Hạn hán và sạt lở nghiêm trọng ở Bình Thuận
- Vị đắng thanh long Bình Thuận
- Hạn hán ở Trung Bộ có thể kéo dài tới tháng 9
- Không để dân khát, dân đói vì hạn hán
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Thuận: Hiện toàn tỉnh có trên 90.000 nhân khẩu thiếu nước ngọt sinh hoạt, nghiêm trọng nhất là huyện Hàm Tân có khoảng 40.000 người thiếu nước sinh hoạt ở các xã: Thắng Hải, Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Đức, Tân Minh, Tân Phúc, Tân Nghĩa, Tân Hà, Tân Xuân, Sông Phan…
Hàng ngày, người dân nơi đây phải mua nước uống với giá từ 80 - 100 ngàn đồng/m³ và dự báo giá nước sẽ tăng cao hơn trong những ngày tới. Tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân đã xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Tại thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, đồng bào dân tộc Chăm từ sáng sớm đã phải kéo nhau đi gần 3 cây số đến kênh chính hồ Sông Quao để lấy nước về trữ. Từ tháng 12-2015 đến nay, nước máy cung cấp cho bà con trong vùng đã cúp.
Nhiều khu vực ở tỉnh Bình Thuận bị thiệt hại nặng nề do biển xâm thực. |
Bà Thông Thị Sanh kêu than: Nhà có 7 khẩu, trung bình mỗi ngày xài khoảng 2 bình nước (40 lít nước) chỉ để uống và nấu ăn với giá khoảng 25.000 đồng, tắm giặt chủ yếu đi lấy nước từ kênh chính Sông Quao. Thôn Lâm Thuận có 235 hộ mắc thủy kế nước sinh hoạt đạt 100%, nhưng từ trước Tết đã ngưng hoạt động. Các giếng nước công cộng cũng cạn kiệt mạch nước, nhiễm phèn nặng không thể sử dụng nên người dân phải mua nước ngọt uống và lấy nước kênh Sông Quao về sử dụng sinh hoạt.
Tình trạng này cũng diễn ra tại các thôn Phú Sơn, Phú Điền của xã Hàm Phú. Thiếu nước uống, đàn gia súc cũng đã làm nước kênh thủy lợi đục ngầu, giếng đào cạn kiệt nước tưới hoa màu, thanh long, còn nước uống hầu như người dân phải mua.
Ông Đoàn Thanh Tân - Cụm trưởng Cụm cấp nước Hàm Thuận Bắc cho biết: Cuối năm 2015, Cụm cấp nước Hàm Thuận Bắc tiếp tục đầu tư, nâng công suất cấp nước từ 4.400m³/ngày lên 5.600m³/ngày, phục vụ cho nhân dân 6 xã và thị trấn Ma Lâm với 8.000 đồng hồ thủy kế, tổng chiều dài đường ống chính 200km. Những tháng mùa khô này, Cụm hoạt động hết công suất 5.600m³/ngày nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Để chủ động nguồn nước phục vụ cho vụ lúa đông xuân diện tích 18.748ha – đã cắt giảm không bố trí sản xuất 15.423ha do không đủ nước tưới và phục vụ nước sinh hoạt mùa khô cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra…
Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí chống hạn (đợt 2) khoảng 199,33 tỷ đồng. Đối phó với tình hình hạn hán trên diện rộng, UBND huyện Hàm Tân đã khẩn trương cấp tạm ứng ngân sách cho các xã, thị trấn nguồn kinh phí hỗ trợ người dân cũng như phục vụ khoan, đào giếng mới, mua bồn chứa nước…
Theo đó, cấp tạm ứng ngân sách (đợt 1) hơn 688 triệu đồng, hỗ trợ tiền cho người dân khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ưu tiên cho đối tượng nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. UBND huyện Hàm Tân cũng đã cấp tạm ứng ngân sách cho các xã, thị trấn hơn 1,3 tỷ đồng để khoan giếng, mua bồn 2.000 lít chứa nước sinh hoạt công cộng cho bà con. Nhiều xã còn đầu tư bồn chứa nước lớn, huyện trợ cấp kinh phí vận chuyển nước ngọt để cung cấp cho bà con giá 20.000đ/m³.
Bên cạnh đó, huyện Hàm Tân đang tích cực phối hợp các ngành chức năng triển khai quyết liệt các dự án “nối mạng” nước sạch từ hồ Sông Dinh 3. Đây chính là giải pháp căn cơ giúp địa phương ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán trên địa bàn, thực hiện mục tiêu “không để người dân nào bị thiếu đói, bệnh tật do thiếu nước sinh hoạt”.
Tình hình khô hạn thiếu hụt nước nghiêm trọng cho sinh hoạt và tưới cây trồng, sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận đang diễn ra gay gắt tại các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong… thì tại bờ biển thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, TX La Gi và TP Phan Thiết cũng đang xảy ra tình trạng biển xâm thực các khu dân cư gây sạt lở đang ngày càng nghiêm trọng.
Từ 2013 đến nay, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết sạt lở làm sập hoàn toàn 81 căn nhà, riêng tháng 1-2016 triều cường đã nhấn chìm 18 căn nhà và sạt lở hơn 1.000m bờ biển Tiến Thành. Phường Đức Long cũng có 10 căn nhà xây cấp 4 bị sập, 120 hộ bị uy hiếp và phải di dời 12 hộ, bờ biển bị sạt lở 100m, giá trị thiệt hại ước tính hơn 3 tỷ đồng.
Người dân và chính quyền đã sử dụng hơn 50.000 bao cát, cọc gỗ… để gia cố 700m bờ biển, chống chọi lại sóng biển và triều cường bảo vệ những ngôi nhà còn lại nhưng không thể được trước sức mạnh và sự hung hãn của thiên nhiên.
Dự báo mùa mưa năm nay sẽ đến muộn, ảnh hưởng El Nino làm hạn hán kéo dài, người dân Bình Thuận đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về sản xuất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt.