Món quà hạnh phúc cho những cặp vợ chồng nghèo hiếm muộn

Chủ Nhật, 04/07/2021, 21:10
Mong ước có được mụn con là khao khát cháy bỏng của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng vì quá nghèo, họ không có đủ tiền để đi làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí (IVF) của Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đã có 33 gia đình hiếm muộn khó khăn được BV hỗ trợ miễn phí hoàn toàn, nhiều người đã có "trái ngọt" với những đứa con kháu khỉnh, đáng yêu.

Bế cặp song sinh là hai bé trai đáng yêu đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội dự lễ Công bố và trao quyết định 10 ca IVF miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí trong Tuần lễ Vàng 2021 vào ngày 3/7, vợ chồng thầy giáo bản Q.V.T và N.T.H.T (ở thôn Huổi Lục 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Điện Biên) không giấu được niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Ths.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc chuyên môn BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cùng các gia đình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí thành công.

Sau 7 năm hiếm muộn, trái ngọt đã đến với vợ chồng thầy, cho họ có hai mụn con trai. “Đây là quả ngọt mà chương trình miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm của BV Nam học và Hiếm muộn đã đem đến cho vợ chồng tôi. Hạnh phúc này không thể nào diễn tả bằng lời. Nếu không có chương trình, vợ chồng tôi không biết đến bao giờ mới có cơ hội làm cha, làm mẹ”, thầy T xúc động chia sẻ.

Vợ chồng thầy T. là trường hợp đầu tiên có con thành công nhờ chương trình hỗ trợ của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, tôi gặp vợ chồng thầy T. khi họ đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để nhận hỗ trợ miễn phí IVF. Khi ấy, họ đã kết hôn được 7 năm, nhưng mòn mỏi chờ mong vẫn chưa có được mụn con. Thầy T. quê ở Hòa Bình, sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 7 người con. 

Năm 2013 thầy kết hôn, nhưng 3 năm mong đợi, vợ chồng họ vẫn không có con. Trong một lần thu hoạch xong vụ sắn, thầy vay thêm tiền, dẫn vợ xuống 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội để khám. Kết quả thầy tinh trùng yếu, vợ lại đa nang buồng trứng, nhưng do không có tiền nên vợ chồng họ đành gác lại việc chạy chữa.

Trước khó khăn của cuộc sống, thầy T. xin lên miền núi làm giáo viên tại Trường PTDT bán trú tiểu học Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Điện Biên. Vợ thầy khăn gói quả mướp đi theo chồng, làm nấu ăn tại trường. Do thường phải tới các điểm trường trong bản dạy học, cuộc sống vất vả, đi lại xa xôi, nên nhiều năm trôi qua, mơ ước có mụn con cứ thế xa vời.

Kể với tôi khi ấy, thầy chia sẻ: Vì yêu cầu công tác, em phải đi học đại học, có ít tiền dành dụm, em định đưa vợ đi chạy chữa tìm con, nhưng nếu đi học thì số tiền đó sẽ tiêu hết. Giữa lúc “đau đầu” thì tình cờ vào tháng 6/2019, qua mạng xã hội, vợ chồng em biết thông tin BV Nam học hỗ trợ miễn phí 10 ca IVF, nên đã làm hồ sơ và thấp thỏm mong đợi. Ngày nhận thông báo hồ sơ được xét duyệt, vợ chồng em đã ôm nhau khóc vì vui mừng.

Kỳ diệu hơn nữa, chỉ một thời gian ngắn sau, trong lần thụ tinh đầu tiên, họ đã “trúng số” với hai phôi thai phát triển khỏe mạnh. Sau 9 tháng hoài thai, cặp song sinh chào đời là hai bé trai.

BS Lê Thị Thu Hiền đang tư vấn cho 1 trong 10 gia đình được thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí năm 2021.

