Gia đình không tiếp tay cho người thân nhập cảnh trái phép

Thứ Sáu, 01/01/2021, 12:46
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo các hộ gia đình có người thân làm việc ở nước ngoài chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Người dân không tin lời những kẻ lừa đảo dụ dỗ nhập cảnh trái phép. Tuyệt đối không đồng tình, giúp sức cho các hành vi nhập cảnh trái phép từ biên giới vào Việt Nam. 

Những ngày qua, các tỉnh Tây Nam bộ phát hiện hàng loạt trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam, qua đường mòn, lối mở biên giới. Công an tỉnh An Giang và Vĩnh Long đã khởi tố hai vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép và làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”, liên quan đến bệnh nhân 1440, đồng thời truy cứu trách nhiệm những người liên quan. 

Không tiếp tay nhập cảnh trái phép

Theo báo cáo của Công an tỉnh An Giang, kết quả điều tra xác minh ban đầu có 8 trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở tại xã Khánh Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng với bệnh nhân 1440 (BN 1440). Ngoài 5 đối tượng đi chung xe với BN 1440, từ biên giới Myanma, Thái Lan, Campuchia về Việt Nam, còn có 3 đối tượng là phụ nữ tại Campuchia cùng tham gia. 

Trong 9 người này, đến nay xác định có 4 ca là BN 1440, 1451, 1452 và 1453. Thông tin từ gia đình BN 1440, giữa năm 2020, người này theo bạn bè ra nước ngoài lao động. Do dịch bệnh phức tạp, sau đó bệnh nhân 1440 liên hệ với gia đình, nhờ chuyển tiền tìm đường nhập cảnh trái phép. Gia đình bệnh nhân 1440 cho biết đã hai lần chuyển 37 triệu đồng cho đầu mối, trong đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép. Sau khi bệnh nhân 1440 trở về địa phương, gia đình đã báo chính quyền đưa đi cách ly tập trung.

Công an huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp), tuyên truyền đến từng hộ dân nâng cao ý thức phòng chống dịch.

Trong lúc các tỉnh, thành nỗ lực chống dịch, truy vết trường hợp liên quan đến các ca bệnh, tại tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, liên tiếp phát hiện người nhập cảnh trái phép. Điều đáng lo ngại, hai trường hợp này, gia đình không chủ động trình báo cho đến khi người dân và lực lượng Công an phát hiện. 

Trường hợp của nam thanh niên sinh năm 2001 ở Đồng Tháp là một điển hình. Người này sang làm việc tại tỉnh Snuol (Campuchia), đến ngày 27/12/2020, đã di chuyển về Việt Nam bằng xe máy qua đường rừng thuộc tỉnh Bình Phước. Sau đó, thanh niên này về gia đình ở xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười). Trong hai ngày, người này tiếp xúc với cha mẹ, em ruột, bà nội và người yêu. Ngay sau khi phát hiện, lực lượng Công an địa phương cùng ngành chức tiến hành đưa đối tượng đi cách ly tập trung. 

Sau trường hợp nhập cảnh trái phép trở về Đồng Tháp, đến ngày 30/12/2020, người dân ở huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), tiếp tục phát hiện thêm trường nhập cảnh trái phép bằng đường biển trở về từ Malaysia nên báo cơ quan chức năng. 

Qua điều tra dịch tễ, ngày 29/12/2020, người này nhập cảnh về Việt Nam bằng tàu cá, cập cảng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trên đường về Vĩnh Long, đối tượng đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Khi về đến nhà, người này không khai báo y tế mà đi thăm người thân cho đến khi người dân trình báo, sau đó lực lượng Công an, ngành Y tế đưa đi cách ly. 

Lực lượng Biên phòng, Công an, đoàn viên thanh niên tỉnh Đồng Tháp tuyên truyền người dân, phòng chống dịch COVID-19.

Cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ gia đình có người thân làm việc tại nước ngoài, nâng cao tinh thần phòng chống dịch COVID-19. Gia đình không tiếp tay cho người thân nhập cảnh trái phép, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm ra cộng động. Luật sư Phan Đình Hưng (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho biết: Khoản 3, Điều 17 của Bộ luật hình sự quy định, người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm là đồng phạm trong vụ án hình sự. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cảnh giác, tố giác ngay khi phát hiện các trường hợp nghi vấn xuất hiện trên địa bàn.

Siết chặt lối mở, đường mòn biên giới

An Giang và Đồng Tháp có khoảng 150 km giáp biên giới Campuchia, với nhiều đường mòn, lối mở. Nhiều người lợi dụng khu vực bờ sông biên giới, đường mòn, lối mở tổ chức xuất nhập cảnh trái phép. Tính từ tháng 3 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp đã đưa 1.070 trường hợp nhập cảnh đi cách ly tập trung. Trong đó 345 người nhập cảnh trái phép.

 Cơ quan An ninh điều tra khởi tố 2 vụ, 3 đối tượng liên quan đến hành vi tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng An Giang, năm 2020 đã xử lý 329 vụ với 767 người nhập cảnh trái phép. Trong đó điều tra, khởi tố 7 vụ với 8 người vi phạm. 

Tổ phòng chống dịch ở xã biên giới Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp).

UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an và các địa phương khu vực biên giới, tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Đại tá Nguyễn Quang Định, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết đơn vị duy trì 14 chốt phòng chống dịch và 18 tổ tuần tra lưu động. Tại các chốt phòng chống dịch và tổ tuần tra lưu động, lực lượng Biên phòng, Quân sự và Công an, túc trực 24/24, thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở biên giới.  

Công an xã chính quy tham gia tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Tây Nam.

Thượng tá Văn Vũ Quốc Khương, Trưởng Công an huyện Tân Hồng cho biết giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác, phối hợp với các lực lượng tuần tra. Cảnh sát cơ động cũng được tăng cường xuống địa bàn hỗ trợ các huyện, đặc biệt khu vực địa bàn biên giới. Tại An Giang, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh cho biết đã xây dựng kế hoạch triển khai tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt tội phạm có tổ chức đưa người trái phép qua biên giới. Công an tỉnh An Giang tập trung đấu tranh, xử lý, ngăn chặn triệt để, góp phần cùng cả nước làm tốt công tác phòng chống dịch, nhất là trên tuyến biên giới.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tình trạng nhập cảnh trái phép là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Công an các địa phương làm rõ đường dây đưa người nhập cảnh trái phép, kết hợp với lực lượng Biên phòng, Quân sự thắt chặt, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch COVID-19. Thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã kích hoạt chế độ phản ứng nhanh, phòng chống dịch COVID-19. 

Không tin vào lời dụ dỗ nhập cảnh trái phép

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết những người hợp làm việc ở nước ngoài quay về Việt Nam sẽ được cách ly tập trung, sau khi xem xét đầy đủ giấy tờ tùy thân, nơi cư trú và đủ điều kiện nhập cảnh. “Hiện nay có luồng xâm nhập lợi dụng chính sách bảo hộ của Việt Nam. Công dân có hộ khẩu, đủ giấy tờ tùy thân hợp pháp, đủ điều kiện nhập cảnh trở lại thì sẽ cho cách ly”, ông Bửu nói. 

Đối với những trường hợp muốn quay trở về Việt Nam nhưng chưa đủ điều kiện về giấy tờ (xuất cảnh trái phép), liên hệ với lãnh sự quán để có những chuyến bay “giải cứu” hoặc luồng nhập cảnh hợp pháp. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo các hộ gia đình có người thân làm việc ở nước ngoài chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Người dân không tin lời những kẻ lừa đảo dụ dỗ nhập cảnh trái phép. Tuyệt đối không đồng tình, giúp sức cho các hành vi nhập cảnh trái phép từ biên giới vào Việt Nam. 

Công dân Việt Nam có giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp (hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân) đều được giải quyết thủ tục nhập cảnh bình thường qua cách cửa khẩu quốc tế giữa Campuchia và Việt Nam. Sau khi nhập cảnh, công dân sẽ được cách ly tập trung, đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như gia đình và cộng đồng. 

Văn Vĩnh
.
.
.