Hàng nghìn công nhân thủy lợi Hà Nội bị nợ lương 2 năm
- Tạm ứng ngân sách để giải quyết nợ lương cán bộ cấp xã
- Làm rõ việc nợ lương khi thi công cao tốc Nội Bài - Lào Cai
- Hàng trăm ngàn lao động bị nợ lương và không có thưởng Tết
- Hà Nội không để xảy ra tình trạng nợ lương, phụ cấp
Bất cập chính sách
Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thừa nhận, cả 5 công ty thủy lợi trên địa bàn Hà Nội đều đang rơi vào tình trạng nợ lương công nhân 2 năm nay. Và, hiện đã không còn khả năng chi trả. Nguyên nhân theo lãnh đạo Sở này là năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã mời kiểm toán vào thanh kiểm tra, phát hiện một số công ty có chi phí chưa phù hợp nên phải điều chỉnh.
Nhưng lý do cốt lõi là chính sách Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp thủy lợi không đồng bộ. Những năm trước nguồn tài chính doanh nghiệp đến từ thủy lợi phí và khoản cấp bù phần thủy lợi phí không đủ qua định mức kinh tế kỹ thuật được thành phố duyệt.
Từ năm 2016, theo Thông tư 280 của Bộ Tài chính, thủy lợi phí được chuyển sang giá và áp dụng mức giá được ban hành từ năm 2012, trong khi chi phí đầu vào như tiền lương, điện... đều tăng. Việc áp dụng chính sách mới này đã làm giảm 50% nguồn thu của các công ty thủy lợi. Cùng với đó, nhiều đơn vị đã phải hoàn lại các khoản chi chưa đúng quy định trước đó khiến khó khăn càng thêm khó.
Ông Doãn Văn Kính, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy thông tin, năm 2016, do TP Hà Nội thay đổi cơ chế xác định kinh phí đặt hàng, đồng thời giảm trừ kinh phí đặt hàng năm 2015 theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, quỹ tiền lương thực hiện năm 2016 giảm đáng kể (chỉ bằng khoảng 45% quỹ tiền lương năm 2014). Công ty mới tạm ứng tiền lương năm 2016 đến hết tháng 11 với mức bình quân 3 triệu đồng/người nhưng mức chi này vẫn cao, nhiều lao động sẽ bị truy thu tiền lương. Còn trước đó, năm 2013 đã truy thu 5% và năm 2014 đã truy thu 10% tổng số lương cả năm.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Sông Đáy nợ tiền điện gần 30 tỷ đồng, nợ BHXH khoảng 3 tỷ đồng và chưa quyết toán tiền lương năm 2016 đối với cán bộ công nhân viên.. Do quỹ tiền lương cạn kiệt, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2017, công ty không có nguồn để trả lương công nhân. Các chế độ chính sách cho người lao động đều không thực hiện đúng quy định.
Hàng nghìn công nhân thủy lợi Hà Nội bị “treo” lương 2 năm qua. |
“Cầu cứu” Thủ tướng
Để có thể cầm cự cuộc sống qua ngày, nhiều công nhân thủy lợi phải cầm cố, vay nợ để có tiền trang trải sinh hoạt. Và, tình trạng này cũng đang diễn ra tại khắp các công ty thủy lợi khác như thủy lợi Sông Nhuệ, Sông Tích, Mê Linh.
Ông Nguyễn Quốc Hội, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ bày tỏ, từ đầu năm 2017, từ giám đốc trở xuống, mỗi người chỉ được tạm ứng 2 triệu đồng. Chỉ riêng tiền điện đã nợ khoảng 50 tỷ đồng và có khả năng không thể cân đối kinh phí thanh toán cho phía điện lực.
Hiện TP Hà Nội đang đặt hàng dịch vụ tạm thời cho 5 công ty thủy nông trên địa bàn dựa theo Thông tư 280 (quy định về giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi) của Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017). Theo đó, kinh phí đặt hàng cho công ty bị cắt giảm tới gần 60% (so với năm 2015), từ 200 tỷ đồng xuống 93 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Hội, điều này rất khó để áp dụng. Cụ thể như, mức lương cơ sở của khu vực hành chính sự nghiệp năm 2017 là 1,3 triệu đồng. Nếu nhân với bậc kỹ sư khởi điểm là 2,34 thì công ty đã mất ít nhất 55 tỷ đồng và 14 tỷ đồng tiền đóng BHXH. Hai khoản trên cộng với tiền điện (33 tỷ đồng) thì tổng chi phí đã lên tới 102 tỷ đồng.
Còn ông Đặng Tuấn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích, chia sẻ: Trong 5 năm từ 2012 đến 2017, lương cơ sở tăng 57% (từ 830.000 đồng lên 1,3 triệu đồng). Mức đóng BHXH tăng từ 22% lên 24%, lương vùng tối thiểu (vùng I) tăng từ 2 triệu đồng lên 3,750 triệu đồng, do đó mức đóng bảo hiểm thực tế tăng 40%. Nguyên vật liệu cũng tăng từ 15 – 20%, tiền điện tăng 48%, các vật giá khác cũng tăng theo. Nhưng giá dịch vụ thủy lợi lại đứng yên suốt 5 năm qua là phản khoa học, không đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ trên thực tế.
Theo tìm hiểu, sau khi có kết quả kiểm toán năm 2015, UBND TP Hà Nội đã giảm trừ cấp phát chi phí đặt hàng năm 2015 tổng cộng khoảng 100 tỷ đồng với các công ty thủy nông. Năm 2016, UBND TP Hà Nội chỉ có quyết định tạm thời đặt hàng năm 2016 bằng với mức chi phí cấp bù miễn, giảm thủy lợi phí (bằng 40% giá trị đặt hàng so với năm 2014), dẫn đến việc công nhân thủy nông bị nợ lương.
Từ ngày 31-12-2016, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có Quyết định 3042 về việc phân bổ dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2017 với số tiền 120 tỷ đồng. Nhưng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay Nhà nước đang thực hiện chính sách miễn, giảm thủy lợi phí theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP. Trong khi đó, Luật Giá ban hành năm 2012 chưa tính đến đặc thù của dịch vụ thủy lợi và giá dịch vụ thủy lợi cũng chưa nêu rõ nội dung trợ giá, miễn, giảm tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi cho người dân.
Do vậy, thành phố không biết chi phí giá dịch vụ thủy lợi này sẽ được các tổ chức, cá nhân sử dụng nước chi trả hay Nhà nước cấp ngân sách. Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 280/2016/TT-BTC quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Nếu chiếu mức giá trần dịch vụ thủy lợi như Thông tư 280/2016/TT-BTC, thì giá trị đặt hàng tối đa của thành phố Hà Nội chỉ khoảng 330 tỷ đồng (thấp hơn 220 tỷ đồng so với giá trị đặt hàng theo đơn giá của TP Hà Nội).
Từ những bất cập trên được biết, 5 công ty thủy nông đã đề nghị liên Bộ NN&PTNT và Tài chính nghiên cứu xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng đơn giá tối đa dịch vụ thủy lợi theo Thông tư 280 tăng 30% và bổ sung đơn giá tiêu úng cho diện tích phi nông nghiệp bằng 30% đơn giá tiêu cho cấy lúa. Đồng thời, cho các công ty thủy nông thực hiện trích 5% tổng kinh phí để làm quỹ phúc lợi xã hội và khen thưởng.