Khu vực hồ Hoàn Kiếm có diện mạo mới từ 1-9 với 16 phố đi bộ
- Các điểm gửi xe phục vụ thí điểm phố đi bộ quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm
- Các phố quanh Hồ Hoàn Kiếm thành phố đi bộ: Phương tiện lưu thông bằng cách nào?
Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, 3 phương án thực hiện đồng bộ tuyến phố đi bộ từ ngày 1-9 tới đây là tổ chức thí điểm phố đi bộ từ 19h thứ sáu đến 24h Chủ nhật hằng tuần; phát wifi miễn phí quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và nhà hàng, quán bar được mở cửa đến 2h sáng được mong đợi là biện pháp thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Thủ đô trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt nên nhận được sự quan tâm lớn của cả nước và khách du lịch.
Việc thực hiện thí điểm 16 tuyến phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm là hành động cần thiết của TP Hà Nội để triển khai Nghị quyết về phát triển du lịch của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 vừa ban hành, dựa trên việc phát triển không gian văn hoá kết hợp với khu phố cổ.
Không gian của 16 tuyến phố đi bộ này sẽ tạo ra tổng thể kết nối khu vực phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận.
Hiện Công an thành phố và quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự cho việc thí điểm tuyến phố đi bộ, bố trí 12 chốt cứng và bố trí các lực lượng chốt trực; bố trí sắp xếp 78 điểm đỗ trông giữ xe.
Khu vực nhà vệ sinh công cộng được bố trí tại các điểm: Phố Lê Lai (đối diện Cung Văn hoá Thiếu nhi); bên hồ Hoàn Kiếm tại khu vực Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, phố Đinh Tiên Hoàng; số 8 phố Lê Thái Tổ; 29 Hàng Khay kết hợp với một số nhà vệ sinh của các nhà hàng, cơ quan và các hộ dân có biển hướng dẫn cụ thể.
Trạm Y tế tại chỗ được đặt tại trụ sở sân Sở Văn hoá và Thể thao, Trạm Y tế phường Hàng Trống, Trạm Y tế phường Hàng Bạc, Trạm Y tế phường Tràng Tiền.
Về phương án chỉnh trang, trang trí trên các tuyến phố đi bộ, quận đã tổ chức khảo sát và vận động người dân tự tháo dỡ, chỉnh trang mái hiên, mái che di động cũ hỏng và các vật dụng trên mặt tiền không bảo đảm mỹ quan trước mặt tiền các công trình trên tuyến phố đi bộ.
Cung cấp chậu hoa, cây cảnh để phát cho các hộ dân treo các vị trí phù hợp; tăng cường hoa, cây xanh và chỉnh đốn các tầng hoa tại dải phân cách đường đôi Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ.
Liên quan đến thắc mắc về đi lại của người dân có nhà trong khu vực thí điểm tuyến phố đi bộ, ông Dương Đức Tuấn cho biết, quận Hoàn Kiếm hiện đang thống kê phương tiện đi lại của cơ quan, hộ dân và làm việc cụ thể với cán bộ các cơ quan và người dân để đóng tem vào xe đi lại.
Vào thời gian đi bộ, người dân, cán bộ các cơ quan có thể dắt xe ra vào. Nếu người dân có nhu cầu gửi xe tại các khu vực trông xe phụ cận sẽ được miễn phí.
Ông Dương Đức Tuấn cũng cho biết, thời gian đầu, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, kinh phí chuẩn bị thí điểm và trong thời gian thí điểm phố đi bộ sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu theo định hướng xã hội hoá với các hoạt động liên quan tuyến phố đi bộ.
Theo đó, 16 tuyến phố đi bộ thực hiện thí điểm từ ngày 1-9 đến hết năm 2016 gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài), Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu Gỗ), hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).