tay về phía xa, hướng ánh mắt cùng cái nhìn gửi gắm một niềm vui mới với con cái thôn Bút Nga. Thôn nhỏ nằm một bên qua cây cầu khỉ bắt qua sông Po (một nhánh đổ về Sông Kôn) và trải rộng trên 3 quả núi lớn. Thay cho những ngôi nhà sàn, vách lá trước đây, những ngôi nhà xây khá kiên cố dần xuất hiện, điểm một màu mới trên dải xanh thăm thẳm của đại ngàn.

Ông A Rất Cường, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn nhận định: "Toàn xã có 11 thôn với gần 460 hộ và trên 2.200 khẩu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn do tập quán canh tác, điều kiện sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu từ nương, rẫy khoai sắn... hơn nữa, người dân trước đây thường hay đẻ nhiều. Triển khai công tác KHHGĐ đã tạo một bước phát triển mới trên địa bàn, đời sống nhân dân ổn định hơn. Đặc biệt như tại thôn Bút Nga, thôn Sơn nhiều năm liền không sinh con thứ 3. Từ năm 2000 đến nay, năm nào thôn Bút Nga cũng được tỉnh chứng nhận cho thành tích "nói không" với sinh con thứ 3 này, còn thôn Sơn cũng đã đạt được đến 4 năm liền không có hộ sinh con thứ 3".

Sự tăng thêm của các hộ gia đình trong thôn bản không kéo theo sự "bùng nổ dân số" vì hầu hết các gia đình trẻ đều tuân theo quy định của xã, của bản trong việc KHHGĐ, đáng nói 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, đặc biệt còn có em bước vào giảng đường đại học. Thay cho trước đây nhiều em phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình đông con lại khó khăn.

"Lo cho con cái ăn học là nhiệm vụ của mỗi gia đình và trách nhiệm đôn đốc của thôn bản. Nếu như trước đây thôn bản nhiều trẻ em thì làm gì được như thế. Thấy các con cháu được học hành, có điều kiện ăn ở, ai cũng mừng và cùng vận động nhau thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa. Chúng tôi sẽ đưa nội dung KHHGĐ vào trong hương ước của thôn bản để mọi thế hệ đều cùng thực hiện", già làng A Ral Chóp trao đổi.

Không riêng gì tình hình kinh tế, ngay cả an ninh trật tự của làng xóm, thôn bản có sự chuyển biến rõ nét. Trưởng thôn A Ral Mười kể lại "Ngày trước trẻ em, thanh niên nhiều mà không có điều kiện dạy dỗ nên các em sinh ra hư hỏng, cướp giật nhiều làm cho tình hình an ninh trên địa bàn rất phức tạp nhưng nay mọi cái đã đổi khác, gần chục năm nay, thôn bản chúng tôi được coi là một trong những địa bàn ổn định, an ninh nhất của xã".

Chúng tôi dừng lại với bữa cơm trưa tại nhà anh A Ral Sup (thôn Bút Nga), nồi canh bốc khói quện mùi thơm cồn dạ, đĩa thịt kho và món xào đậm chất núi rừng. Anh Súp tâm sự trong niềm vui "May mà có chủ trương đúng, vận động KHHGĐ xuống tận bà con thôn bản nên càng ngày đời sống chúng tôi càng bớt khó khăn hơn, con cái được học hành, ăn uống đầy đủ hơn, chứ trước đây chỉ có cơm độn sắn thôi chú à!".

"Lúc cái bụng của thôn bản chưa hiểu thì còn chưa làm nhưng khi đã hiểu rồi thì việc gì đã quán triệt phải làm cho triệt để, cái gì cần thiết cho sự phát triển của bản làng là đồng bào Cơ Tu quyết làm cho bằng được. Người dân Cơ Tu chúng tôi giờ ai cũng biết đông con thì khó khăn, không có điều kiện chăm sóc, học hành... thì làm sao góp phần phát triển thôn bản, quê hương được".

Già làng A Ral Chóp (Bút Nga) tâm sự

Xuân Trường
.
.
.