Khó thực hiện được mục tiêu của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế

Thứ Năm, 18/05/2017, 09:11
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi Quốc hội: Từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đối tượng được tinh giản biên chế là 22.763 người. Với tốc độ và cách làm như hiện nay, việc tinh giản biên chế “rất khó” đạt mục tiêu đề ra.

Hầu như mới chỉ tinh giản được những người tự nguyện nghỉ

Trong tổng số biên chế được tinh giản, các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm đa số (14.791 người); tiếp đến là cán bộ, công chức cấp xã (4.086 người); các cơ quan hành chính (2.824 người); các cơ quan của Đảng, đoàn thể (944 người) và cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước (122 người).

Trong đó năm 2015, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người và 6 tháng đầu năm 2017 là 5.062 người. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, với tiến độ và cách làm như hiện nay thì “khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”.

Đến nay, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 6 tháng/lần).

Việc chưa xây dựng đồng bộ đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 khiến nhiều đơn vị không có phương án cụ thể ngay từ đầu, không xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản, dẫn đến tinh giản thụ động, hầu như mới chỉ thực hiện trên cơ sở nguyện vọng của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức.

Các đơn vị cũng mới chỉ tập trung tinh giản biên chế mà chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.

Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng theo trình tự quy định; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản (tính đến 15-8-2016, Bộ Nội vụ không đồng ý hoặc yêu cầu giải trình đối với 4.312 trường hợp).

Từ nay đến năm 2021, mỗi năm bộ, ngành, địa phương phải thực hiện giảm 1,5% đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Các cơ quan chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3%.

Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì phải tự cân đối trong tổng biên chế công chức hoặc biên chế sự nghiệp được giao (trừ trường hợp thành lập mới trường, tăng số lớp và tăng số học sinh, hoặc thành lập mới cơ sở y tế, tăng số giường bệnh mà không thể tự cân đối thì phải có đề xuất gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng quyết định).

Bộ Nội vụ đề xuất người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế; nếu không hoàn thành kế hoạch phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, Nhà nước.

Việc tinh giản biên chế được tiến hành chậm so với mục tiêu (ảnh minh họa).

Sẽ kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước

Về những lùm xùm trong bổ nhiệm cán bộ thời gian qua, Bộ Nội vụ cho biết, trong 2 tháng cuối năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, bộ này đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch tại các tỉnh: Cao Bằng, Hải Dương, Lai Châu, Tiền Giang và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tiến hành thanh tra đột xuất việc bổ nhiệm đề bạt cán bộ tại Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ và kiểm tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà tại 9 đơn vị.

Hiện tại, Bộ Nội vụ đang tiến hành 2 cuộc thanh tra theo kế hoạch tại tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre; kiểm tra việc bổ nhiệm số lượng cấp phó giám đốc sở tại Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ Nội vụ cho biết, qua thanh, kiểm tra “đã phát hiện và kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý những tồn tại, hạn chế, sai phạm”; “làm rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và có biện pháp xử lý đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan đến những tồn tại, hạn chế, sai phạm”. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ kết quả xử lý cũng như phát hiện vi phạm ở bộ, ngành, địa phương nào.

Được biết, để tăng cường hơn nữa số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra trong công tác tổ chức cán bộ, ngày 22-3-2017, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp.

Theo đó, trong năm 2017 và các năm tới, Bộ Nội vụ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tối thiểu 30% đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh hoặc đơn vị sự nghiệp.

Bộ Nội vụ cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tiền lương nhà nước triển khai xây dựng dự thảo Đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xem xét.                 

Đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị quyết xử lý cán bộ, công chức đã nghỉ hưu

Về việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức đã về hưu, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 224/TTr-BNV ngày 14-11-2016 trình Ban Cán sự đảng Chính phủ về việc này (nhất là việc xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và các quy định của pháp luật).

Triển khai nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, Bộ Nội vụ cho biết hiện dự thảo Nghị quyết đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

Vũ Hân
.
.
.