Miền Tây Nam Bộ quay quắt mặn và khát

Thứ Hai, 25/01/2016, 09:29
Năm 2015, đỉnh lũ trên sông Cửu Long được ghi nhận ở mức thấp từ trước đến nay. Tổng lưu lượng dòng chảy thượng nguồn Mê Kông về khu vực ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20 - 40%.

Mực nước thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều dẫn đến mùa mùa khô 2015 -  2016 ở ĐBSCL, xâm nhập mặn trên các sông sẽ sớm và sâu hơn. Những ngày qua, người dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) và Mỹ Tú (Sóc Trăng) rất lo lắng khi nước mặn xâm nhập vào ruộng đồng, nhiều diện tích lúa bị cháy lá, hư hại...

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp diễn ra gay gắt ở Trà Vinh.

Ông Phạm Văn Phong, nông dân xã Long Phú (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: “Hàng năm không có nhưng sao năm nay bất thường quá. Nước mặn vô bất thường, khu vực trong trạm bơm còn làm lúa được, chứ ngoài trạm thì vô phương”. Người dân ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang cho biết: Đây là đợt xâm nhập mặn nhanh chưa từng có trong vòng 20 năm qua và lớn nhất, gay gắt cả nước. Năm nay, Hậu Giang có 12.000ha lúa vụ 3 không thể gieo trồng, hàng ngàn hécta cây ăn trái giảm năng suất.

Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang cho biết: Mỗi năm Hậu Giang phải đắp 80 đập thời vụ để bảo vệ 5.000ha đất sản xuất của thị xã Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Hậu Giang đang rất lo nước mặn từ Cà Mau và Bạc Liêu theo con sông Quản Lộ Phụng Hiệp xâm nhập sâu sẽ ảnh hưởng sản xuất vì đây là vùng sản xuất cây ăn trái. Tại Cà Mau, gần 20.000ha/36.000ha lúa gieo cấy bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, ước tính thiệt hại về tài sản lên đến 15 tỷ đồng.

Từ cuối tháng 12-2015, tại Trà Vinh, xâm nhập mặn đã xuất hiện trên hai triền sông sông Hậu và sông Cổ Chiên. Có khoảng 17.000 hộ dân vùng nông thôn giáp sông Cổ Chiên (huyện Càng Long) và các xã Long Đức, xã Nguyệt Hóa (TP Trà Vinh), ấp Cồn Cò (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt.

Từ tháng 2 đến tháng 5-2016, độ mặn sẽ tăng cao 9-15‰, thiếu nước sinh hoạt diễn ra trầm trọng vì các trạm cấp nước không thể lấy nguồn nước sông. Xâm nhập mặn đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân vùng ven biển của tỉnh Bến Tre. Các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú chịu ảnh hưởng nước mặn nặng nhất. Vùng lợ gồm huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và TP Bến Tre. Vùng ngọt chỉ có duy nhất huyện Chợ Lách và một vài xã của huyện Châu Thành.

Theo ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh đang xin chủ trương Trung ương đầu tư hệ thống dẫn nước ngọt từ sông Tiền sang phục vụ cho dự án ngọt hóa Gò Công. Để bảo vệ 38.000 ha lúa Đông Xuân ở các huyện phía Đông và khoảng 30.000 ha lúa Hè Thu năm 2016 ở các huyện phía Tây, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã Gò Công, Cai Lậy và TP Mỹ Tho khẩn trương chống hạn, mặn; nạo vét kênh mương, vệ sinh rong cỏ, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh…

Theo dự báo, 15 năm nữa sẽ có tới 45% diện tích của ĐBSCL đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn. Hiện tượng El Nino gây mưa ít cộng với các công trình thủy lợi, thủy điện chặn dòng ở thượng nguồn là những nguyên nhân khiến xâm ngập mặn đến sớm và kéo dài. Qua từng năm, nhiều nơi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50 đến 70km, độ mặn cũng cao hơn. Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m có khoảng 39% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập, gần 35% dân số bị ảnh hưởng và sẽ có khoảng 70% diện tích lúa bị nhiễm mặn. Theo từng giai đoạn, năng suất lúa dự báo giảm 8-15% vào năm 2030.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau cho biết: Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 - 25%. Nguồn nước bị thiếu khiến cho vùng đất tôm lúa ở Cà Mau có độ mặn tăng cao vượt mức cho phép gấp nhiều lần. Ảnh hưởng của El Nino có thể kéo đến những tháng đầu năm 2016. Hiện 36.644ha đất lâm nghiệp có rừng thuộc vùng U Minh Hạ và rừng cụm đảo luôn đối mặt với nguy cơ cháy cao trong mùa khô này, công tác bảo vệ rừng càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo các nhà chuyên môn, với gần 300.000ha đất nuôi trồng thủy sản, hiện tượng El Nino khiến nắng nóng kéo dài dẫn đến hệ thống kênh rạch bị cạn dần, độ mặn nước sông sẽ tăng cao trên 30‰ thậm chí là trên 40‰ ở các ao đầm nuôi tôm, kéo theo tôm chết đồng loạt hoặc chậm phát triển. Những vùng canh tác cây, con thuộc hệ sinh tháinướcngọt gặp nhiều khó khăn, giảm năng suất vì Cà Mau chưa có hệ thống thủylợi ngăn mặn giữ ngọt khép kín.

Sở NN - PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: do mùa mưa 2015 kết thúc sớm hơn so với TBNN gần một tháng nên không đủ lượng nước ngọt rửa mặn để gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm. Nắng nóng khiến cho lượng nước trên các cánh đồng lúa - tôm bốc hơi nhanh, làm cạn kiệt nguồn nước, khả năng thiệt hại là rất lớn. Hệ thống kênh các cấp bị khô cạn càng làm ảnh hưởng đến các trà lúa Đông Xuân. Để chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2015 – 2016, tỉnh Cà Mau sẽ cần Chính phủ hỗ trợ 173 tỷ đồng để nạo vét các tuyến kênh kết hợp đắp đê ngăn triều cường, bơm tát chống hạn cho 35.200ha lúa vụ Đông Xuân, chống cháy rừng được dự báo sẽ rất gay gắt.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng cục phó Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN - PTNT) khuyến cáo: nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và dân sinh ngày càng quý hiếm cần phải được bảo vệ. Các địa phương cần chuẩn bị các phương án cấp nước ngọt phục vụ dân sinh cho những vùng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; các cơ quan quản lý khoa học kịp thời dự báo diễn biễn của thủy văn để giúp các địa phương chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn.

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các địa phương tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa; theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra, tổ chức dự báo xâm nhập mặn, chủ động giám sát xâm nhập mặn tại các cửa lấy nước, để hỗ trợ nhân dân lấy nước, trữ nước vào những thời gian độ mặn ở mức cho phép.

TH.Bình – V.Vĩnh
.
.
.