Tại chương trình, thầy T. đã không giấu được xúc động chia sẻ: BV chính là ngôi nhà thứ hai của rất nhiều gia đình vô sinh, hiếm muộn như chúng tôi. Hôm nay, được gặp những bác sĩ đã mang lại nụ cười cho vợ chồng tôi, chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn các bác sĩ đã cho chúng tôi có cơ hội được làm cha, làm mẹ, có hai “cục vàng” như ngày hôm nay”.

Theo chia sẻ của thầy T., sau khi có hai con, cuộc sống của gai đình họ cũng dần tốt lên như một điềm may, thầy T. được chuyển công tác về Hòa Bình ở gần gia đình.

Cùng với gia đình thầy T., gia đình anh V.V.T. - chị P.T.T (Hải Đường, Hải Hậu, Nam Định) cũng là trường hợp được đón “quả ngọt” từ chương trình hỗ trợ IVF miễn phí của BV.

Do khó khăn, chồng liên tục phải đi làm xa, chị T. lại bị tắc một bên vòi trứng, hai vợ chồng cố gắng tìm cách, sử dụng thuốc nam, thuốc bắc… nhưng đều không thành công. Cơ duyên được BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chọn hỗ trợ IVF miễn phí, kết quả, 9 năm sau hiếm muộn, anh chị đón bé gái ra đời trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa.

BS.CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết: Sau 3 năm thực hiện chương trình IVF miễn phí đã có 33 gia đình hiếm muộn khó khăn được BV hỗ trợ miễn phí. Trên thực tế, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là IVF không nhỏ.

Thông qua chương trình, BV muốn tiếp sức cho họ, trước nhất là sự hỗ trợ về chi phí, tiếp đó là sự tận lực hết mình của đội ngũ y bác sĩ để giúp các gia đình chạm vào ước mơ làm cha làm mẹ. Chứng kiến niềm hạnh phúc của các gia đình lần đầu chào đón con yêu sau bao năm mòn mỏi đợi chờ, chúng tôi càng có thêm động lực để duy trì và thực hiện thêm nhiều chương trình hỗ trợ nhân văn như thế.

Trong 10 cặp vợ chồng hiếm muộn nghèo được BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ IVF miễn phí năm 2021, chúng tôi không khỏi xúc động trước hoàn cảnh đặc biệt của vợ chồng anh Lê Hải Phong L.H.P, chị N.T.Q.T (Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng).

Anh P. hiện là bộ đội biên phòng, thường xuyên phải công tác xa nhà, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID như hiện nay, gần như anh không có thời gian về thăm gia đình. Ngoài niềm đau không có tiếng cười trẻ thơ trong căn nhà trống vắng, anh P. và chị T. còn phải chăm sóc bố bị mắc bệnh ung thư, đái tháo đường, suy tim.

Nghẹn ngào trong nước mắt, chị T. nghẹn ngào chia sẻ: “Dù chồng đi công tác thỉnh thoảng mới về, nhưng hai vợ chồng chỉ nói đôi lời với nhau vì giữa cả hai luôn có một khoảng cách và cả những nỗi niềm mong ngóng đứa con chung. Còn ông bà vì bệnh tật dày vò mà dường như đã mất hy vọng sống, nên mình cũng chỉ mong ông bà có cháu, sẽ có động lực chữa trị và sức mạnh để sống tiếp”. Trước đây, hai vợ chồng đã từng làm IVF một lần nhưng không thành công.

Mỗi cặp vợ chồng là một hoàn cảnh éo le, nhưng ước mong lớn nhất của họ là có mụn con, được làm cha, làm mẹ. Nhưng rào cản lớn nhất khiến nhiều cặp vợ chồng mãi vẫn không có con, đó là họ không có đủ tiền để đi làm IVF. Nhờ chương trình hỗ trợ miễn phí của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, 10 cặp vợ chồng năm nay đều vỡ òa trong hạnh phúc, họ hồi hộp mong chờ vào chặng đường phía trước, ở nơi đó sẽ có những đứa con đáng yêu chờ đợi.

Trần Hằng
.
.
.