Những chiêu bịp giảm béo thần tốc

Chủ Nhật, 01/12/2019, 09:05
Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, BV Đại học Y Hà Nội, các spa nói với khách giảm mỡ bụng bằng đánh mỡ, tiêm tinh chất, sau đó đi tiểu ra mỡ là hoang đường, bởi màng lọc ở thận không bao giờ mỡ đi qua được...


Bài cuối:  Cần thêm công cụ pháp lý để xử lý nghiêm

Các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh “chui” lồng vào dịch vụ thẩm mỹ diễn ra khá phổ biến như như tiêm botox, tiêm chất làm đầy, tiêm tinh chất giảm béo, hút mỡ… đã gây ra hàng loạt ca tai biến do làm đẹp, thậm chí tử vong trong thời gian qua.

Đây là hồi chuông cảnh báo tới tất cả những người muốn làm đẹp, đồng thời cũng là vấn đề bức thiết trong việc tăng cường công tác quản lý, sửa đổi những quy định còn bất cập, nhằm siết chặt các cơ sở làm đẹp hiện nay.

Giảm béo “siêu tốc” chỉ là hoang đường

Quảng cáo giảm béo, giảm mỡ bụng siêu tốc tràn lan trên mạng với những lời lẽ và hình ảnh bắt mắt như: Công nghệ giảm béo từ tinh chất Vàng đỏ Saffon: cấy enzim vào vùng cần giảm béo để chuyển hóa mỡ huyết tương, sử dụng sóng siêu âm tác động, giảm cân nhanh chóng; hoặc “Giải quyết gần “chục kí” mỡ bụng, với giá 1.390/ống tinh chất Dr.lipocell”; “Chỉ sau 60 phút đã sở hữu ngay vóc dáng hoàn hảo thu hút mọi ánh nhìn bằng rút mỡ sinh học Meso Estetic”; thậm chí có quảng cáo quá sự thật khiến chị em đang khao khát làm đẹp lao vào nộp tiền như: “ “Vua hủy mỡ” thực hiện một lần duy nhất cân nặng có thể giảm 20kg, số đo các vòng có thể siết chặt 25cm-30cm”…

Trên thực tế rất nhiều khách hàng phải chịu quả đắng “tiền mất, tật mang”, vùng bụng không được như ý mà còn “tồi tệ” hơn, thậm chí phải trả bằng tính mạng. Theo một chuyên gia lâu năm về lĩnh vực làm đẹp cho biết, nhiều spa, thẩm mỹ viện (TMV) sử dụng nhiều “chiêu trò” như sau khi tiêm tinh chất, cho khách uống thêm thuốc giảm cân gây chán ăn và thuốc lợi tiểu để mất nước, cân giảm nhanh nhưng sau hết thuốc, cân nặng lại về như cũ.

Hơn nữa, việc làm này rất nguy hiểm, có trường hợp cấp cứu không kịp gây trụy tim mạch, hỏng men ruột. Hoặc trước lúc tiêm nhân viên đo chéo bụng cho khách, xong liệu trình đo thẳng bụng nên đương nhiên giảm vài centimét vòng bụng.

Quảng cáo giảm béo tràn lan trên mạng.

Chuyên gia này cũng cho hay, tùy vào cơ địa của từng khách hàng, có người tiêm tinh chất 3 mũi mỡ ra nhiều phải đóng băng vệ sinh. Thế nhưng, tại nhiều nơi, vì để khách giảm cân thần tốc trong 1-2 tuần như quảng cáo, lẽ ra chỉ tiêm thăm dò 3-4 mũi một lúc, họ lại tiêm liên tục 10-20 ống tinh chất, điều này vô cùng nguy hiểm.

Do hoạt động chui, không có chuyên môn, nên những cơ sở này thường tiêm bằng máy để đẩy thuốc sâu hơn, phân hủy mỡ dần. “Đang từ 57kg xuống 55kg thì giảm được, nếu từ 57kg mà giảm xuống 50kg là rất nguy hiểm. Vì không có chuyên môn nên tiêm sai quy chuẩn, gây trào ngược thuốc, nhiều khách hàng bị hoại tử tại chỗ tiêm”- chuyên gia này cho biết.

Còn theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, BV Đại học Y Hà Nội, các spa nói với khách giảm mỡ bụng bằng đánh mỡ, tiêm tinh chất, sau đó đi tiểu ra mỡ là hoang đường, bởi màng lọc ở thận không bao giờ mỡ đi qua được.

BS Dung cũng nhấn mạnh việc tiêm tinh chất giảm béo rất ít hiệu quả, bởi các cơ sở làm đẹp hay dùng chiêu trò “ăn gian” trong quá trình đo và cho khách uống kèm thêm thuốc giảm cân và chế độ ăn kiêng.

Có nhiều người sau tiêm trong cơ thể xuất hiện những cục lổn nhổn bởi các nang bên trong toàn là nước mỡ. Thuốc giảm béo có dòng thuốc tác động đến thần kinh trung ương gây chán ăn. “Có người sau giảm cân mắc bệnh chán ăn không chữa nổi nữa. Đây là phương pháp không nên sử dụng, vì khi giảm béo sẽ giảm rất nhiều chất trong cơ thể và vitamin” – BS Dung cảnh báo.

