Hạnh phúc từ những cây cầu mới

Thứ Hai, 26/04/2021, 07:54
Từ chỗ chỉ xe đạp, xe máy và người đi bộ có thể qua cầu và mưa 1 ngày là hoàn toàn bị chia cắt, sau khi cầu Dinh, cầu Hiếu, cầu Khe Tọ ở Nghệ An đi vào hoạt động, ô tô có thể thoải mái tránh nhau. Giao thông thuận tiện cũng giúp thu nhập của người dân ổn định hơn khi mà các sản phẩm nông nghiệp có cơ hội để tăng sức tiêu thụ.

Là một trong 10 huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, nằm trên giao lộ của nhiều tuyến giao thông quan trọng, có nền kinh tế - xã hội phát triển, những năm gần đây, Nghĩa Đàn đang cố gắng vươn lên để trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội có tác dụng thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh Nghệ An. Để có thể hoàn thành được mục tiêu này, việc quan trọng nhất là xây dựng hệ thống giao thông phù hợp và hiệu quả. Và cầu Dinh, cầu Hiếu, cầu Khe Tọ là những thành công bước đầu, giúp kết nối vùng miền và mang lại cho người dân một cuộc sống ổn định, yên bình, an toàn hơn.

Cầu Dinh cũ (ảnh nhỏ) và cầu Dinh mới.

Nằm trên quốc lộ QL48E thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, cầu Dinh bắc qua sông Dinh bắt nguồn từ các phụ lưu, chảy hướng Đông đổ về sông Hiếu. Còn cầu Hiếu thì thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng và xã Nghĩa Thịnh, bắc qua sông Hiếu và là một chi lưu phía tả nhập vào sông Cả ở đoạn trung lưu tại ngã ba cây Chanh. Tuy nằm ở vị trí địa lý trọng yếu nhưng cả hai cây cầu cũ này đều là cầu tràn, làm bằng dầm thép tạm, bề ngang hẹp, bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Phan Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết, việc thay thế hai cầu tràn cũ đã giúp cho bà con khu vực cầu không bị chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ, đặc biệt là bà con ở xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn và Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp. 

“Cứ mỗi năm, nếu vào mùa mưa, người dân xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn bị lũ chia cắt từ 4-5 ngày, có đợt cao điểm lên tới hàng chục ngày. Thiệt hại nhất là về kinh tế, thu hoạch mùa màng, đặc biệt là mía thu hoạch xong không vận chuyển được về nhà máy, rồi hoa màu cũng không bán được. Cây cầu mới đã giải quyết cơ bản nỗi lo về con em đi học, giao thương, vấn đề vận chuyển nông sản…”, ông Phan Văn Bình nói và cho biết thêm rằng, việc xây dựng cầu Dinh và cầu Hiếu tạo ra kết nối giữa đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 48, thúc đẩy kết nối thông thương khu vực kinh tế mới nổi, năng động đang phát triển phía Tây Bắc của thị xã Thái Hòa, giúp cho việc vận chuyển hàng nông sản trong khu vực của các xã huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp đi về các huyện lân cận trong tỉnh Nghệ An cũng như các tỉnh phía Bắc thuận lợi hơn.

Cầu Hiếu mới ở trên, phía dưới là cầu Hiếu cũ.

Cụ thể, như lời của ông Đinh Thế Hiển, Chủ tịch xã Nghĩa Hưng, từ khi có cầu mới, nông sản, dịch vụ thông thương thường xuyên, không bị ách tắc. Xã Nghĩa Hưng có 6.600 dân, trong đó 1.600 hộ trồng rừng, chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là gà và trồng mía. Nhờ thông thương, có hộ gia đình sau 4-5 tháng thu nhập lên đến 100 triệu đồng (đã trừ các chi phí).

