Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại TP HCM

Thứ Năm, 04/01/2018, 08:19
“Hiện tượng sương mù quang hóa thường xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua mà gần nhất là trong sáng 3-1 cho thấy, ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh đang ở mức báo động”.


Đây là thông tin được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết tại tọa đàm về ô nhiễm không khí ở TP Hồ Chí Minh, do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức ngày 3-1. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, hoạt động giao thông, xây dựng và sản xuất công nghiệp là những tác nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị. Hoạt động giao thông phát thải tới gần 85% lượng khí cacbon monoxit có khả năng gây nhiễm độc cấp và nhiều chất độc hại khác. Tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5 - 6 lần quy chuẩn. Không chỉ gây khói, bụi độc hại, các hoạt động này còn phát sinh tiếng ồn làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh đang ở mức báo động.

Tại tọa đàm, đại diện Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển cho biết, qua phân tích các giai đoạn ô nhiễm không khí mức cao tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, đây là nơi phát thải lớn nhất trong khu vực với số lượng lớn các phương tiện giao thông, khu công nghiệp, hoạt động xây dựng… Ô nhiễm không khí đỉnh điểm tại thành phố luôn diễn ra vào buổi sáng là thời điểm giao thông cao điểm.

Trong khi đó, theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra (với 72 % số liệu bụi quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt Quy chuẩn Việt Nam và 97 % số liệu mức ồn quan trắc được tại 12 vị trí giao thông vượt Quy chuẩn Việt Nam).

Đánh giá về tác động của ô nhiễm không khí tới vấn đề sức khỏe, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng cho biết, ô nhiễm không khí là nguyên nhân đứng thứ 4 dẫn tới nguy cơ tử vong sớm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí khiến khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mỗi năm. Đặc biệt với thành phố lớn và dân số đông như TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm không khí đang là vấn đề đáng báo động với sức khỏe người dân.

Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, nơi chuyên điều trị các bệnh đường hô hấp thường xuyên trong tình trạng quá tải. Tại bệnh viện này, ngoài các ca mắc bệnh đường hô hấp mãn tính có rất nhiều trường hợp mắc bệnh do thời tiết, do môi trường làm việc ô nhiễm, khói bụi. Tương tự, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân từ 120 – 130%, phần lớn các bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến hệ hô hấp.

Đề xuất về giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Lê Việt Phú, giảng viên Đại học Fulbright tại Việt Nam cho biết, cần có thêm những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng không khí và nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về ô nhiễm không khí để gửi thông tin cho người dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao. Thành phố cần thực hiện đa dạng hóa trong đầu tư về sản xuất năng lượng, chuyển đổi qua những dạng năng lượng khác ngoài năng lượng từ đốt than, khích lệ sử dụng những nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng và những dự án giao thông công cộng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trước hết thành phố phải kiểm soát được lượng phát thải xe gắn máy để tiến tới thay thế xe gắn máy chuyển sang sử dụng xe công cộng, tàu điện hoặc xe buýt sạch. Đồng thời, thành phố thay thế xe buýt dùng công nghệ cũ bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch hơn. 

TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung mật độ công nghiệp rất cao, vì vậy cần sớm triển khai áp dụng cho phép xả thải từng nhà máy. Về lâu dài, thành phố cần thực hiện quy hoạch và phân vùng xả thải khí thải phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, quy định khu vực được phép hoặc không được phép tiến hành xây dựng và hoạt động của khu công nghiệp.

Nguyễn Xuân Dự
.
.
.