Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên đang “ngóng” thời tiết

Thứ Hai, 16/12/2019, 08:19
Nếu như hàng trăm gốc đào trên cánh đồng Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang chết khô thì đào Nhật Tân (Tây Hồ) đến thời điểm này phát triển khá thuận lợi chờ Tết...

Tuy thiệt hại gần 30% do nắng nóng trong năm, nhưng nếu từ nay tới Tết, thời tiết càng rét thì người trồng đào ở Nhật Tân càng thắng lớn. Tuy nhiên, đây lại là điều mà người trồng quất ở Tứ Liên (Tây Hồ) không mong đợi vì rét đậm, quất không kịp chín vào Tết.

Đào thế sẽ có giá từ 40 đến 300 triệu đồng/cây

Đến vườn đào Nhật Tân ngoài bãi sông Hồng vào sáng 15/12, bên cạnh dòng người đổ về đây chụp ảnh là những người nông dân đang chăm chút cho từng gốc đào trong vườn. Bác Hùng, nhà có 200 gốc đào cho biết: “Chúng tôi đầu tư vốn liếng, công sức cả năm vào hết đây rồi, chỉ mong thời tiết thuận lợi cho người nông dân chúng tôi thu hoạch đúng Tết”.

Nhìn vườn đào của bác Hùng đã tuốt lá, đào bắt đầu dương mắt, tôi hỏi liệu năm nay người dân Nhật Tân có trúng đào Tết không, bác Hùng thở dài, “phải 20 Tết mới biết là thắng hay thua”.

Ngay đầu đường vào bãi Nhật Tân là những vườn đào thế của các gia đình có truyền thống “ăn lên làm ra” như Tuấn Việt, Thế Anh, Mạnh Hùng… Nhiều cây đào thế đã lên chậu, có cây to phải chừng vài vòng ôm đang được các chủ vườn chăm sóc để bán ra thị trường với cái giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu.

Người dân Tứ Liên mong thời tiết ấm để quất kịp chín vào Tết (ảnh chụp sáng 15-12).

Theo anh Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hội làng nghề phường Nhật Tân, chủ vườn đào Tuấn Việt, năm nay cây đào thế to nhất vườn anh có giá khoảng 60 triệu đồng, những cây nhỏ hơn một chút thì khoảng 40 đến 50 triệu đồng, còn trung bình từ vài triệu đến 20-30 triệu. Tuy nhiên, đây là giá trong vườn, nếu cây 60 triệu mang ra thị trường có thể lên tới 100 triệu đồng.

“Ở Nhật Tân, Tết năm ngoái có cây đào Thất Thốn giá 200 -300 triệu, năm nay cũng không ngoại lệ” – anh Việt cho biết.

Nhật Tân hiện có gần 800 hộ dân trồng đào với diện tích khoảng 50ha, lượng đào cho ra thị trường Tết khoảng vài vạn cây, cành. Tuy nhiên, Nhật Tân chỉ có khoảng 50 hộ trồng đào thế và có thu nhập ổn định nhờ vào trồng đào. Lượng đào cành ở Nhật Tân tương đối lớn vì cây dễ trồng và vốn đầu tư không nhiều bằng đào thế.

Theo người trồng đào thì xu hướng năm nay các công sở, tòa nhà lớn, người có điều kiện vẫn mua cây to, còn lại cành và cây nhỏ dành cho những gia đình ở chung cư và người có thu nhập trung bình.

Nhắc tới câu chuyện liệu năm nay người trồng đào Nhật Tân có trúng vào Tết hay không, anh Trần Tuấn Việt cho biết, nếu từ nay tới Tết, thời tiết vào khoảng 14-21 độ C thì người trồng đào Nhật Tân sẽ trúng lớn.