BS Dung cũng nhắc tới phương pháp giảm béo đang thịnh hành hiện nay là “rút nước ra khỏi tế bào”. Phương pháp này rút nước rất nhanh, mới đầu trông giảm cân nhanh, nó có thể rút nước tế bào của các cơ quan khác, chẳng hạn như thần kinh, làm cho xây xẩm mặt mày. Nhưng nước lại trở về rất nhanh, nước chui từ ngoài vào trong mỡ và lại đầy rất nhanh.

BS Dung cũng cảnh báo sự thật nghiêm trọng hiện nay, đó là các trường hợp tiêm tinh chất giảm béo không được tiêm bởi bác sĩ, mà chủ yếu là do nhân viên spa tiêm, không đảm bảo nguyên tắc vô trùng. Tại BV Đại học Y đã gặp nhiều trường hợp tiêm giảm mỡ sau biến chứng thành ổ áp xe mãi mới liền, có người chỗ tiêm bị mủn mỡ xung quanh không liền lại được, có ca điều trị 3 tháng mới liền.

Bổ sung Nghị định 176 để có chế tài xử lý

Sử dụng các kỹ thuật như tiêm, hút mỡ bụng, cắt mỡ thành bụng “chui” ở các cơ sở spa, TMV thời gian qua đã gây ra nhiều hậu quả đau lòng, nhưng lại rất ít nạn nhân tố cáo với cơ quan chức năng, mà chỉ âm thầm đến viện điều trị.

Điều này càng khiến cho các cơ sở làm đẹp thừa dịp lộng hành, thậm chí, họ còn đánh tráo khái niệm tiêm tinh chất thành “cấy dưới da” để khỏi bị xử lý do hoạt động trái phép. Tuy nhiên, theo BS Phạm Thị Việt Dung, “cấy dưới da cũng là tiêm”, do vậy cần phải xử lý nghiêm để những cơ sở này không làm bừa gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Theo BS Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, hiện các cơ sở spa, TMV do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Kinh tế UBND quận cấp phép nên các đơn vị này không thông báo danh sách cho Phòng Y tế.

Do đây là ngành nghề kinh doanh không điều kiện nên quy định hiện hành cũng còn nhiều bất cập, rất khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Nếu cơ sở đang hoạt động bình thường, cơ quan y tế không thể vào kiểm tra trừ khi có vi phạm về quảng cáo hoặc phản ánh, tố cáo từ khách hàng, cơ quan báo chí…Từ đầu năm 2019 đến nay, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành kiểm tra các Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, cơ sở spa, TMV trên địa bàn, tuy nhiên để phát hiện vi phạm phải kiểm tra “đột xuất, bất ngờ”, nếu đặt lịch trước là họ “trốn” hoặc hủy bỏ tang vật…

Trong 10 tháng đầu năm 2019, quận Hoàn Kiếm kiểm tra phát hiện 6 cơ sở spa, chăm sóc sắc đẹp vi phạm, phạt tiền gần 200 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là kinh doanh mỹ phẩm hết hạn; không thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn… Trước đó, nhận được nguồn tin tại cơ sở làm đẹp ở phố Trương Hán Siêu quảng cáo tiêm vaccine phòng các loại ung thư của Nhật, quận thành lập đoàn kiểm tra và xử phạt 42 triệu đồng đối với cơ sở này…

Về phát hiện chữa bệnh “chui”, đặc biệt là dịch vụ tiêm, theo bà Nhàn, tiêm rất dễ giấu, nếu không sử dụng biện pháp nghiệp vụ thì rất khó phát hiện. Có trường hợp phát hiện bơm, kim tiêm ở đó nhưng cơ sở làm đẹp bảo họ dùng cho cá nhân, không có sự hợp tác của khách hàng nên rất khó chứng minh.

Tương tự, BS Phạm Thị Thu Thủy, chuyên viên Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cũng kêu “khó” phát hiện hoạt động tiêm tại các cơ sở làm đẹp, nhiều khi kiểm tra phát hiện rác y tế, có nghi ngờ nhưng bệnh nhân không phối hợp rất khó xử lý.

Hiện, UBND các phường được phân cấp quản lý các cơ sở làm đẹp này, nhưng việc phát hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh “chui” lại rất ít, hầu như không có. Theo BS Phạm Thị Thanh Nhàn, có spa cắt mí, cắt mắt, khi bị “động” họ chuyển ngay khách hàng sang BV gần đó.

Để cấp phường phát hiện được là rất khó. Hiện nay, ngành y tế chỉ có “cây gậy” là Nghị định 176/NĐ-CP nhưng lại chưa quy định rõ các điều khoản của dịch vụ thẩm mỹ nên rất khó xử phạt. “Ngành y tế đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 176/NĐ-CP đưa một số dịch vụ làm đẹp như phun, xăm vào thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, lúc đó mới dễ dàng áp dụng chế tài xử lý.

Phun xăm có điêu khắc trên da, dùng sản phẩm màu sau này có gây ung thư hay không; hoặc ủ tê lên lông mày có dùng thuốc giảm đau… đều liên quan tới sức khỏe, nên cần thiết phải đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện” – BS Nhàn đề xuất.

Trần Hằng
.
.
.