Nhiều giáo viên nguy cơ mất việc vì không có bằng sư phạm

Thứ Tư, 19/08/2020, 07:04
Mới đây, hàng chục giáo viên tiểu học có nguy cơ mất việc vì… không có bằng sư phạm đã có đơn kêu cứu gửi đến ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhờ xem xét lại phương án tuyển đặc cách mà UBND TP Buôn Ma Thuột đã ban hành ngày 23-6-2020.

Theo đó, phương án của UBND TP Buôn Ma Thuột, nếu triển khai sẽ khiến hàng chục giáo viên đã ký hợp đồng trước thời điểm ngày 31-12-2015, có nộp bảo hiểm xã hội bị loại trong đợt xét tuyển đặc cách vào tháng 9-2020 tới.

Trao đổi với phóng viên, cô N.T.V., một giáo viên dạy môn tin học của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố cho biết, phần lớn các giáo viên trong trường dạy các môn tin học, thể dục thể thao… đều là cử nhân và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

“Ngày 3-6 vừa qua, Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT TP Buôn Ma Thuột gọi 46 giáo viên lên khuyên không nên nộp hồ sơ xét tuyển đặc cách vì… sẽ trượt ngay từ vòng gửi hồ sơ. Họ cũng khuyên chúng tôi cứ chấp nhận thân phận hợp đồng, chờ đợt thi tuyển mới vì nộp hồ sơ xét tuyển đặc cách cũng sẽ bị đánh rớt, sẽ bị thanh lý hợp đồng ngay vì không có bằng sư phạm”, cô V. bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 7-4-2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch xét tuyển đặc cách 2 vòng là kiểm tra hồ sơ, phỏng vấn năng lực. Đến ngày 23-6-2020, UBND TP Buôn Ma Thuột ban hành phương án xét tuyển đặc cách theo kế hoạch này của tỉnh. Theo phương án này, sẽ có 452 người có hợp đồng vị trí việc làm trước ngày 31-12-2015 đủ điều kiện xét tuyển đặc cách, bao gồm cả 46 giáo viên vừa phải viết đơn kêu cứu nêu trên.

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột xác nhận: 46 giáo viên vừa có đơn kêu cứu đều có đủ điều kiện tham gia tuyển đặc cách, có trình độ chuyên môn nhưng không đủ điều kiện xét tuyển vì… vướng quy định.

“Thực tế trước đây thành phố đã hợp đồng theo vị trí việc làm nhiều cử nhân tin học, mỹ thuật, tiếng Anh… để làm giáo viên tiểu học, với điều kiện phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định. Tuy nhiên, Thông tư 21 ngày 16-9-2015 của Bộ Nội vụ có quy định “cứng” là giáo viên tiểu học “phải có bằng sư phạm”. Thành phố đã đề nghị tỉnh về vấn đề này nhưng không được hồi đáp”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, trao đổi về vấn đề này, ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Các giáo viên tiểu học tại TP Buôn Ma Thuột không có bằng sư phạm có hợp đồng lao động trước 31-12-2015 không thuộc đối tượng xét đặc cách do vướng quy định Thông tư 21 của Bộ Nội vụ.

 “Quá trình thực tiễn cho thấy có nhiều bất cập trong lịch sử nhưng hiện Luật Giáo dục mới chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn nên việc tuyển dụng đặc cách phải áp dụng các thông tư hiện có. Vậy nên, Sở sẽ có văn bản yêu cầu các địa phương lập danh sách số giáo viên không có bằng sư phạm để báo cáo tỉnh trình Bộ Nội vụ xem có đặc cách cho những giáo viên có nhiều đóng góp này không.

Đồng thời yêu cầu các địa phương, nếu các giáo viên này có hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế thì không được thanh lý hợp đồng trong quá trình tỉnh đang xin ý kiến Bộ Nội vụ. Các giáo viên chưa được tuyển dụng đặc cách vẫn giảng dạy bình thường”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Văn Thành
.
.
.