Đổi thay cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc

Thứ Năm, 10/10/2019, 14:30
Nhờ áp dụng hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nhà để có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, những năm trở lại đây, cộng đồng người Mông, người Dao ở Hà Giang đang từng bước nâng cao năng suất lao động, từ đó chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt.

Theo chương trình của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ phối hợp Cục Thông tin đối ngoại tổ chức, đoàn công tác chúng tôi đã vượt cung đường hơn 500km về vùng núi Tây Bắc Hà Giang, nơi những thửa ruộng bậc thang đang trĩu bông vàng óng trải dài khắp triền núi đúng mùa lúa chín. 

Gia đình anh Chiến có kinh tế ổn định hơn nhờ cây chè Shan tuyết.

Tại đây, chúng tôi đã đặt chân tới hai xã vùng cao Sà Phìn (Đồng Văn) và Cao Bồ (Vị Xuyên). Ngoài việc tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ nơi địa đầu Tổ quốc, điều làm chúng tôi háo hức hơn cả đó là được giới thiệu về sự chuyển mình tích cực trong cuộc sống của những người dân nơi đây với những mô hình phát triển kinh tế đáng ngưỡng mộ do chính họ tạo nên nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như các chương trình, chính sách hỗ trợ của tỉnh nhà.

Xã Cao Bồ là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, có 755 hộ dân với 3992 khẩu sinh sống ở 11 thôn bản (chủ yếu là người Dao). Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn đặc biệt khó khăn chiếm 33%. Ông Lý Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ chia sẻ, là một xã vùng cao khó khăn, Ban chấp hành Đảng bộ xã những năm qua đã tập trung gia tăng giá trị sản xuất trên từng diện tích đất canh tác, giảm nghèo bền vững, nhanh chóng bám đất, bám dân và có những định hướng, tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của xã theo hướng trọng tâm, trọng điểm.

Sau những khó khăn ban đầu, đến nay, chè Shan tuyết đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Làm giàu từ "báu vật" trời ban

Theo đó, trong những năm qua, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân, xã Cao Bồ đã tập trung chủ yếu vào phát triển nông nghiệp như cây chè, thảo quả và dược liệu, nhưng quan trọng nhất vẫn là chè Shan tuyết, loại cây quý mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Những hộ dân tại đây đều ý thức được rằng, cần phải thay đổi nếp quen, tiến hành quan sát, thử nghiệm đi đến sản xuất nhận rộng đại trà giống chè này thì mới có thể giúp những họ làm giàu bằng sức lao động chân chính của mình.

Bước vào căn nhà khang trang của gia đình anh Đặng Văn Chiến, một trong những người dân tộc Dao “đổi đời” nhờ cây chè địa phương, chúng tôi lại càng tò mò muốn tìm hiểu thêm về cách mà người đàn ông này ăn nên làm ra từ giống cây quý mà thỗ nhưỡng nơi đây mang lại cho những gia đình như anh. 

Quyết định đẩy mạnh phát triển chè từ năm 2013 sau 5 năm canh tác, anh Chiến cho biết bản thân và gia đình đã phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Nhưng dần dần sau đó khi đã quen với công việc, thương hiệu chè Shan tuyết được nhiều người biết tới hơn, năng suất lao động và sản lượng chè được tiêu thụ ngày một nhiều.

Theo ước tính của anh Chiến, mỗi tháng gia đình anh bán được khoảng 1 tấn chè, sản lượng cao nhất thường rơi vào vụ đông xuân (tháng hai, tháng ba). Mỗi năm, cây chè Shan tuyết mang về cho gia đình anh Chiến từ 150-200 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và vận chuyển. “Chè Shan tuyết tại đây là hoàn toàn tự nhiên và không dùng phân bón, đây chính là điều chúng tôi tự hào khi nhắc tới loại chè này”, anh Chiến chia sẻ.

Sản lượng chè gia đình anh Chiến tăng cao từ khi có hai chiếc máy xao chè mới.

Ánh mắt tràn đầy niềm vui và hạnh phúc khi nghe chồng mình chia sẻ về những con số “biết nói”, chị Lý Thị Duyên, vợ anh Chiến kể rằng, có được sản lượng tiêu thụ như trên không thể không kể tới sự “trợ giúp đắc lực” của hai chiếc máy xao chè vừa được gia đình mua mới từ nguồn vốn hỗ trợ do CPRP (chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa) do huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cấp.

 “Sản lượng chè tăng hơn ba lần kể từ khi có hai chiếc máy xao chè mới, nhờ đó mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn, sắm sửa được đầy đủ cho các con, bản thân là một người mẹ, tôi cảm thấy rất vui”, chị Duyên chia sẻ.

Từ những sợi lanh tới con đường khẳng định giá trị bản thân

Không giống với chị Duyên khi cùng chồng canh tác sản xuất chè, những người phụ nữ dân tộc Mông ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn lại chọn cho mình một lối đi khác. Trước đây, có lẽ trong chúng ta đã không ít lần nghe thấy những câu chuyện về những vụ việc người phụ nữ Mông bỏ nhà đi sang biên giới tìm việc, mà phần lớn là do cuộc sống hôn nhân bế tắc, bị bạo hành, để rồi từ đó, nhiều vụ mua bán người đã không may xảy ra...

