Lo ngại El Nino quay lại

Thứ Hai, 08/05/2017, 09:20
Theo nhận định của Cơ quan khí tượng, El Nino có khả năng quay lại Việt Nam khoảng tháng 7-8 tới đây, mùa hè năm nay sẽ nóng hơn trung bình nhiều năm; khả năng xuất hiện bão mạnh và siêu bão.

Hầu hết các Cơ quan khí hậu trên thế giới đều chung nhận định, Enso (chữ viết tắt để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan đến dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương) có xu hướng chuyển sang El Nino từ nửa cuối năm 2017.

Tại Việt Nam, theo ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, vào mùa hè và thu năm nay, El Nino có khả năng quay trở lại. Thời tiết sẽ có biểu hiện như bão và áp thấp nhiệt đới ở mức trung bình, nhiều khả năng có bão mạnh và siêu bão.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, khi El Nino trở lại, khả năng bão và áp thấp nhiệt đới khu vực biển Đông nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng 12-13 cơn/năm). Nhưng số lượng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam ít hơn (trung bình nhiều năm 5-6 cơn). Tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những năm chịu tác động của El Nino.

Dưới tác động của El Nino, mùa mưa và mùa lũ ở Bắc Bộ đến muộn; đỉnh lũ trên các sông suối tương đương năm 2016, phổ biến ở mức báo động 2-3. Trong khi Tây Nguyên và Nam Bộ đến sớm hơn trung bình nhiều năm; lũ lớn nhất năm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức báo động 2-3.

Hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL năm 2016.

Tại khu vực Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh được biết đến là trung tâm kinh tế, thế nhưng năm 2016, địa phương này cũng bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường.

Nhiều trận mưa trái mùa khiến cho sản xuất của người dân bị thiệt hại (điển hình như vụ hoa mai Tết Đinh Dậu 2017), sinh hoạt của người dân, nhất là khu vực không thoát nước kịp bị xáo trộn...

Còn tại ĐBSCL, theo ông Dũng, trong năm 2016, nông nghiệp của khu vực này thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng nguyên nhân là do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, ĐBSCL nằm ở cuối dòng chảy của sông Mekong trước khi đổ ra biển Đông và một phần nhỏ ra Vịnh Thái Lan.

Vùng đất này là nơi cư trú và sản xuất của hơn 18 triệu dân và được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp 55% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới), hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.

Thực tế cho thấy, mùa khô năm 2016, mặn đã xâm nhập sâu đến 90km vào các tỉnh, thành ven biển ở ĐBSCL, với diện tích khoảng 300.000ha. Nếu tình trạng hạn - mặn tiếp tục diễn ra như năm 2016 thì diện tích các vùng trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, làm giảm năng suất và sản lượng.

Trong thời gian 2 năm trở lại đây, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa. Biến đổi khí hậu có thể tác động đến thời vụ canh tác lúa, làm thay đổi cấu trúc mùa vụ, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng.

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, sau khi chỉ ra những khó khăn và thách thức, trong đó hiện tượng biến đổi khí hậu (băng giá, hạn hán, xâm nhập mặm, lũ lụt, sự cố môi trường biển ở miền Trung) đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại gần 2 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị phải tập trung tháo bằng được 4 nút thắt gây khó khăn cho nền nông nghiệp nước ta, gồm: Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp; chuyển 500.000 - 700.000ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; chính sách huy động doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả gói tín dụng 100.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao;…

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, biến bất lợi thành lợi thế; đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt; triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới...

Theo các chuyên gia trong ngành, về lâu dài, Chính phủ, các Bộ, ngành khi đầu tư các công trình thủy lợi, hồ đập ngăn mặn, trữ ngọt cho ĐBSCL cần tính tới yếu tố vận hành liên vùng, liên tỉnh; các tỉnh, thành trong vùng cần có liên kết trong phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu, tránh manh mún, cục bộ. Đặc biệt là phát động trong nhân dân liên kết hình thành các ao, hồ, bể trữ nước ngọt liên hộ, liên khóm, ấp.

Bên cạnh đó, cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý phù hợp với điều kiện sản xuất chống hạn mặn, theo phương châm tiết kiệm nước. Ở những vùng bị hạn mặn thường xuyên cần có các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm sản xuất hiệu quả, bền vững, không gây ảnh hưởng xấu đến các vùng ngọt hóa.

Hải Âu- Hoàng Phạm
.
.
.