Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL):

Nhiều nhà vườn đang ngậm quả đắng vì hạn hán và xâm nhập mặn

Thứ Sáu, 23/10/2015, 08:45
Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, khả năng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ ngày càng gay gắt.

Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2016 lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20 - 40% và mùa mưa có khả năng kết thúc sớm hơn năm trước. Đỉnh lũ trên sông Cửu Long năm 2015 thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp nhất trong chuỗi số liệu. Với tình hình này, khả năng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ ngày càng gay gắt.
Mỗi năm, tỉnh Hậu Giang phải đắp 80 đập thời vụ để bảo vệ 5.000 ha đất sản xuất của TP Vị Thanh và TX.Long Mỹ. Mỗi đập tốn từ 3 - 4 triệu đồng. Làm riết rồi không còn đất đắp nên địa phương kiến nghị Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu, đầu tư cho Hậu Giang xây dựng đập sà lan di động. Hậu Giang đang rất quan ngại về tình trạng nước mặn từ Cà Mau và Bạc Liêu theo sông Quản lộ Phụng Hiệp xâm nhập sâu, ảnh hưởng cho sản xuất vì đây là vùng trồng cây ăn trái. Còn ở TP Vị Thanh vào cao điểm mùa xâm nhập mặn thì nước từ Kiên Giang tràn qua. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thì tình hình xâm nhập mặn 2015 - 2016 sẽ gay gắt hơn và Hậu Giang tiếp tục phải ứng phó.
Giải pháp Hậu Giang làm được hằng năm là nạo vét kênh mương nội đồng để trữ nước ngọt… Còn tại tỉnh Bến Tre, từ đầu năm 2015 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến 6.499ha lúa và 3,5ha hoa màu trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1.939ha mạ vụ Hè Thu. Xâm nhập mặn đã làm thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cho cư dân 3 huyện ven biển...
Nhiều nhà vườn trồng cam ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) “ngậm đắng” khi vườn tược bị nước mặn xâm nhập. 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng phụ trách vùng Nam bộ (Cục Trồng trọt), thông tin: Vụ Đông Xuân 2015 - 2016, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1,64 triệu ha, trong đó ĐBSCL gieo sạ trên 1,563 triệu ha.

Ở khu vực ĐBSCL đỉnh lũ năm 2015 đang ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp nhất trong chuỗi số liệu. Căn cứ vào thực tế trên, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương chỉ đạo sản xuất vụ Thu Đông năm 2015 kết thức sớm để sắp xếp thời vụ sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016. Các địa phương cần dựa vào dự báo tình hình tiêu thụ lúa, gạo năm 2015 để xây dựng phương án xuống giống lúa Đông Xuân 2015 - 2016 theo đúng lịch thời vụ. Các địa phương cần xuống giống sớm để tận dụng nguồn nước tưới cho lúa và chủ động thời gian thu hoạch vào tháng 2 và 3 sẽ thuận lợi cho xuất khẩu.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và dân sinh ngày càng quý hiếm cần phải được bảo vệ. Đã đến lúc phải huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc cùng bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngọt, phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Tôi đề nghị các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình diễn biến của nguồn nước để kịp thời chỉ đạo sản xuất. Các địa phương thường xuyên tuyên truyền vấn đề nâng cao ý thức tiết kiệm nước trong sản xuất để bảo vệ nguồn nước. Các địa phương cần chú ý việc thay đổi cây trồng tiết kiệm nước. Đề nghị các địa phương chuẩn bị các phương án cấp nước ngọt phục vụ dân sinh cho những vùng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Các cơ quan quản lý khoa học kịp thời dự báo diễn biến của thủy văn để giúp các địa phương chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam sớm nghiên cứu, sửa lại các công trình thủy lợi không còn phù hợp với từng điều kiện của địa phương và cải tiến đập tạm, đập thời vụ bằng công nghệ mới để giúp các địa phương đầu tư phục vụ sản xuất bền vững để đạt hiệu quả cao”...

Đức Phong – T.Phong
.
.
.