Chị Vàng Thị Cầu hướng dẫn các chị em trong HTX thêu may các mặt hàng gia dụng dệt từ lanh trắng.

Thế nhưng, những câu chuyện buồn trên đang trôi dần về quá khứ khi cuộc sống của những người phụ nữ nơi đây đang ngày một tốt đẹp hơn nhờ có công việc làm ổn định ngay tại chính địa phương. Từ mùa xuân năm 2018, đến với Cao nguyên Đồng Văn – Hà Giang, tại các điểm du lịch thu hút nhiều du khách như Dinh thự nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, khách hàng có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm gia dụng dệt từ lanh trắng – một loại vải truyền thống của người Mông.

Tự hào giới thiệu về Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phì A, chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn; người sáng lập, đồng thời là Tổ trưởng Tổ sản xuất của HTX cho biết, thành lập từ tháng 3-2018 chỉ với 10 thành viên, được sự quan tâm của chính quyền huyện Đồng Văn, sau hơn 1 năm, đến nay HTX đã có 20 thành viên với thu nhập ổn định mỗi tháng từ 5 – 6 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 95 phụ nữ trên toàn huyện Đồng Văn. Sản phẩm chủ yếu được trưng bày tại điểm tham quan Dinh thự Họ Vương và bán cho khách du lịch. Không dừng lại ở đó, hiện nay HTX đã bắt đầu liên kết hợp tác sản xuất với các cơ sở du lịch, thời trang trong nước và xuất sang Canada, Úc, Italia, Nhật Bản... Không chỉ giải quyết việc làm, HTX cũng đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức của người phụ nữ Mông ở Đồng Văn.

Các mặt hàng gia dụng từ sợi lanh trắng của HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phì A nhận được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.

Bản thân là người phụ nữ Mông cũng đã từng trải qua hành trình vất vả của sự khao khát vươn lên đi tìm con chữ, tri thức để làm chủ cuộc đời mình, điều mà chị Vàng Thị Cầu luôn mong mỏi khi thành lập HTX đó chính là giúp đỡ được ngày càng nhiều hơn những người phụ nữ có mảnh đời bất hạnh tại địa phương kiếm thêm thu nhập, khẳng định được tiếng nói và vai trò của họ trong gia đình. “Phụ nữ có việc làm, có thu nhập là có sự bình đẳng và được tôn trọng, yêu thương”, chị Vàng Thị Cầu nói.

Từng là một trong những nạn nhân của bạo lực gia đình, chị Sùng Thị Sy – Giám đốc HTX cho biết, trước đây, kinh tế thiếu thốn khiến cho chồng chị thường xuyên say rượu và đánh chửi vợ con, nhất là khi anh trở về nước với hai bàn tay trắng do bị chủ quỵt tiền sau thời gian đi lao động trái phép ở Trung Quốc.

Có công ăn việc làm và thu nhập ổn định sau khi tham gia HTX, Chị Sùng Thị Sy cùng các chị em phụ nữ khác dần dần khẳng định được tiếng nói và vai trò của họ trong gia đình.

Sau khi được chị Vàng Thị Cầu nhiều lần thuyết phục, chị Sy quyết định tham gia vào HTX với niềm hi vọng về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn. “Từ khi có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, mình có tiền để mua sắm cho con cái, không phải vay mượn nữa. Chồng cũng giúp đỡ mình nhiều hơn và không còn đánh mắng vợ nữa”, chị Sùng Thị Sy vui mừng tâm sự, đồng thời nhắn nhủ rằng: “Các ông chồng hãy yêu thương vợ hơn và dừng các hành vi bạo lực gia đình. Vì làm như vậy sẽ khiến các cô vợ sẽ rất tủi thân và buồn. Còn những người vợ hãy biết tôn trọng chồng. Cả hai bên hãy tôn trọng nhau”.

Ngoài việc lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông, những việc làm của chị Vàng Thị Cầu, của Hợp tác xã Lanh Trắng, của những người phụ nữ dân tộc Mông can trường ở nơi đây đã chứng minh rằng chỉ khi người phụ nữ dám mạnh mẽ vươn lên, có việc làm, có thu nhập thì sẽ góp phần tạo ra bình đẳng giới, góp phần bảo đảm quyền con người.

Những điểm sáng đã đạt được tại hai xã Cao Bồ (Vị Xuyên) và Sà Phìn (Đồng Văn), cho thấy rằng cuộc sống của cộng đồng người Dao, người Mông vùng cao Hà Giang hiện đang thực sự đổi thay từng ngày. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, chính quyền địa phương và nhân dân sẽ chung sức vận dụng sáng tạo mọi sự hỗ trợ để giải quyết khó khăn, làm thay đổi mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi địa đầu Tổ quốc.

Trung Nguyễn
.
.
.