Dầu tràn ra suối gây ô nhiễm nghiêm trọng ở tỉnh Bình Phước
Thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, khuya ngày 3-10, hệ thống đường dẫn dầu thành phẩm cao su của Công ty trên bất ngờ bị hỏng hóc, rò rỉ dầu ra ngoài. Lúc này, trời đổ mưa lớn khiến lượng dầu theo nước mưa chảy tràn ra mương thoát nước tập trung của Khu công nghiệp Minh Hưng 3, sau đó đổ thẳng ra con suối Bưng Dục, cách Khu công nghiệp Minh Hưng 3 khoảng 500m, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đến trưa ngày 3-10, nhiều người dân ở ấp 4, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành phát hiện con suối Bưng Dục có nhiều dầu nổi trên mặt nước nên lấy củi đốt thả xuống khu vực suối bị dầu tràn ra thì lập tức lửa bốc cháy ngùn ngụt.
Sau sự cố, PC49 đã có mặt tại hiện trường phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng khắc phục sự cố.
Lực lượng chức năng điều phương tiện đến hiện trường khắc phục sự cố. |
Hàng trăm lít dầu tràn ra suối do rò rỉ đường ống dẫn dầu, sau đó người dân quăng củi đốt khiến cây cối khu vực suối Bưng Dục bị cháy xém. |
Lực lượng chức năng dùng nhiều biện pháp để hốt dầu, ngăn không để dầu phát tán rộng ra ngoài. |
Theo thống kê, lượng dầu tràn ra suối ước trên 800 lít. Lực lượng chức năng đã điều tra, xác minh, đồng thời lấy mẫu nước để xác định mức độ ô nhiễm xảy ra tại con suối Bưng Dục.
Theo cơ quan điều tra, bước đầu xác định Công ty cổ phần sản xuất thương mại giải pháp xanh Bình Phước đã vi phạm các quy định về hoạt động ứng phó sự cố xả dầu, quy định tại Điều 33, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hiện cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ để tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Người dân địa phương cho biết, Công ty trên chuyên tái chế phế liệu và hoạt động từ năm 2012 đến nay. Thời gian qua, nước suối Bưng Rục chảy xuống hạ nguồn đập thủy lợi Phước Hòa (giáp ranh hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước) luôn trong tình trạng bị ô nhiễm nặng do một số doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Minh Hưng 3 lén xả chất thải ra dòng suối. Tình trạng ô nhiễm đã làm nguồn nước nhiều giếng đào của người dân bị ô nhiễm, không thể sử dụng, mặt khác các loại thủy sản sinh sống dưới con suối hiện đã vắng bóng.