Khó chặn thực phẩm bẩn tại các chợ truyền thống
Chợ Phạm Văn Hai – một trong 4 chợ có mãi lực bán lẻ lớn của quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh với 200 sạp kinh doanh thực phẩm tươi sống và có trạm thú y đặt ngay tại chợ. Bà Trần Thị Thái Thanh, Phó Ban quản lý chợ cho biết, hằng ngày lượng thịt bò bán sỉ, lẻ và bỏ mối qua chợ này lên tới 8,5 tấn; thịt heo khoảng 1,5 tấn; trứng gà vịt gần 20 ngàn quả và thịt gà vịt chừng 500kg...
Tất cả lượng thịt và trứng này đều được thú y kiểm tra nhanh về vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn, khối lượng nhập trước khi cho phép đưa vào chợ. Mặc dù có lực lượng thú y chốt tại chợ, nhưng từ đầu năm tới nay cũng đã có 4-5 trường hợp kinh doanh gia súc, gia cầm tươi sống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được phát hiện và cũng đã có 2 trường hợp phát hiện, tịch thu tiêu hủy cả tấn thịt bò, heo bị bơm nước.
Lực lượng thú y chốt tại chợ, cũng chỉ kiểm soát được với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm. Còn lại các mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả tươi sống mỗi ngày lên đến cả tấn thì lực lượng thú y cũng đành bó tay. Để có thể truy xuất nguồn gốc, BQL chợ cũng chỉ có thể nhắc nhở, khuyến cáo tiểu thương giữ lại hóa đơn chứng từ mua bán hàng.
Thịt heo bày bán tại một chợ truyền thống. |
Những chợ khác không có lực lượng thú y chốt tại chợ, trừ những đợt cao điểm, một năm chỉ vài ba lần các đoàn kiểm tra liên ngành xuống kiểm tra về vệ sinh ATTP, còn lại chất lượng thực phẩm tươi sống hằng ngày cung cấp ra thị trường thế nào là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Ở địa bàn trọng điểm cung ứng thịt heo là Đồng Nai, cứ từ 2h sáng trở đi, dọc các tuyến đường trên địa bàn các phường như Long Bình, Tam Hòa, Tân Hòa, Trảng Dài… của TP Biên Hòa đã xuất hiện nhiều xe ba gác, xe gắn máy chở thịt heo phía sau đến bỏ mối cho các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố. Nhiều nhất là ở khu vực chợ Tam Hòa - đây được xem là chợ đầu mối về thịt heo.
Lượng thịt chở về chợ hằng đêm lên tới hàng chục tấn bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng chủ yếu là xe thô sơ, dùng chở thịt lâu ngày đã cáu bẩn. Sau khi tập trung về đây, các đầu mối bắt đầu lấy thịt đem đi tiêu thị tại những chợ khác ở Biên Hòa, Bình Dương và một số chợ ở TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng không phải toàn bộ thịt về đây đều được kiểm dịch hoặc có nguồn gốc rõ ràng.
Theo bà Võ Thị Sâm, Chủ nhiệm HTX Thanh niên - Trưởng BQL chợ Tam Hòa, trước tình hình phức tạp về nguồn thịt, BQL chợ đã phối hợp với Chi cục Thú y Đồng Nai, Trạm thú y Biên Hòa và Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn thường xuyên kiểm tra nguồn thịt đưa vào chợ.
Song việc kiểm tra, giám sát gặp khá nhiều khó khăn do chợ Tam Hòa cả 4 mặt đều là phố chợ, trong khi lực lượng chức năng thì không thể canh trực liên tục đêm này qua đêm khác và kéo dài nhiều giờ liền. Vì thế nhiều đầu mối đã lợi dụng để chở nguồn heo chưa qua kiểm dịch với giá nhập vào chỉ bằng một nửa so với giá thịt heo đã được kiểm dịch để trà trộn với thịt đã được kiểm dịch.
Giải pháp chống thịt bẩn vào chợ vẫn là một bài toán nan giải. Với trên 100 tiểu thương chuyên bán thịt heo tại chợ Biên Hòa, hằng ngày lượng thịt heo nhập về chợ khoảng 4 tấn. Do chợ chỉ có một lối vào, mỗi đêm BQL chợ lại cử 2 nhân viên phối hợp cùng một cán bộ của Trạm thú y Biên Hòa kiểm tra nguồn thịt vào chợ nên lượng thịt nhập về đây được kiểm soát khá chặt chẽ.
Nhưng để đối phó với cách kiểm soát này, một số tiểu thương nhập thịt không rõ nguồn gốc về nhà mình sau đó để người thân trong gia đình dùng 2 đến 3 làn nhựa ngụy trang như người đi chợ lần lượt xách thịt chưa qua kiểm dịch vào chợ để trà trộn chung vào với thịt đã được kiểm dịch để bán. Theo ông Đặng Viết Liêm, Phó BQL chợ Biên Hòa, với cách đối phó này BQL chợ rất khó kiểm soát. Nếu có kiểm tra thực tế lượng thịt bày bán cũng không đủ chuyên môn để xác định đó có phải là thịt “bẩn” hay không.
Ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng Trạm thý y Biên Hòa cho hay, mặc dù trạm cũng đã tăng cường phối hợp với các BQL chợ truyền thống để ngăn chặn nguồn thịt không rõ nguồn gốc vào chợ ngay từ đầu, nhưng do lực lượng quá mỏng nên không thể rải hết các chợ trên địa bàn. Hơn nữa, với các hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của nhiều tiểu thương trong việc đối phó với cơ quan chức năng nên một mình ngành Thú y cũng rất khó kiểm soát được triệt để vấn đề này.
Thực tế hiện nay các BQL chợ cũng khó trong việc xử lý khi phát hiện vi phạm. Khi chắc chắn phát hiện thịt “bẩn”, BQL chợ cũng chỉ có thể lập biên bản rồi giao cho địa phương tiêu hủy và xử phạt hành chính tiểu thương. Trong khi đó việc thành lập cả một ban bệ để tiêu hủy 10 hoặc 20kg thịt là điều mà chính quyền các phường xã e ngại, thậm chí không muốn làm. Vì thế tình trạng lén lút trà trộn thịt bẩn vào chợ truyền thống ở Biên Hòa vẫn tái diễn.