Khai thác hải sản, uy hiếp an toàn cảng biển Chân Mây

Thứ Hai, 04/04/2016, 08:25
Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng ngư dân đặt đáy, rớ đánh bắt tôm hùm trái phép trong khu vực cảng Chân Mây (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) lại tái diễn; uy hiếp đến an toàn các tàu ra vào cảng, đặc biệt đối với tàu có tải trọng lớn…

Cảng quốc tế Chân Mây, thuộc địa bàn xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, là cảng biển tổng hợp phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ ở khu vực miền Trung; hằng năm, đón hàng ngàn lượt tàu du lịch, tàu chở hàng trong và ngoài nước cập cảng. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch hằng năm, luồn, lạch ra vào cảng thường bị ngư dân xâm lấn đặt đáy, rớ đánh bắt tôm hùm bông.

Ngư dân đánh bắt tôm hùm trái phép ở khu vực cảng Chân Mây.

“Mỗi ngày, cứ vào khoảng 17h, ngư dân lại chèo thuyền thúng ra khu vực cảng Chân Mây để đặt đáy, rớ đánh bắt tôm hùm bông. Do loại tôm hùm có giá trị kinh tế cao, mang lại lợi nhuận lớn nên họ bất chấp vi phạm quy định, đặt đáy, rớ trên các luồng lạch, khiến tàu thuyền ra vào cảng gặp rất nhiều khó khăn”, ông Trần Văn Phong, Phó Giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây, bày tỏ.

Tính đến nay, đã có trên 60 trường hợp tàu, thuyền ra vào cảng Chân Mây gặp sự cố do vướng đáy, rớ bắt tôm hùm của ngư dân. Ông Phong nêu dẫn chứng, cách đây không lâu, tàu du lịch quốc tế Clipper Odyssey, mang quốc tịch Bahamas, chở theo 132 khách du lịch cập cảng Chân Mây, khi vào gần đến cảng thì vướng phải đáy, rớ làm tàu trễ hành trình nhiều giờ. Trước đó, trong lúc lai dắt tàu Oji Newcetury, quốc tịch Panama, tải trọng 43.906 DWT, chở gỗ dăm rời cảng thì tàu Chân Mây 1 bị lưới của ngư dân cuốn vào chân vịt. Do sóng to cộng với gió biển cấp 11 khiến tàu Oji Newcetury va đập mạnh vào cầu cảng làm hư hỏng, nước tràn vào khoang hàng gây thiệt hại lớn...

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thừa nhận, tình trạng đánh bắt tôm hùm, kể cả tôm hùm giống của ngư dân trên khu vực cảng Chân Mây đã diễn ra suốt hơn 5 năm qua; chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.

“Hiện địa bàn xã có khoảng 100 hộ dân sống ở thôn Phú Hải và các thôn lân cận thường xuyên tham gia đặt đáy, rớ bắt tôm hùm ở khu vực cảng Chân Mây, gây cản trở hoạt động ra vào của tàu thuyền. Đặc biệt, vào những lúc mưa bão, nhiều ngư dân còn bất chấp nguy hiểm chèo thúng, thuyền ra đặt bẫy tôm hùm”, ông Minh cho biết thêm.

Trước tình hình mất an toàn giao thông (ATGT) hàng hải ở khu vực cảng Chân Mây, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều công văn, văn bản để yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Thiếu tá Dương Chí Hiếu, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ tháng 11-2015 đến cuối tháng 3-2016, lực lượng đơn vị đã phối hợp với Thủy đoàn 2, Cục CSGT, bố trí 900 lượt CBCS và 200 lượt tàu, ca nô tổ chức tuần tra, kiểm soát luồng hàng hải, đón dẫn an toàn 132 chuyến tàu, trong đó có 107 tàu hàng, 25 tàu du lịch với 60.000 lượt khách ra vào cảng Chân Mây. Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền đến 232 hộ dân ở xã Lộc Vĩnh tự thu dọn đáy rớ đặt trái phép; giải tỏa 200 ngư lưới cụ ở khu vực luồng và vùng quay tàu của cảng.

Đặc biệt, đã cảnh cáo 41 trường hợp và chuyển 18 trường hợp vi phạm đến Công an huyện Phú Lộc xử lý… Tuy nhiên, theo ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế, mặc dù các đơn vị chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý, song đến nay, vấn nạn đánh bắt tôm hùm trái phép trong khu vực cảng Chân Mây vẫn chưa chấm dứt, còn đe dọa an toàn hàng hải ở khu vực cảng.

Vì thế, Ban ATGT đã yêu cầu Cảng vụ hàng hải Thừa Thiên - Huế cần tăng cường phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây... xử lý triệt để tình trạng đặt đáy, rớ xâm lấn luồng tàu, để đảm bảo an toàn cho các tàu hàng và tàu du lịch trong nước và quốc tế ra vào cảng...

Anh Khoa
.
.
.