Không ít lao động đối mặt với nguy cơ lao động

Thứ Ba, 18/05/2021, 08:50
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang có những diễn biến phức tạp khiến cho không ít người lao động tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất việc trong bối cảnh thị trường lao động vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh.

Mặc dù thông tin tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp khiến cho thị trường bớt đi phần ảm đạm, nhưng để tìm được lời giải bài toán việc làm cho cả triệu lao động mất việc thời gian qua là không đơn giản.

Lao động lao đao

Là nhân viên một chuỗi cửa hàng điện máy, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến quy mô chuỗi cửa hàng này phải thu gọn, anh Trần Văn Bình (quê ở Ninh Bình) cũng chính thức mất việc từ tháng 11/2020. Làm hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp và suốt mấy tháng ròng rã tìm kiếm việc làm mới mà không được, anh Bình quyết định chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. 

“Ở dưới quê, hai con nhỏ vẫn phải ăn học nên áp lực tiền bạc với lao động như chúng tôi rất lớn. Vậy nhưng, đợt dịch bùng phát lần này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ xe ôm công nghệ như chúng tôi bởi người dân ít có nhu cầu đi lại, nhiều người làm việc ở nhà. Diễn biến dịch lây lan trong cộng đồng quá nhanh khiến lượng khách giảm mạnh. Mấy tháng trước, mỗi ngày có thể kiếm được 400 nghìn đồng/ngày thì hiện giờ chỉ kiếm được khoảng hơn 150 nghìn đồng, chỉ đủ chi phí thuê nhà và ăn uống đạm bạc; không còn tiền gửi về quê để lo cho các con ăn học", anh Bình chia sẻ.

Không ít lao động đang chật vật tìm việc làm do ảnh hưởng của COVID-19.

Là giáo viên của một cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn phường Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Lã Thị Thúy Hà cũng vừa mất việc và đang phải làm hồ sơ đăng ký nhận Bảo hiểm thất nghiệp. 

Chị Hà cho biết, do các cơ sở mầm non tư thục trong các khu dân cư hiện nay mọc lên “như nấm sau mưa”, cộng thêm dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng mạnh mẽ nên lượng học sinh nhận vào cũng giảm mạnh. Điều này khiến thu nhập của toàn bộ giáo viên cũng giảm. 

“Do dịch bùng phát mạnh nên tất cả các trường đều cho học sinh nghỉ học, nhà trường cũng thông báo sẽ phải giảm bớt một số lượng giáo viên khi học sinh được đi học trở lại nên tôi cũng đành xin nghỉ việc luôn. Hiện tôi đang làm hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng có một khoản khoảng 3 triệu đồng cũng có thể cầm cự được. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là tìm kiếm việc mới trong giai đoạn hiện nay là không dễ dàng”, chị Hà cho biết.

Cũng rơi vào cảnh mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, anh Nguyễn Ngọc Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tranh thủ tìm kiếm việc làm khắp nơi, nộp hồ sơ vào khoảng 7- 8 công ty đăng tuyển dụng trên mạng, tuy nhiên đều không được gọi đi phỏng vấn. Lựa chọn làm công nhân là cách cuối cùng mà anh Toàn hướng tới vì từ nhà sang Khu Công nghiệp Thăng Long cũng không quá xa. Tuy nhiên, để kiếm việc làm ở đây cũng không hề dễ dàng. 

“Mức lương bình quân dao động từ 4,5- 6 triệu đồng/tháng mà không yêu cầu quá nhiều về bằng cấp. Mặc dù vậy, số lượng tuyển dụng ít, trong khi người tìm việc lại nhiều, rồi có những công ty chỉ tuyển dụng nữ giới vào làm việc nên muốn làm công nhân thời buổi này cũng không dễ”, anh Toàn trải lòng.

Cần giải pháp để lao động trở lại sớm nhất

Theo con số của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, từ sau đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 đến nay, trung bình mỗi ngày đơn vị này và các điểm tiếp nhận 350 - 400 hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Để hỗ trợ người lao động, trung tâm tiếp tục thực hiện giải pháp tốt nhất và rút ngắn thời gian giải quyết. 

"Chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin và huy động thêm cán bộ để tập trung tối đa thực hiện các hoạt động tiếp nhận khai báo tình trạng thất nghiệp, tìm kiếm việc làm hàng tháng của người lao động, tư vấn cho người lao động, giao dịch việc làm. Đồng thời, duy trì xếp hàng qua ứng dụng để người lao động đặt chỗ trước khi đến giao dịch tại trung tâm. Các hoạt động khai báo tìm kiếm việc làm, nộp hồ sơ còn được trung tâm thực hiện qua email, zalo, bưu điện để hỗ trợ người lao động một cách nhanh nhất và tránh tiếp xúc", ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc trung tâm cho biết. 

Ông Thành cho biết thêm, hiện đơn vị vẫn duy trì các phiên giao dịch việc làm từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Mỗi tuần trên toàn hệ thống của trung tâm có từ 120 - 150 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tuyến và trực tiếp khoảng 2.000 vị trí việc làm. Các doanh nghiệp tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, giao nhận và các vị trí việc làm khác.

Bảo hiểm thất nghiệp chỉ có thể hỗ trợ người lao động trong một thời gian ngắn. Các sàn giao dịch việc làm cũng chỉ có thể hỗ trợ được một số lượng nhất định lao động tìm việc. Với cả triệu lao động đang chật vật vì việc làm do ảnh hưởng của COVID-19 hiện nay, giải pháp nào để giúp họ có thể trở lại thị trường lao động một cách sớm nhất? Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thì đây là giai đoạn để đề xuất trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo và đào tạo lại cho người lao động là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. 

PGS.TS Vũ Quang Thọ cho rằng, đội ngũ công nhân đa phần không được đào tạo bài bản. Chính vì thế khi dịch COVID-19 ập đến bất ngờ, khiến hàng triệu lao động mất việc, thất nghiệp không kịp trở tay. “Ngoài hỗ trợ đào tạo, các cơ quan dự báo thị trường lao động cũng nên lắng nghe tín hiệu của doanh nghiệp. Đây là điểm rất quan trọng, giúp cho người lao động biết được họ đang cần gì, cần kỹ năng nào, tại sao phải đào tạo lại, phải chuyển đổi”, PGS-TS Vũ Quang Thọ cho hay.

Cần phải thay đổi chính sách về thị trường lao động là đánh giá của TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội. Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, thị trường việc làm đang thay đổi một cách nhanh chóng dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi đó chính sách phát triển thị trường lao động vẫn chưa theo kịp. 

“Tôi thấy rất sốt ruột, các ngành thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến phát triển rất nhanh, trong khi lĩnh vực lao động việc làm chưa có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động. Chúng ta cần có một cuộc “cách mạng” về thị trường lao động, chính sách phát triển thị trường lao động hiện nay cũng cần đồng bộ hơn, để người lao động mất việc làm có cơ hội trở lại thị trường lao động sớm nhất, nhanh nhất”, TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá.

Phan Hoạt
.
.
.