Người dân òa khóc tiễn đưa các hiệp sĩ về quê
- Máu đã đổ nhưng các "hiệp sĩ" không bao giờ chùn bước trước cái ác
- Chia sẻ nỗi đau cùng các hiệp sĩ tử thương trong vụ bắt nhóm trộm
- Nghẹn ngào trước sự ra đi dũng cảm của các "hiệp sĩ"
Trước khi trở thành hiệp sĩ, các anh cũng chỉ là người dân bình thường, người sửa xe gắn máy, người chạy xe ôm, người bán mũ bảo hiểm, người trẻ nhất hiện đang học năm thứ 4 Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Đa số họ còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, chạy lo từng miếng ăn hằng ngày nhưng hằng đêm vẫn dành thời gian tuần tra trên các cung đường, cùng lực lượng Công an truy bắt bọn tội phạm.
Các anh lo cho cuộc sống của người dân mà có lúc quên bản thân mình. Khó khăn là vậy nhưng các anh vẫn hừng hực khí thế, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, truy đuổi bọn tội phạm đến cùng. Mỗi lần bắt được đối tượng trộm, cướp như là một niềm vui bởi thành phố sẽ bớt được nhiều đối tượng tội phạm, người dân được bình yên vui sống.
Anh Trần Văn Hoàng (52 tuổi), đội trưởng Đội Hiệp sĩ quận Tân Bình có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hằng ngày anh vừa chạy xe ôm vừa phụ vợ bán mũ bảo hiểm ở góc đường Trường Chinh – Trương Công Định, phường 13, quận Tân Bình để kiếm sống. Có lúc đang chạy xe chở khách nhưng khi thấy cướp, anh không ngần ngại nói khéo khách đi xe khác để anh có thời gian đuổi theo bọn cướp.
Một lần khác, vào năm 1995 khi anh Hoàng đang chở vợ con đi đám cưới, đến giữa đường nghe người dân tri hô “cướp…cướp”. Quay sang, thấy một cô gái bị 2 thanh niên chạy xe phân khối lớn ép sát vào lề rồi giật sợi dây chuyền, anh Hoàng liền bảo vợ tạm thời đứng ở lề đường chờ để truy đuổi tên cướp. Sau khi tóm được đối tượng, anh mới nhớ mình đang để vợ đứng chờ.
Dù hơi thở vẫn còn yếu nhưng anh Hoàng vẫn mong sớm bình phục để cùng đồng đội dạo trên đường bắt tội phạm |
Có lúc, những người trong gia đình nghe thấy lời đe dọa từ các nhóm tụ tập ăn chơi lêu lỏng gây ảnh hưởng đến tính mạng của anh Hoàng, khuyên anh bỏ nghề hiệp sĩ nhưng có lẽ chuyện bắt cướp đã ăn vào máu nên anh chỉ im lặng rồi lựa lời giải thích sau đó.
Mỗi lần bắt cướp được cơ quan chức năng khen thưởng, cầm tờ giấy khen với 300 ngàn tiền thưởng anh phấn khởi lắm, số tiền khen thưởng không đáng là bao nhưng anh Hoàng cảm nhận đây là động lực giúp anh càng hăng say thêm với nghề hiệp sĩ.
Nghe tin anh Hoàng truy bắt cướp vào đêm 13-5 và bị đối tượng trong nhóm cướp đâm trọng thương phải đưa vào Bệnh viện 115 cấp cứu với tình trạng vết thương quá nặng, ruột lòi ra ngoài, rách màng tim và rách màng phổi cần phải phẫu thuật kịp thời, những người trong gia đình anh rất lo lắng chỉ mong sao anh qua khỏi cơn nguy kịch sớm bình phục về với gia đình.
Mê say con đường hiệp sĩ từ nhỏ, đôi bạn thân Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy (cùng 22 tuổi, quê Đồng Nai) khi lên học đại học tại TP Hồ Chí Minh đã tham gia vào đội hiệp sĩ. Ngoài thời gian đi học, thứ Bảy, Chủ Nhật, Quý và Huy cùng đồng đội của mình đi dạo những con đường của thành phố, khi phát hiện bọn trộm cướp hay được gọi điện thoại hỗ trợ truy bắt bọn cướp, họ không ngần ngại đuổi theo truy bắt.