Anh Việt tính toán: “20 ngày trước người dân đã tuốt lá cho đào cây, đào cành thì cơ bản đã tuốt lá xong. Đào bắt đầu dương mắt, khoảng 15-12 âm lịch thì có nụ và 20 Tết bắt đầu có hoa. Tôi xem dự báo thời tiết thì chỉ ấm thêm 4 ngày nữa, còn lại đến Tết đều rét. Nếu đến Tết mà rét thì đào năm nay có xu hướng nở đẹp hơn năm ngoái”.

Tuy nhiên, những người trồng đào Nhật Tân như anh Việt vẫn chưa hết nỗi lo, bởi dự báo thời tiết là thế, nhưng nhiều khi vẫn không chính xác vì từ nay tới Tết còn hơn một tháng nữa. Có năm, người trồng đào Nhật Tân dù có tính toán kỹ nhưng vẫn bị mất mùa, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

“Đầu năm nắng nóng, ít mưa, cây kém phát triển khiến năm nay nhà tôi hỏng mất 180 cây đào. Tỷ lệ cây hỏng, chết của Nhật Tân năm nay rơi vào gần 30% nên giá đào sẽ bằng hoặc nhỉnh hơn so với năm ngoái một chút” – anh Việt cho biết.

Nếu rét thì quất mất mùa

Nằm ngoài bãi sông Hồng, đến thời điểm này hàng vạn cây quất cảnh ở Tứ Liên (Tây Hồ) đang vào vụ. Tuy nhiên, khi tới đây, chúng tôi cảm nhận được lo lắng của chủ vườn bởi tỷ lệ quất chết và hỏng năm nay nhiều, hơn nữa quất lại ra quả muộn, đến giờ vẫn còn nhỏ và xanh. Đang tưới nước cho vườn quất gồm 1.000 bonsai của gia đình, chị Chung (chủ vườn quất Chung) than thở: “Nhà tôi hỏng hơn một trăm cây. Cô xem, giờ này quất còn nhỏ và xanh như thế, từ nay đến Tết phải ấm thì may ra mới kịp, nếu rét thì mất mùa”.

Ngược lại với người trồng đào, người trồng quất ở Tứ Liên chỉ mong thời tiết ấm từ nay tới Tết. Hàng trăm cây quất bonsai và quất thế của nhà vườn Tiến Hồng đến thời điểm này quả vẫn còn xanh và nhỏ. Chủ vườn khá lo lắng bởi tiền đổ vào vườn quất đã quá lớn, lại còn công chăm bón cả năm đằng đẵng.

Chăm sóc 3.000 cây quất của gia đình, chủ vườn quất cảnh Hòa Mai cho biết, gia đình chị may mắn hơn là năm nay quất sai, quả to hơn vườn khác nên chị cũng không lo lắng nhiều. “Nhiều nhà xung quanh quất đến giờ quất vẫn còn non, xanh, cằn, nếu rét đậm khả năng không kịp Tết” - chủ vườn cho biết.

Đầu tư, vất vả cả năm, người trồng đào và trồng quất nổi tiếng của Hà Nội đều mong “mưa thuận gió hòa” thuận lợi thu hoạch. Theo anh Trần Tuấn Việt, để chăm sóc 500 gốc đào, anh phải trả công thợ mỗi tháng là 50 triệu đồng, tháng Tết khoảng 250 triệu, chưa kể giá đào giống đắt, đất màu phù sa ít, giá phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng.

“Tiền đầu tư từ đầu năm đến giờ của tôi hết khoảng 1,6 tỷ. Nếu mất mùa thì chúng tôi lỗ lớn. Chưa kể nhiều chủ vườn còn bị khách nợ tiền mua đào nhiều năm chưa trả. Khách đang nợ tôi gần 1 tỷ và đây đều là khoản nợ khó đòi”- anh Việt cho biết.

Theo anh Việt, cả năm người nông dân chỉ trông chờ vào vụ Tết, vì vậy người trồng đào đang kiến nghị đến UBND phường Nhật Tân tháo barie ngăn xe tải đổ trộm phế thải trên đường ra bãi sông Hồng để người dân thuận lợi chuyên chở đào đi bán cho vụ Tết năm nay.

Trần Hằng
.
.
.