Chưa hết, sau khi hoàn thành, cầu Dinh và cầu Hiếu còn tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nông nghiệp sạch để phục vụ cho Nhà máy sữa TH, giúp làng Găng - làng nghề mật mía - có cơ hội ngày càng phát triển. Hiện nay, trong chương trình phát triển kinh tế, UBND huyện Nghĩa Đàn đang kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản sạch khoảng 20ha gần cầu Hiếu.

Cách đó không xa, cũng nằm trong Dự án nâng cấp cầu yếu trên các tuyến quốc lộ do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện tại Việt Nam gồm hai giai đoạn, thực hiện trong vòng 17 năm, kết thúc vào 2020 với 242 cây cầu được xây dựng, cầu Khe Tọ mới đã đem lại niềm vui cho người dân xung quanh.

Cầu Khe Tọ cũ.

Trước đây, khi chưa hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh chạy phía Tây của Nghệ An thì tuyến quốc lộ 15 đi qua cầu Khe Tọ là con đường duy nhất cho toàn bộ dân cư của các xã Nghĩa Quang, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh... đi ra thị trấn Nghĩa Đàn và từ đó mới có thể xuôi theo quốc lộ 48 ra quốc lộ 1 để đi Vinh hoặc ra các tỉnh khác.

Mùa mưa bão, toàn bộ dân cư của các xã thường xuyên bị cô lập. Nhiều khi vì nhu cầu công việc cấp bách như đau ốm, cấp cứu, việc đột xuất, học sinh đi học... mà nhiều người dân bất chấp nguy hiểm vượt qua ngầm lúc đang ngập lụt và gặp nhiều tai nạn thương tâm, mất mát về người. Nhưng từ năm 2012, khi cầu mới được hoàn thành, đời sống người dân trở nên khấm khá hơn.

Chị Nguyễn Thị Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Phong, thị xã Thái Hoà, nhớ lại: “Vị trí cầu Khe Tọ cũ nằm rất thấp và tại điểm thắt hẹp của hai khe núi nên trước đây, chỉ cần lượng mưa nhỏ đã đủ làm cản trở và gián đoạn hoàn toàn giao thông. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, cầu thường xuyên, liên tục bị ngập, nước chảy rất xiết nên luôn có thiệt hại về người. Đời sống kinh tế của người dân vì thế cũng bị ảnh hưởng, chỉ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún. Nhưng giờ dân cư địa bàn có 2 làng nghề sản xuất mộc và mật”.

Cầu Khe Tọ mới rộng rãi.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, thu nhập tính theo đầu người ở thị xã Thái Hoà vào năm 2012 - năm cầu vừa hoàn thành là 16 triệu đồng/người, và 8 năm sau khi có cầu mới là 27,7 triệu đồng. Nhiều hộ có tới 26ha trồng cam, thu nhập cả tỉ đồng một năm.

Tiếp lời Phó Chủ tịch UBND phường Quang Phong, bà Lê Thị Bình khẳng định, người dân đã được hưởng lợi rất nhiều kể từ khi các cây cầu mới ở huyện Nghĩa Đàn được đưa vào sử dụng. “Như ở xã tôi, người dân đang phát triển chăn nuôi gia cầm số lượng lớn. Giao thông thuận tiện rồi thì đầu ra cho gia cầm cũng dễ dàng hơn”.

Còn như ông Bùi Xuân Quý, 59 tuổi, nói thì cầu mới không chỉ thuận tiện, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, mà còn hỗ trợ nhiều cho công tác khám, chữa trị bệnh. “Trước đây người dân có đau ốm rất khốn khổ, gặp mùa lũ phải thuê xuồng đi cấp cứu. Nhưng nay, chỉ cần có vấn đề về sức khoẻ, dân các xã ở Nghĩa Đàn có thể gọi xe cấp cứu. Con cháu chúng tôi đi làm xa cũng yên tâm hơn, không phải lo lắng cho người thân ở quê mỗi khi mùa lũ về”, ông Bùi Xuân Quý chia sẻ.

S.Thương
.
.
.