Sự việc vào đêm 13-5, Quý và Huy đang chạy xe dạo chơi thì được điện thoại của các anh em trong đội hiệp sĩ hỗ trợ bắt nhóm trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cả 2 đã rất nhanh chạy tới hiện trường hỗ trợ cùng đồng đội. Trong lúc đang giằng co thì Quý và Huy bị một tên trong nhóm trộm từ phía sau dùng hung khí đâm trọng thương phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Rất may các anh được các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu kịp thời nên tình trạng sức khỏe cũng bình phục nhanh.
Anh Quý và anh Huy chỉ mong sức khỏe sớm phục hồi để ra đường bắt cướp chống tội phạm |
Là người con của đất võ Bình Định nhưng cuộc sống của gia đình hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi) lại không được ấm no như bao người khác. Rời quê, vợ chồng anh cùng con trai vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, anh Thôi hằng ngày chạy xe ôm để mưu sinh. Một thời gian sau, anh gia nhập vào đội hiệp sĩ cùng với anh em trong đội hằng đêm đi tuần tra truy bắt tội phạm trên các tuyến đường của thành phố.
Nhiều đêm đi bắt cướp là nhiều đêm chị Dung vợ anh Thôi không khỏi lo lắng, nhiều lần chị khuyên anh bỏ nghề bắt cướp vì quá nguy hiểm nhưng anh quyết định không chịu. Mỗi lần tưởng tượng cảnh chồng chạy xe với tốc độ cao bắt cướp là chị lại lo lắng, không biết khi nào có chuyện gì sẽ xảy ra, đến giờ đã xảy ra thật, đau xót lắm nhưng biết làm sao được, chị Dung ngậm ngùi cho biết.
Chị Dung cho biết, vợ chồng chị chỉ mới chia tay mấy tháng nhưng anh Thôi vẫn hằng ngày qua đưa đón con đi học, hỏi thăm, dẫn bé đi chơi, nhưng giờ anh Thôi đã đi rồi… nói đến đây chị không thể cầm được nước mắt.
Nhiều người dân, đồng đội của Nam vẫn dõi theo xe đưa linh cữu đưa đồng đội của mình về quê nhà yên nghỉ |
Chị Trang nghẹn ngào khi ngồi bên linh cữu của hiệp sĩ Nam |
Đến với đội hiệp sĩ là một niềm vui, chỉ mong sao người dân được yên bình, anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi) gia nhập nhóm hiệp sĩ với mong muốn giúp sức cho đời đẹp hơn. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng anh vẫn hằng đêm săn lùng truy bắt trộm, cướp cùng đồng đội. Khi nhìn thấy người anh em trong đội hiệp sĩ ngã xuống, không ai có thể kiềm nén được nước mắt. Hơn thế nữa, nghĩ đến hoàn cảnh của hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, quê Đồng Nai) nhiều người nghẹn ngào tiếng khóc.
Chị Trang - người vợ chưa cưới của anh Nam đã không kiềm được nước mắt khi nghe tin anh đã mãi ra đi khi truy bắt nhóm trộm. Đôi bạn trẻ đã chọn được ngày lành để kết hôn, dự tính là vậy nhưng chị Trang không tin vào mắt mình, chị Trang đã khóc ngất khi nhìn thấy quan tài của Nam được đưa ra từ Trung tâm Pháp y để di chuyển về quê nhà an táng.
Hàng trăm người đang đứng chờ trước cổng Trung tâm Pháp y dâng trào nước mắt, nhìn Trang bên linh cữu của người chồng chưa cưới khóc nức nở mà lòng nghẹn ngào. Các anh sẽ là tấm gương cho những người ở lại với một tinh thần cao cả cùng góp xây một xã hội yên bình, an ninh mong sao không còn bóng dáng tội phạm ngoài xã hội.