Đấu giá khoáng sản có nguy cơ thất bại
- Giấy phép hết hạn vẫn ngang nhiên khai thác khoáng sản
- Góp ý dự thảo Nghị định về Khai thác và kinh doanh khoáng sản
Từ năm 2015, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã bán hồ sơ đấu giá công khai 4 mỏ khoáng sản lớn. Cụ thể, mỏ cát thạch anh (cát trắng) tại khu vực xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế có giá khởi điểm 18 tỷ đồng, đặt trước 900 triệu đồng.
Mỏ quặng sắt tại huyện Yên Lập và huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có giá khởi điểm R=2% (R là mức thu cấp quyền khai thác khoáng sản, được quy định bằng tỉ lệ phần trăm giá trị khai thác của mỏ), tiền đặt trước là 1 tỷ đồng.
Khai thác khoáng sản vẫn diễn ra ồ ạt trong khi ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể. |
Mỏ fluorit tại xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình tại tỉnh Cao Bằng có giá khởi điểm R=2%, mức tiền đặt trước là 500 triệu đồng. Mỏ đá metacacbonat tại xã Suối Giàng và xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có giá khởi điểm R=1%, tiền đặt trước là 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có mỏ nào được đấu giá thành công.
Lí giải điều này, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: “Hiện nay, theo quy định của Nghị định 22, muốn tổ chức đấu giá phải có tối thiểu 3 doanh nghiệp. Trong khi đó, khi bán hồ sơ, có nhiều mỏ không đủ số lượng tối thiểu nên chưa đủ điều kiện để tổ chức đấu giá. Ngoài ra, theo quy định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá phải có vốn sở hữu tối thiểu 50 tỷ đồng.
Do vậy, có những mỏ đủ số lượng doanh nghiệp tham gia nhưng cũng không thể tổ chức đấu giá do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đều chưa đạt. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 22, cho phép giảm số lượng doanh nghiệp tối thiểu tham gia đấu giá xuống còn 2.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2016/NĐ-CP để bổ sung, sửa đổi Nghị định 22. Từ ngày 15-1-2017, Nghị định này sẽ có hiệu lực. Khi đó, hi vọng việc đấu giá khoáng sản sẽ diễn ra suôn sẻ”, ông Thanh nói.
TS Lê Ái Thụ - Hội Địa chất Việt Nam cho rằng, việc đấu giá khoáng sản hiện nay không phát huy hiệu quả do không khả thi. Ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa đấu giá thành công mỏ nào.
Khai thác khoáng sản diễn ra ồ ạt trong khi ngân sách nhà nước thu được không đáng kể. |
Ở cấp địa phương, có một vài mỏ đấu giá thành công nhưng người thắng cuộc sau đó cũng “bỏ của chạy lấy người”. Theo TS Thụ, có 2 loại đấu giá gồm: đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở nơi chưa thăm dò và đấu giá quyền khai thác ở nơi đã có kết quả thăm dò.
Về cơ bản, các khu vực có kết quả thăm dò đều đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Trong khi đó, việc đấu giá ở nơi chưa có kết quả thăm dò lại không khả thi do thông tin về mỏ rất mơ hồ.
"Đấu giá hiện nay rất tù mù, cả người bán và người mua đều không biết cái mỏ ấy to nhỏ ra sao. Cơ quan quản lí Nhà nước tù mù, doanh nghiệp lại càng tù mù. Do không đánh giá được trữ lượng nên việc xác định giá khởi điểm rất khó thực hiện, nếu có cũng khó đảm bảo độ tin cậy", TS Thụ nói.
TS Thụ cũng khẳng định, việc không có đủ số lượng doanh nghiệp tham gia đấu giá cho thấy nhu cầu thực sự trong xã hội không lớn. Trong khi đó, các quy định hiện nay lại làm nảy sinh sự thiếu công bằng giữa việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của đơn vị đã hoạt động trước và đơn vị đấu giá khoáng sản.
Tiền cấp quyền đối với doanh nghiệp đã cấp phép, hoạt động nhiều năm chỉ bằng giá khởi điểm, lại được nộp phân kỳ nhiều lần. Trong khi đó, tiền đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu dưới 50 tỷ đồng chỉ được nộp 1 lần.
“Nếu bắt doanh nghiệp đóng một lúc khoản tiền lớn như thế, họ sẽ không còn tiền để đầu tư cho khai thác. Những doanh nghiệp phải đấu giá chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn đều đã được Nhà nước cấp mỏ từ trước”, TS Thụ nhấn mạnh.
Về điều này, ông Lại Hồng Thanh khẳng định: “Chủ trương của Chính phủ khi đấu giá khoáng sản là thu hút những doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính. Không giống như các lĩnh vực khác, khai thác khoáng sản có yếu tố đặc thù, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ cao. Chúng tôi không khuyến khích các doanh nghiệp không đủ tiềm lực tham gia đấu giá”.
Hiện nay, bất cập lớn nhất trong hoạt động khai khoáng ở Việt Nam là tình trạng khai thác một cách ồ ạt nhưng lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể, người dân địa phương không được hưởng lợi ích.
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản giảm rất nhanh trong những năm gần đây trong khi sản lượng khai thác vẫn không ngừng tăng lên.
Năm 2013, nguồn thu thuế tài nguyên đạt 37.875 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đến năm 2015, nguồn thu thuế tài nguyên chỉ còn 29.111 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng thu ngân sách Nhà nước.